Càng gần Tết, thị trường thực phẩm, đặc sản ở khắp vùng miền rao bán trên các trang mạng lại càng sôi động. Tuy nhiên, mua thực phẩm online tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do người mua không trực tiếp lựa chọn, thẩm định được món hàng.
Càng gần Tết, thị trường thực phẩm, đặc sản ở khắp vùng miền rao bán trên các trang mạng lại càng sôi động. Tuy nhiên, mua thực phẩm online tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do người mua không trực tiếp lựa chọn, thẩm định được món hàng.
* Rao một đàng, giao hàng một nẻo
Chị Nguyễn Thị Ngọc (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) nhận hàng nho khô đã bị mốc (phía trên), trong khi trước đó chủ hàng giới thiệu trên trang mạng xã hội màu sắc nho khô vàng ươm (phía dưới). Ảnh: P.Liễu |
Hình thức đi chợ online đang ngày càng trở nên phổ biến, chỉ cần ngồi một chỗ người tiêu dùng có thể đặt mua được các loại thực phẩm, các món ăn đặc sản vùng miền cho mâm cơm ngày Tết. Và việc mua thực phẩm online cũng khiến không ít người dở khóc, dở cười…
Thấy trên tài khoản Facebook Nho sấy khô nhà K.A. rao bán nho khô nhìn rất ngon, hình ảnh bắt mắt với giá chỉ 95 ngàn đồng/kg, đặc biệt khi mua 5kg sẽ được tặng 1kg và miễn ship nên chị Nguyễn Thị Ngọc (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) đã đặt mua 5kg để biếu chị em trong gia đình dịp Tết. Thế nhưng khi nhận hàng, chị Ngọc thất vọng vì quả nho khô chỉ bằng 1/3 loại quảng cáo; nho còn bị mốc trắng, mốc xanh chứ không vàng bóng như quảng cáo. Chị liên lạc với tài khoản Facebook trên thì không ai nghe máy; nhắn tin cũng không thấy phản hồi, chị đành vứt bỏ mấy ký nho. “Thà mất tiền còn hơn ăn vào mang bệnh. Từ nay, mua mấy loại đồ khô này tôi trực tiếp đi chợ, siêu thị để lựa chọn loại ngon, chất lượng” - chị Ngọc nói.
Mới đây, chị Hồ Thị Lộc (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) đặt mua 2kg mực khô loại 3 con/kg với giá 700 ngàn đồng/kg của một cửa hàng trên mạng tên Nhật Thu ở TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để làm quà Tết cho đối tác. Nhưng khi nhận được hàng, mở ra thì chị chưng hửng khi thấy mực khô loại nhỏ chỉ bằng bàn tay. Gọi cho cửa hàng thì được chủ xin lỗi và nói chắc do nhiều đơn hàng quá nên gửi nhầm loại và đề nghị chị gửi lại để đổi loại mực lớn hơn. Đến nay chị Lộc gửi hàng đi hơn cả tuần nhưng chủ cửa hàng vẫn chưa gửi hàng lại cho chị. “Tết đến nơi mà vẫn còn đổi chuyển lằng nhằng thế này thật phiền phức. Để không lỡ việc, tôi đành phải mua quà khác để biếu đối tác” - chị Lộc cho hay.
Do năm nay không về quê ăn Tết nên đầu tháng 1-2023, chị Nguyễn Thị Lan (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) đã đặt 3 hộp sữa Ensure trên mạng gửi về tỉnh Nam Định để biếu cha mẹ. Thế nhưng khi nhận được sữa, người nhà gọi vào báo sữa chị gửi dù còn hạn sử dụng khá dài nhưng bên trong đã vón cục, sữa từ màu trắng kem đã chuyển sang màu vàng xanh và khi uống thì lạt nhách, không có mùi thơm béo như mọi khi. Chị Lan nhờ người nhà mở từng hộp sữa và quay clip lại rồi gửi cho người bán hàng nhưng không được đổi hàng.
* Cẩn thận khi mua thực phẩm online
Với sự phong phú và tiện ích, đi chợ online đang thu hút nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, đi cùng với những tiện ích, đó là sự may rủi về chất lượng và độ an toàn. Bởi một thực tế hiện nay, hàng thực phẩm bán online không có cam kết bảo đảm chất lượng ngoài những lời tự giới thiệu, quảng cáo và cam kết của người bán và người mua thì trông chờ vào sự may rủi. Phần lớn thực phẩm bán online gần như không có cơ quan nào kiểm soát chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, việc lập những trang mạng xã hội (MXH) để bán thực phẩm lại quá dễ dàng và không bị quản lý.
Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai cho biết, thời gian qua, nhiều hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thông qua mua bán online được phản ảnh đến Hội nhưng không đủ cơ sở để xử lý. Riêng với mặt hàng thực phẩm mua online lại càng khó xử lý hơn khi rất khó để tìm được người bán cụ thể vì thông tin người bán chỉ tồn tại trên MXH. Nếu tìm được thì hòa giải cũng khó khăn vì Hội không có chức năng và không có thiết bị lưu mẫu thực phẩm để làm bằng chứng.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, hiện có không ít mặt hàng rao bán trên MXH không bảo đảm chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể nên việc kiểm soát mặt hàng thực phẩm trên chợ online gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hiện nay có rất nhiều trang online rao bán thực phẩm nhưng chỉ là trung gian, không có sản phẩm, không có cửa hàng, địa chỉ cụ thể.
Thay đổi cách mua hàng từ đi chợ truyền thống sang đi chợ online là xu hướng mới và là sự lựa chọn của người tiêu dùng thời công nghệ số bởi những tiện ích của nó. Để không mua phải thực phẩm kém chất lượng, mất vệ sinh, không an toàn, người dân nên là người tiêu dùng thông minh trong việc lựa chọn hàng hóa để không rơi vào tình huống… giới thiệu một đằng, chất lượng một nẻo.
Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh NGUYỄN ĐÌNH MINH khuyến cáo, khi mua thực phẩm, người tiêu dùng không nên dễ dãi, tùy tiện mua thực phẩm không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bởi, mua phải những sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không chỉ ảnh hưởng về kinh tế mà còn phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc, dị ứng, thậm chí nguy kịch đến tính mạng. Đối với thực phẩm mua online, người tiêu dùng nên chọn những điểm kinh doanh biết rõ về nguồn hàng, cửa hàng càng gần càng tốt để tránh thời gian vận chuyển dài trong điều kiện phải đóng gói bao bọc kín, thời tiết nắng nóng dễ làm cho thực phẩm biến chất, ôi thiu, hư hỏng... |
Phương Liễu