Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều người lao động về quê đón Tết đã quay trở lại Đồng Nai làm việc.
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều người lao động về quê đón Tết đã quay trở lại Đồng Nai làm việc.
Chị Vũ Thị Oanh đang trả lời thông tin cho khách hàng trên một trang thương mại điện tử. Ảnh: P.Liễu |
Đa phần đều mong muốn công việc ổn định, thu nhập tốt hơn để có điều kiện chăm lo cho gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.
* Nỗ lực vượt khó
Năm 2022, nhiều công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị nghỉ việc, giảm giờ làm, thu nhập không ổn định phải về quê nghỉ Tết sớm. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người vẫn quyết định quay trở lại Đồng Nai làm việc hoặc kiếm công việc tốt hơn.
Chị Đặng Thị Thu Nga (hiện ở trọ tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa) làm việc tại một công ty điện tử ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) vừa cùng chồng và 2 con đi tàu hỏa từ tỉnh Bắc Giang vào Đồng Nai. Cuối năm 2022, công ty của chị bị giảm đơn hàng, việc ít hơn nên đã cho công nhân giảm giờ làm. Vì vậy, thu nhập của vợ chồng chị cũng giảm nhiều.
“Nhờ công ty hỗ trợ tiền tàu xe, tôi mới có điều kiện đưa các con về thăm và đón Tết cùng ông bà. Do đó, dù công ty gặp khó khăn, tôi vẫn cố gắng bám trụ để làm việc, chờ đến khi công ty phục hồi như trước” - chị Nga tâm sự.
Tương tự, anh Lâm Thế Hiển, chồng của chị Nga chia sẻ, trước đây mức thu nhập bình thường của anh ở công ty chế biến đồ gỗ xuất khẩu (đóng tại Khu công nghiệp Long Thành, H.Long Thành) khoảng 9 triệu đồng/tháng, nay giảm việc nên chỉ còn 6 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, anh vẫn cố giữ lấy công việc này với hy vọng sau thời gian khó khăn, việc làm và thu nhập sẽ được cải thiện.
Dù được công ty cho nghỉ đến mùng 9 tháng Giêng nhưng chị Trần Thị Kim La (quê tỉnh Nghệ An) đã có mặt ở Đồng Nai từ ngày mùng 3 Tết do công ty của chồng chị đi làm trở lại từ mùng 5 Tết. Chị Kim La cho biết, vợ chồng chị cưới nhau đầu năm 2022, nhưng công việc trong công ty thiếu ổn định nên chưa dám có con vì điều kiện kinh tế không cho phép.
Hiện chị Kim La làm việc ở doanh nghiệp (DN) may mặc (đóng tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Năm 2022, công ty gặp nhiều khó khăn, không có đơn hàng, nhiều công nhân phải nghỉ việc và khả năng sang năm 2023 số lao động nghỉ việc sẽ tiếp tục nhiều hơn khi nhà máy có thể phải tạm thời dừng sản xuất.
“Tôi chỉ mong Nhà nước, các cơ quan chức năng cùng nhiều DN ổn định được thị trường lao động để công nhân có việc làm, duy trì thu nhập và ổn định cuộc sống” - chị Kim La đề xuất.
* Cố gắng thích nghi với chuyển đổi số để tăng thu nhập
Từ tháng 6-2022 đến nay, “làn sóng” công nhân phải nghỉ việc, giảm việc đang trên đà gia tăng. Nhiều lao động bị cho nghỉ việc, giảm việc đã và đang cố gắng thích nghi với đời sống, đặc biệt là chuyển đổi số, tham gia làm việc online để tăng thêm thu nhập.
Chị Vũ Thị Oanh (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) từng làm nhân viên kiểm tra sản phẩm tại một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) và đã mất việc làm từ tháng 9-2022. Trong một lần “lang thang” lên mạng, chị thấy một tài khoản xã hội chuyên kinh doanh giày, quần áo thể thao ở tỉnh Bình Dương thông báo tuyển người theo dõi đơn đặt hàng và trả lời khách hàng trên fanpage, công việc chỉ cần có máy tính và thời gian làm việc online.
Thấy công việc khá mới mẻ, phù hợp nên chị đăng ký và được nhận vào làm việc với mức lương 7 ngàn đồng/giờ, thời gian làm việc từ 6-23 giờ. Công việc rất nhẹ nhàng và chỉ cần nhanh, quán xuyến tốt các thông tin khách hàng phản hồi. Nghĩa là chỉ từ 3-5 phút sau khi khách đặt hàng hoặc muốn biết thông tin về sản phẩm nào thì chị chỉ việc vào “kho” lấy dữ liệu, hình ảnh của mã sản phẩm để inbox cho khách hàng. Mỗi ngày làm việc đem lại cho chị khoảng 150 ngàn đồng để trang trải cuộc sống trong thời gian thất nghiệp.
Theo Sở LĐ-TBXH, dự báo tình hình kinh tế khó khăn sẽ kéo dài đến hết quý I-2023 vì suy thoái chung của toàn cầu. Hiện các DN đang cố gắng cầm cự đợi phục hồi. Nếu tình hình không khả quan, nhiều DN buộc phải cho một bộ phận lao động nghỉ việc.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, Sở và Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đang tăng cường nắm tình hình biến động lao động của các DN và chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn các DN cắt giảm lao động phải xây dựng phương án sản xuất, đảm bảo quyền lợi và duy trì việc làm cho người lao động.
“Ngoài việc khuyến cáo người lao động cố gắng giữ việc, xoay xở sang những công việc khác có thu nhập để tạm thời ổn định cuộc sống, Sở LĐ-TBXH còn yêu cầu các địa phương đến trực tiếp các DN làm việc, nắm bắt tình hình trả lương, chốt sổ bảo hiểm cho công nhân… Từ đó tạo điều kiện cho công nhân tìm việc mới hoặc hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm các quyền lợi khác của công nhân” - bà Hiền thông tin thêm.
Theo Sở LĐ-TBXH, do tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, 6 tháng cuối năm 2022, nhiều DN trên địa bàn Đồng Nai gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Khảo sát tại 284 DN, đã có 227 DN bị giảm đơn hàng, doanh thu, quy mô sản xuất. Lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, may mặc, giày da… chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. |
Phương Liễu