Sau khi Báo Đồng Nai đăng tin Một trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia về P.Tân Mai, nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến phải xử lý nghiêm trường hợp này, nhất là trong thời điểm cuối năm,...
Một trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia về P.Tân Mai phản ánh anh N.C.D. (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam không thực hiện cách ly y tế tập trung để phòng dịch Covid-19 mà lại di chuyển nhiều nơi. Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ ý kiến phải xử lý nghiêm trường hợp này, nhất là trong thời điểm cuối năm, tình hình nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp.
Ngày 29-12-2020, Báo Đồng Nai đăng tinViệc không đeo khẩu trang nơi công cộng có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhất là từ người nhập cảnh trái phép đi lại tự do trong cộng đồng. Ảnh minh họa |
Nhiều ý kiến BĐ cho rằng, trong thời gian qua cả nước đã rất nỗ lực để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, kinh tế - xã hội đang dần hồi phục. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, trong đó có cả trường hợp nhiễm Covid-19 gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
* Dư luận phê phán
Trên Fanpage Báo Đồng Nai đã nhận được 60 bình luận của BĐ về bản tin Một trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia về P.Tân Mai. Trong đó, BĐ Duy Minh viết: “Tôi kịch liệt lên án hành vi xuất nhập cảnh trái phép này và đề nghị cơ quan chức năng sau khi có kết luận về tình trạng sức khỏe của anh N.C.D. thì nên xem xét xử lý ngay hành vi nhập cảnh trái phép. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tìm ra lý do của việc xuất nhập cảnh này, lần ra các đầu mối đã tiếp tay cho hành động này. Cùng với đó là tìm ra những người đi chung chuyến nhập cảnh trái phép, hạn chế dịch bệnh Covid-19 có thể lây lan từ đây”.
Nhiều BĐ cũng bày tỏ lo lắng trước tình trạng người nhập cảnh trái phép có xu hướng tăng cao vào cuối năm. Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 29-12-2020, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, trong năm 2020, cả nước có khoảng 14 ngàn người Việt Nam xuất nhập cảnh bất hợp pháp, tần suất trung bình hàng trăm người mỗi ngày.
BĐ Phan Văn Thành (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho rằng: “Mặc dù tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, đẩy lùi nhưng dịch bệnh ở nhiều nước vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, người nhập cảnh trái phép, không thực hiện cách ly y tế tập trung, còn đi lại nhiều nơi sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Để ngăn ngừa tình trạng trên, đề nghị cơ quan chức năng lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân về các trường hợp này để kịp thời xử lý”. Riêng BĐ Minh Lequang đề nghị xử lý những người nhập cảnh trái phép 2 tội danh là: “Vượt biên và trốn cách ly”.
* Cần chế tài “mạnh” hơn
Luật sư Hà Mạnh Tường, Đoàn Luật sư Đồng Nai cho biết, hiện nay các quy định pháp luật về việc xử phạt các hành vi liên quan đến xuất nhập cảnh trái phép đã tương đối chặt chẽ. Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, thì hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép sẽ bị phạt từ 15-25 triệu đồng. Riêng hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép sẽ bị phạt tù 30-40 triệu đồng.
“Gia đình nào cũng có ý thức thấy con em nhập cảnh về mà không thực hiện cách ly thì tự báo chính quyền như trường hợp ở Vĩnh Long thì hay quá. Đừng báo hại xã hội với bà con hàng xóm, láng giềng nữa” - bạn đọc Tony Nguyễn. “Người nhập cảnh trái phép trốn cách ly, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng có thể xem là tội phạm nguy hiểm” - bạn đọc Jiangtungnguyen Nguyen.
|
Ngoài ra, trường hợp bị xử lý hình sự thì theo Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép bị phạt đến 15 năm tù. Ngoài ra, nếu hành vi này làm lây lan dịch Covid-19 thì còn bị xử lý hình sự theo Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015. Với đối tượng là người nước ngoài thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, theo một số BĐ, mức phạt được quy định tại Khoản 5, Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP là chưa đủ tính răn đe. BĐ Trần Thanh Tân (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) nói thêm: “Nguồn lợi từ việc môi giới, tổ chức đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép là rất lớn, mỗi người phải nộp hàng chục triệu đồng để xuất nhập cảnh trái phép, nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp thực hiện. Do đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng mức phạt, tăng hình thức phạt để có tính răn đe, đồng thời xét xử lưu động các trường hợp cố tình vi phạm để cảnh tỉnh người khác”.
Theo chỉ huy công an một phường tại TP.Biên Hòa, hiện thành phố có nhiều khu công nghiệp, công ty, lượng người tạm trú, ở trọ rất đông. Vì vậy, rất cần sự chung tay của người dân trong việc tố giác, báo tin các trường hợp lạ mặt hoặc nhập cảnh trái phép để cơ quan chức năng kịp thời theo dõi, xử lý.
Đăng Tùng