Đồng Nai có hệ thống giao thông phát triển mạnh, cửa ngõ vào TP.HCM và giáp ranh với nhiều tỉnh, thành trọng điểm kinh tế phía Nam. Lợi dụng vị trí này, các đối tượng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội cũng gia tăng hoạt động.
Đồng Nai có hệ thống giao thông phát triển mạnh, cửa ngõ vào TP.HCM và giáp ranh với nhiều tỉnh, thành trọng điểm kinh tế phía Nam. Lợi dụng vị trí này, các đối tượng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội cũng gia tăng hoạt động.
Lực lượng chức năng kiểm tra một kho hàng kinh doanh quần áo, giày dép qua mạng xã hội trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Bách |
* Rao bán hàng online không rõ nguồn gốc
Thời gian qua, một số đối tượng kinh doanh trên không gian mạng đã lợi dụng nhu cầu tiêu thụ của người dân để đưa hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vào buôn bán nhằm thu lợi nhuận cao.
Điển hình, vào ngày 2-2, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường Đồng Nai kiểm tra cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy L.K. (đóng tại P.Xuân Trung, TP.Long Khánh), do ông B.M.T. làm chủ, phát hiện 15 thùng và bao tải niềng bánh xe, phuộc giảm xóc, cổ pô xe, pô xe (đều là phụ tùng xe máy) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, kiểm tra kho chứa của cửa hàng này ở P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh), nơi ông B.M.T. bán hàng online, lực lượng liên ngành còn phát hiện, tạm giữ thêm 60 thùng và bao đựng phụ tùng xe máy không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1 máy tính xách tay chứa dữ liệu bán hàng để xác minh làm rõ.
Thượng tá PHẠM HỒNG KỲ, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đề nghị người dân phối hợp hỗ trợ, nhận diện các đối tượng có biểu hiện mua bán hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc... Cần thông báo sự việc đến cơ quan công an, đặc biệt là lực lượng cảnh sát kinh tế nơi gần nhất để kịp thời đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. |
Một số mặt hàng mua bán online thường không rõ nguồn gốc, xuất xứ như: quần áo, nước hoa, rượu ngoại, mỹ phẩm… Vào ngày 22-12-2022, cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra 3 cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm online trên địa bàn TP.Biên Hòa là: J.S. (P.Tân Tiến), J.H. (P.Thống Nhất) và J.B. (P.Hố Nai), phát hiện nhiều mặt hàng mỹ phẩm có nguồn gốc nước ngoài không dán tem, không dán nhãn phụ tiếng Việt. Chủ của chuỗi cửa hàng này - bà N.N.T. thừa nhận, số mỹ phẩm trên thuộc hàng “xách tay”.
Từ ngày 15-11-2022 đến 13-2-2023, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành và đơn vị liên quan phát hiện, xử lý 14 vụ, 15 đối tượng có hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có nhiều điểm kinh doanh hàng online; xử phạt 9 vụ, 9 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước gần 200 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu tiêu hủy gần 6 ngàn chiếc quần, áo, đầm, váy; hơn 400 đôi giày, dép, guốc; 4 thùng rượu nhãn hiệu Chivas, 8 thùng nước hoa nhãn hiệu nước ngoài…
Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác
Theo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, để tiêu thụ hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, các đối tượng kinh doanh trên mạng xã hội (MXH) làm giả, tạo ra mã số, mã vạch để xác định nguồn gốc hàng hóa hoặc sao chép mã số, mã vạch của nhóm hàng tương tự dán lên sản phẩm rồi tập kết, cất giấu tại kho, bãi. Ngoài ra, đối tượng còn trà trộn hàng thật với hàng giả, hàng rõ nguồn gốc với hàng không rõ nguồn gốc bán cho khách hàng.
Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trên MXH, các trang thương mại điện tử. Do đó, đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ lợi dụng để hoạt động.
Để ngăn chặn tình trạng trên, bà Đặng Ngọc Loan, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, thời gian tới sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh đối với hàng hóa nhập lậu, hàng không hóa đơn chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các thương hiệu đã được bảo hộ.
“Thông qua đó giúp người tiêu dùng hiểu biết hơn và nâng cao hiểu biết của mình đối với các sản phẩm hàng hóa trên thị trường để có sự lựa chọn sáng suốt hơn” - bà Đặng Ngọc Loan nhấn mạnh.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua hàng cần kiểm tra nhanh thông tin của nhà sản xuất trên vỏ hộp hàng hóa, nhất là các thông tin qua web, số điện thoại đường dây nóng, thông tin hoạt động của doanh nghiệp trên trang tra cứu công khai do cơ quan thuế, quản lý thị trường hay Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) niêm yết để biết rõ nguồn gốc sản phẩm. Chủ động áp dụng công nghệ QR Code (mã phản hồi nhanh) để nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm. Áp dụng xác thực điện tử Icheck - giải pháp kiểm tra sản phẩm chính hãng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng có thể đăng ký sử dụng miễn phí dịch vụ xác thực điện tử của Icheck tại địa chỉ: www.ICheck.vn/register.
Hoàng Bách - Long Nguyễn