Báo Đồng Nai điện tử
En

Những quy định mới cần lưu ý với hợp đồng bảo hiểm

08:01, 13/01/2023

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2023) thì hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) là sự thỏa thuận giữa bên mua với bên bán, cung ứng bảo hiểm.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2023) thì hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) là sự thỏa thuận giữa bên mua với bên bán, cung ứng bảo hiểm.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn về vấn đề giải quyết tranh chấp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ cho người dân. Ảnh: Đ.Phú
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn về vấn đề giải quyết tranh chấp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ cho người dân. Ảnh: Đ.Phú

HĐBH vô hiệu nếu bị lừa dối, không có đối tượng bảo hiểm, mục đích, nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội…

*  Các trường hợp vô hiệu

Bà Ngọc Nữ (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) cho hay, do bà có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ cho con nên được nhân viên môi giới của công ty bảo hiểm A giới thiệu các gói bảo hiểm nhân thọ. Sau đó, nhân viên này đề nghị bà ký ngay hợp đồng với người môi giới. Bà Ngọc Nữ thắc mắc, việc ký kết hợp đồng với nhân viên môi giới bảo hiểm như vậy có đúng không?

Thắc mắc của bà Ngọc Nữ được luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) giải thích, theo Khoản 6, Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, hoạt động môi giới bảo hiểm là hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm về loại hình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, chương trình bảo hiểm, điều kiện, điều khoản, phí bảo hiểm, doanh nghiệp (DN) bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; các hoạt động liên quan đến việc đàm phán, thu xếp giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm. Do đó, người môi giới bảo hiểm không được quyền ký hợp đồng trực tiếp với bà mà phải do người có thẩm quyền đại diện DN, chi nhánh đó giao kết.

“Vì chủ thể giao kết hợp đồng không đúng theo luật nên HĐBH trên bị vô hiệu. Mà theo Khoản 2, Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, khi HĐBH vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết” - luật sư Ngô Văn Định nhấn mạnh.

Đồng thời, luật sư Ngô Văn Định lưu ý thêm, các trường hợp HĐBH bị vô hiệu được Khoản 1, Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định rất rõ như: không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng; mục đích, nội dung HĐBH vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; đôi bên ký hợp đồng giả tạo; HĐBH không tuân thủ về hình thức, bị lừa dối…

*  Các trường hợp không được chi trả bảo hiểm

Còn tại Điểm e, Khoản 1, Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định, bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự việc bảo hiểm.

Liên quan đến vấn đề này, mặc dù có hiểu biết ít nhiều về các loại hình bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, nhưng các ông Lê Khánh Vinh (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa), Hồ Văn Đáp (ngụ xã Đồi 61, H.Trảng Bom), bà Kiều Diễm (ngụ xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) vẫn muốn biết vấn đề về tranh chấp đòi quyền bồi thường, điều kiện về bồi thường và không được bồi thường HĐBH?

Luật sư Vũ Văn Tăng (Đoàn Luật sư tỉnh) hướng dẫn, tại Điều 32 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định, tranh chấp về HĐBH được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trường hợp không thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải hoặc trọng tài hoặc tòa án theo thỏa thuận trong HĐBH và quy định của pháp luật. Do đó, khi bên mua và bên bán, cung cấp bảo hiểm có phát sinh tranh chấp thì được tùy nghi lựa chọn phương thức giải quyết cho phù hợp với pháp luật, thỏa thuận.

Cũng theo luật sư Vũ Văn Tăng, không phải trường hợp nào người mua bảo hiểm cũng được chi trả, bồi thường theo hợp đồng mà họ chỉ được đơn vị bán bảo hiểm, cung cấp dịch vụ bảo hiểm chi trả số tiền thực tế đã tham gia (sau khi trừ những khoản chi phí hợp lý khác). Cho nên khi tham gia bảo hiểm người dân cần phải lưu ý kỹ càng.

Bởi theo Khoản 1, Điều 40 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp: người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày HĐBH khôi phục hiệu lực; người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình; trường hợp khác theo thỏa thuận trong HĐBH.

Đồng thời, người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng; người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng cũng không được chi trả, bồi thường, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 40 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

“Nghĩa là trường hợp có nhiều người thụ hưởng, nếu một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vẫn phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong HĐBH” - luật sư Vũ Văn Tăng giải thích thêm.

Điều 24 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định, trường hợp HĐBH có điều khoản không rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm. Luật sư VŨ VĂN TĂNG (Đoàn Luật sư tỉnh) bày tỏ, điều luật trên nhằm bảo vệ bên mua bảo hiểm, tức đối tượng yếu thế hơn so với bên bán, cung cấp dịch vụ bảo hiểm nên rất nhân văn.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều