Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động tìm hiểu thông tin về vaccine phòng Covid-19

10:06, 23/06/2021

Bài viết Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 đợt 2Vì sao tiêm vaccine vẫn nhiễm Covid-19? đăng trên Báo Đồng Nai số ra ngày 22-6 nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ).

Bài viết Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 đợt 2Vì sao tiêm vaccine vẫn nhiễm Covid-19? đăng trên Báo Đồng Nai số ra ngày 22-6 nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ).

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (TP.Biên Hòa) tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các đối tượng thuộc diện ưu tiên tuyến đầu chống dịch. Ảnh: K.Liễu
Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (TP.Biên Hòa) tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các đối tượng thuộc diện ưu tiên tuyến đầu chống dịch. Ảnh: K.Liễu

Nhiều ý kiến cho rằng, qua nội dung này giúp BĐ hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến vaccine phòng Covid-19, nhất là hiệu quả của việc tiêm vaccine.

* Hiểu hơn về tác dụng của vaccine

Chị Nguyễn Kim Thoa (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay có rất nhiều thông tin “nhiễu” về hiệu quả của vaccine phòng Covid-19, nhất là khi nhiều nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 nhưng vẫn mắc bệnh. Ngoài ra, một số ít người gặp biến chứng, thậm chí tử vong sau tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng khiến không ít người lo lắng. Thậm chí, vì quá lo lắng nên có người tuyên bố không tiêm vaccine để được an toàn.

 “Đến khi đọc thông tin trên Báo Đồng Nai, tôi hiểu rõ hơn về hiệu quả của vaccine này có thể đạt được từ 86-92%, tối đa là 95%. Tuy nhiêu sau khi tiêm vaccine, mỗi người sẽ tạo ra mức độ miễn dịch khác nhau tùy theo đáp ứng của cơ thể. Người đã tiêm đủ vaccine sẽ mắc bệnh nhẹ hơn, giảm triệu chứng nặng, giảm nguy cơ tử vong so với những người chưa tiêm vaccine Covid-19” - chị Thoa chia sẻ.

Trên Fanpage của Báo Đồng Nai, BĐ Hieubana cho biết, qua đọc bài báo Vì sao tiêm vaccine vẫn nhiễm Covid-19?, anh đã hiểu đơn giản vaccine phòng Covid-19 không hoàn toàn giúp chúng ta không bị nhiễm bệnh nhưng vaccine giúp cơ thể chống chọi tốt với virus khi bị nhiễm bệnh. Đó là lý do nhiều người sau khi tiêm vaccine vẫn bị nhiễm và khi nhiễm không hề có triệu chứng gì. “Giống như lớp sơn xe không giúp cho xe khỏi dính nước mưa được, nhưng nó giúp khi dính nước mưa sẽ không bị hoen gỉ” - BĐ Hieubana ví von.

* Tin tưởng vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của Bộ Y tế

Nhiều BĐ cũng cho rằng, thông tin về đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 đợt 2 đã giúp BĐ hiểu toàn cảnh về công tác tiêm vacine phòng Covid-19 trên địa bàn, đặc biệt là biết rõ về nguồn cung vaccine cũng như cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

BĐ Phạm Thiên Nga (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Qua báo chí tôi biết vaccine muốn sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép theo quy trình chặt chẽ. Hiện nay, vaccine phòng Covid-19 được phân phối từ nguồn duy nhất là Bộ Y tế để tiêm ngừa miễn phí cho các đối tượng ưu tiên theo quy định. Hiện chưa có doanh nghiệp, cá nhân nào được phân phối vaccine này. Do đó, tôi sẽ thận trọng hơn với những tin nhắn mời chào tiêm vaccine và chú trọng tìm hiểu thông tin từ các phương tiện truyền thông chính thống để nắm thông tin xác thực nhất”.

Cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của  Bộ Y tế. Nguồn: TTXVN
Cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế. Nguồn: TTXVN

Đặc biệt, một số BĐ phản ánh về phương thức lừa đảo mới từ tin nhắn mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 của kẻ gian nhằm đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Theo đó, đối tượng lừa đảo mạo danh Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam (Ngân hàng HSBC Việt Nam) yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP hoặc yêu cầu chuyển trước một khoản tiền với mục đích mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19. Khách hàng cũng có thể nhận được lời mời đăng ký thông qua một đường dẫn trong thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại. Đường dẫn này có thể chứa phần mềm độc hại tấn công máy tính, điện thoại của khách hàng và ăn cắp dữ liệu cá nhân.

Nhiều BĐ bày tỏ sự tin tưởng vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, trong thời gian ngắn nhất của Bộ Y tế đang được triển khai thần tốc nhằm tăng cường miễn dịch trong cộng đồng. Mong rằng, Việt Nam sẽ sớm đàm phán để có được số lượng vaccine nhiều hơn, để ngoài nhóm ưu tiên (lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân vùng đang có dịch…) còn tiêm cho người dân vùng có nguy cơ cao, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và các đối tượng còn lại. Đồng thời, mong muốn các ngành chức năng và báo chí tăng cường hơn nữa thông tin về hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 để người dân hiểu về tác dụng của vaccine đối với mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, để ngày càng đồng tình, ủng hộ, tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm tiến tới miễn dịch cộng đồng, từng bước hạn chế những ca nhiễm mới, đẩy lùi dịch bệnh.

Gia An

Tin xem nhiều