Báo Đồng Nai điện tử
En

Sập 'bẫy' khi mua hàng online dịp cuối năm

10:12, 21/12/2020

Dịp mua sắm cuối năm, các shop bán hàng online, trang thương mại điện tử có các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tri ân khách hàng nên thu hút đông người dân mua sắm online.

Dịp mua sắm cuối năm, các shop bán hàng online, trang thương mại điện tử có các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tri ân khách hàng nên thu hút đông người dân mua sắm online. Lợi dụng nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, một số shop online, trang thương mại điện tử “giăng bẫy” khách hàng bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu để bán các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, không đúng như cam kết.

Người dân cần cảnh giác để không mua nhầm hàng hóa trên các trang web giả mạo Trong ảnh: Khách hàng ở TP.Biên Hòa chọn mua vé máy bay trên mạng. Ảnh: K.Liễu
Người dân cần cảnh giác để không mua nhầm hàng hóa trên các trang web giả mạo Trong ảnh: Khách hàng ở TP.Biên Hòa chọn mua vé máy bay trên mạng. Ảnh: K.Liễu

Không ít người gặp “trái đắng” khi nhận hàng khác xa hàng mẫu trên mạng, có người còn bị lừa tiền vì đặt hàng tại trang web giả mạo...

* Các chiêu lừa phổ biến

Chính sự tiện lợi với ưu điểm là chỉ ngồi nhà thao tác với máy tính, điện thoại là có thể chọn hàng và sẽ có người giao hàng tận nơi đã giúp cho việc mua bán hàng online chiếm ưu thế trong thời gian vừa qua. Nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kênh bán hàng này càng phát huy lợi thế vì giúp giảm tập trung đông người, hạn chế dịch bệnh lây lan… Đáng nói bên cạnh những người bán hàng online uy tín thì vẫn có những người lợi dụng hình thức bán hàng online để lừa đảo.

Một trong những chiêu lừa bán hàng phổ biến là yêu cầu người mua chuyển tiền trước, đến khi nhận hàng không ưng ý, người mua liên lạc phản hồi thì bị người bán chặn cuộc gọi. Chị Th. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) kể, tháng 11-2020, chị tình cờ xem mẫu quảng cáo trên mạng bán chiếc nhẫn phong thủy có khắc chữ phạn. Tin lời người bán quảng cáo nhẫn này được làm bằng chất liệu titanium, có khắc câu chú mang hàm nghĩa hóa giải hoạn nạn, đem lại bình an và may mắn cho người đeo…, chị Th. đã đặt mua và chuyển trả 1,5 triệu đồng theo hướng dẫn của người bán để được khuyến mãi 50%. Đến khi nhận hàng chị Th. mới tá hỏa vì nhẫn không đẹp như ảnh chụp trên mạng, đeo được mấy hôm thì ngón tay bị ngứa do nhẫn hoen rỉ, điện thoại phản ảnh thì số điện thoại của người bán không thể liên lạc được.

Theo nhiều khách hàng phản ảnh, không chỉ bị lừa khi mua hàng qua Facebook, Zalo mà các sàn thương mại điện tử cũng nhiều phen ấm ức vì mua hàng mới lại được giao hàng cũ, hàng chất lượng không đúng với giá tiền... Nguyên nhân là do nhiều shop online quy định không được kiểm hàng trước khi thanh toán hoặc khách hàng nhờ người khác nhận hàng giùm nên không biết hàng gửi sai để đổi trả ngay.

Chị Minh Thu (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) kể, cách đây gần 1 tháng, chị dành trọn buổi trưa để canh giờ vàng mua giày khuyến mãi trên một sàn giao dịch điện tử. Đơn hàng chốt là 6 đôi giày, đã chuyển tiền đầy đủ nhưng khi nhận chỉ có 2 đôi, phản ảnh thì được người hướng dẫn liên hệ loanh quanh, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

* Cần nâng cao cảnh giác

Mới đây, liên tiếp 2 vụ khách hàng ở TP.HCM mua iPhone 12 Pro Max trị giá hơn 30 triệu đồng/chiếc, nhưng đến khi nhận hàng lại được giao hộp tô màu, hộp ốc vít. Hay vụ việc nữ hành khách ở Hà Nội bị lừa khoảng 4 triệu đồng khi mua vé máy bay đi Đà Lạt tại trang web giả mạo website đặt vé của Vietnam Airlines. Do không kiểm tra kỹ lưỡng nên khách hàng đã nhấp chuột truy cập website www.vietnamairslines.com (trang web này chỉ thêm chữ “s” chèn vào giữa từ “airlines” khiến khách hàng khó phân biệt). Sau khi chuyển tiền, nữ khách hàng này phát hiện điểm bất thường trên website nên vào kiểm tra lại mã đặt chỗ trên website chính thức của Vietnam Airlines là www.vietnamairlines.com nhưng không tìm ra kết quả. Liên hệ với các số điện thoại trên trang web đã mua vé không được, người này mới phát hiện mình đã đặt vé nhầm qua website lừa đảo.

Luật sư Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh cho rằng, để đảm bảo quyền lợi khi mua hàng online, khách hàng cần tìm hiểu kỹ về các website thương mại điện tử trước khi mua hàng cũng như các chính sách bán hàng, điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận, sản phẩm. Nên mở hàng kiểm tra trước khi thanh toán, có sự chứng kiến của người giao hàng; đồng thời ghi hình lại việc này để có cơ sở phản ảnh khi món hàng được giao.

Các vụ việc trên đang chờ cơ quan chức năng và các bên liên quan làm rõ. Qua đó, nhiều người tiêu dùng không khỏi lo ngại do có quá nhiều rủi ro khi giao dịch mua sắm trên mạng, nhất là đối với những mặt hàng có giá trị lớn. Chia sẻ kinh nghiệm khi mua hàng online, chị Thảo (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) lưu ý, người mua đừng dễ tin người bán hàng xa lạ trên mạng, khi mua hàng trên mạng đừng dễ dãi mà hãy bỏ chút thời gian lựa chọn, kiểm chứng chất lượng hàng hóa bằng cách tìm hiểu về công dụng, xuất xứ sản phẩm, giá cả…, thỏa thuận với người bán chỉ nhận hàng, thanh toán sau khi kiểm tra.

Theo kinh nghiệm của nhiều người chia sẻ, để mua sắm online an toàn thì người mua cần tỉnh táo, đừng thấy hàng loạt ưu đãi dịp cuối năm mà quên cảnh giác. Trước khi mua hàng nên kiểm tra danh tính của người bán (kiểm tra trang web, chi tiết liên hệ để xác minh xem nó có thực sự tồn tại hay không). Hầu hết các trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee… luôn có phần phản hồi, người mua nên xem để đảm bảo rằng mình đang giao dịch với một người hoặc công ty đáng tin cậy; yêu cầu người bán gửi ảnh chụp thực tế của sản phẩm… Đồng thời, người mua nên phản ảnh với cơ quan chức năng, hội bảo vệ người tiêu dùng khi quyền lợi bị ảnh hưởng, gặp phải người bán có hành vi gian lận. Việc im lặng, chấp nhận tự “rút kinh nghiệm” sẽ tạo cơ hội cho các sàn điện tử và người bán không đủ uy tín tiếp tục kinh doanh, còn người dùng mãi chịu thiệt.        

                Kim Liễu

Tin xem nhiều