Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyền đơn phương ly hôn

Diễm Quỳnh
09:00, 14/05/2024

Trước nguy cơ hôn nhân đổ vỡ, không ít cặp vợ chồng dùng con để ngăn cản, tạo sức ép lên vợ/chồng không đơn phương ly hôn.

Luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư Đồng Nai) tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình cho người dân (trái) tại Báo Đồng Nai. Ảnh: Đ.Phú

Nếu quá lạm dụng cách này sẽ gây áp lực không nhỏ lên đối phương, vì pháp luật quy định mỗi người có quyền đơn phương ly hôn.

Níu kéo hạnh phúc

Dù đã dùng nhiều cách để níu kéo hạnh phúc nhưng ông P.L.S. (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) vẫn không thuyết phục được vợ từ bỏ yêu cầu ly hôn với ông. Do đó, ông tìm cách tiếp cận 2 con (16 tuổi và 10 tuổi, do vợ ông dẫn về nhà cha mẹ vợ) để đem về nuôi dưỡng, nhằm tạo sức ép để bà M. không ly hôn. Ông S. muốn biết, ông làm như vậy có vi phạm pháp luật, vợ ông có quyền đơn phương ly hôn với ông?

Hay như trường hợp của chị N.H. (ngụ phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa) trình bày, vợ chồng chị lấy nhau được 8 năm và có một con chung (7 tuổi) bị bệnh tự kỷ. Quá trình sống chung với gia đình chồng tại phường Tân Biên (thành phố Biên Hòa), giữa chị và mẹ chồng liên tục xung đột.

Do nhiều lần khuyên chồng dọn ra ngoài thuê phòng trọ sinh sống không được nên mỗi khi xung đột với mẹ chồng, chị bế con về nhà cha mẹ đẻ sống. Liên tục nhiều lần như vậy, vì thương con, chồng chị đã nhiều lần gặp chị năn nỉ trở về, được ít lâu thì giữa chị và mẹ chồng lại xung đột và chị lại ôm con bỏ đi.

“Chồng tôi nghe lời khuyên của mẹ chồng đề nghị ly hôn với tôi. Tôi biết chồng rất thương con nhưng dùng con gây sức ép với chồng để không đồng ý ly hôn có được không? Chồng của tôi có quyền đơn phương ly hôn khi tôi nuôi con nhỏ không?”- chị N.H. thắc mắc.

Khoản 3, Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, khi vợ chồng ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con” - luật gia Nguyễn Thị Hồng (Hội Luật gia tỉnh) cho hay.

Quyền đơn phương ly hôn

Luật gia Nguyễn Thị Hồng (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ, hạnh phúc vợ chồng phải được xây dựng, vun đắp tình cảm, sự tôn trọng từ 2 phía. Những người con, gia đình bên vợ, bên chồng dù là cầu nối quan trọng để vợ chồng dễ dàng bỏ qua những xung đột, bất đồng, hàn gắn hôn nhân, nhưng cả 2 không được lấy con, người thân ra để níu kéo, ràng buộc hạnh phúc khi hai bên đã không còn yêu thương, mong muốn chung sống cùng nhau. Bởi nếu làm như vậy, không chỉ tạo khoảng cách đời sống hôn nhân vợ chồng xa nhau thêm, không đạt được, mà còn tạo ra tâm lý nặng nề cho những người con vô tội.

Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ/chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

“Pháp luật không cho phép người vợ hoặc chồng ngoại tình đơn phương yêu cầu ly hôn. Hoặc chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi” - luật sư VŨ DUY NAM (Đoàn Luật sư Đồng Nai) lưu ý.

Do đó, việc làm của ông P.L.S., chị N.H. không khéo sẽ gây cản trở ly hôn. Theo điểm e, khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cấm các hành vi sau đây: cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn.

“Tuy nhiên, quyền đơn phương ly hôn của vợ ông P.L.S. và chồng chị N.H. chỉ được tòa án chấp nhận khi có căn cứ chứng minh được vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” - luật gia Nguyễn Thị Hồng lưu ý.

Cũng theo luật gia Nguyễn Thị Hồng, dù hạnh phúc vợ chồng đến bờ vực thẳm, trong quá trình giải quyết ly hôn tòa án vẫn thực hiện thủ tục hòa giải để các bên tìm tiếng nói chung, trình bày giải pháp trong quá trình hàn gắn. Chỉ khi tòa án hòa giải không thành thì mới phán quyết cho hay không cho ly hôn.

Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thuận tình ly hôn như sau: trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án giải quyết việc ly hôn.

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều