Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội (MXH) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn từ MXH mang lại, cũng có không ít tác động tiêu cực đến từ các nội dung nhảm nhí, phản cảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, cách ứng xử và lối sống của người dùng, nhất là giới trẻ.
Những clip có nội dung triết lý lệch lạc xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh: chụp màn hình |
MXH như: Facebook, Threads hay TikTok… đã tạo điều kiện để mọi người thoải mái chia sẻ quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, sự tự do này đang bị lạm dụng, trở thành công cụ để phát tán những nội dung nhảm nhí, vô bổ, thậm chí gây hại.
Tràn lan nội dung nhảm nhí
Nhiều nền tảng MXH cho phép người dùng đăng bài hoặc bình luận ẩn danh. Điều này dẫn đến tình trạng người dùng vô tư thảo luận về những chủ đề nhạy cảm như: giới tính, tình dục, khoe thân... Không dừng lại đó, nhiều người trẻ, bao gồm cả thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1997-2012) tham gia vào các vụ công kích, bôi nhọ cá nhân hoặc tổ chức trên không gian mạng.
Một ví dụ điển hình về việc đăng tải nội dung xúc phạm, châm biếm cá nhân trên MXH là đoạn clip được tài khoản “huynh_thanh_tuyen...” chia sẻ trên MXH Threads. Clip ghi lại cảnh người này đang loay hoay lùi xe máy xuống đường nhưng gặp khó khăn vì có một chiếc ô tô đậu chắn lối. Tình huống tưởng chừng chỉ là một khoảnh khắc bình thường nhưng lại trở thành tâm điểm của những bình luận tiêu cực. Chẳng hạn, tài khoản MXH Threads “sealqueen...” bình luận: “Gặp tôi là tôi húc luôn, cửa nhà mình mà kỳ ghê”. Trong khi tài khoản MXH Threads “din...” để lại lời lẽ khó chịu: “Đỗ xe ngu ác”. Có bình luận còn cổ vũ hành động bạo lực như: “Húc thẳng vào ô tô để chủ xe nhớ đời”.
Một thực trạng khác là sự xuất hiện tràn lan của các video mang nội dung “rao giảng đạo đức làm người”. Thoạt nghe, các nội dung chia sẻ có vẻ ý nghĩa, chứa đựng các triết lý sống đáng suy ngẫm. Tuy nhiên, khi nghe kỹ sẽ nhận ra những tư tưởng lệch lạc được khéo léo cài cắm. Những thông điệp này thường khuyến khích lối sống hưởng thụ, coi thường giá trị đạo đức truyền thống hoặc gieo rắc tư duy ích kỷ, thực dụng.
Các video dạng này thường nhắm đến người trẻ, những đối tượng chưa có đầy đủ kỹ năng phân tích và chọn lọc thông tin. Nội dung các video lợi dụng sự tò mò và xu hướng thích khám phá của giới trẻ để lan tỏa tư duy sai lệch, ảnh hưởng đến nhận thức và thái độ sống của họ. Chẳng hạn, một số video xuất hiện trên MXH TikTok với nội dung như “Hãy nghỉ việc và sống theo cách bạn muốn”. Kênh TikTok có tên “vuhuyen...” chia sẻ đoạn clip ngắn với thông điệp “nơi làm việc nào cũng có đấu đá…, trừ khi bạn nghỉ việc”.
Thêm vào đó, cách ứng xử trên MXH cũng là vấn đề đáng báo động. Tình trạng sử dụng ngôn từ thô tục, bạo lực, hoặc phát ngôn công kích cá nhân đang ngày càng phổ biến. Không ít người trẻ coi đó là bình thường và sẵn sàng tham gia vào các cuộc tranh cãi vô nghĩa trên không gian mạng chỉ để thỏa mãn cái tôi. Điều này không chỉ phá vỡ văn hóa giao tiếp trực tuyến, mà còn tạo ra một môi trường đầy tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nhiều người, nhất là giới trẻ.
Luật sư Trương Hồng Kỳ, Đoàn Luật sư tỉnh, khuyến cáo người dùng MXH cần tìm hiểu quy định của pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng; không được tạo, lan truyền, chia sẻ thông tin sai sự thật; cần tính táo, xem xét kỹ nội dung trước khi chia sẻ các bài viết, thông tin, video trên MXH.
Ngăn hệ lụy từ những nội dung nhảm nhí
Tiến sĩ Cao Thị Huyền, giảng viên tâm lý học Trường đại học Đồng Nai, cho biết những dạng video có nội dung hướng dẫn triết lý làm người, có nội dung nhảm nhí, không chuẩn mực thường gây tò mò, kích thích người xem. Việc tiếp xúc lâu dài sẽ khiến người tiếp xúc cảm thấy quen thuộc với những điều nhảm nhí, những nội dung xấu…, lâu dần họ không còn bài xích hay thậm chí còn coi đó là điều hiển nhiên, đi ngược lại các giá trị tốt đẹp của xã hội.
“Để tự bảo vệ bản thân mình, khi tham gia MXH cũng như sử dụng internet, người trẻ cần có kỹ năng chọn lọc thông tin xấu, độc, nhảm nhí… Thông tin xấu, độc, nhảm nhí được nhận diện ở các yếu tố: mục đích, ý nghĩa, nội dung…, từ đó chọn lọc cho mình những nội dung phù hợp” - tiến sĩ Cao Thị Huyền chia sẻ.
Đồng thời, tiến sĩ Cao Thị Huyền cho rằng, cha mẹ nên nói chuyện và hướng dẫn con sử dụng MXH một cách an toàn, lành mạnh để các con tự nhận diện được các thông tin phân biệt, nhận thức được thông tin nào là đúng, là phù hợp, là an toàn, cũng như mục đích sử dụng MXH của mình để con tự giác và tự nhận diện, lựa chọn nội dung mình sẽ xem.
Luật sư Trương Hồng Kỳ, Đoàn Luật sư tỉnh, cho biết căn cứ Điều 4 Bộ quy tắc ứng xử trên MXH ngày 17-6-2021 của Bộ Thông tin và truyền thông quy định về quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân như sau: chỉ chia sẻ thông tin từ nguồn chính thống, đáng tin cậy, tránh lan truyền tin sai sự thật; ứng xử văn minh, phù hợp với đạo đức và văn hóa dân tộc, không sử dụng ngôn ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, hoặc tôn giáo; không đăng tải các nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, hoặc sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép gây bức xúc trong dư luận…
Lê Duy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin