Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều người lao động (NLĐ) xa quê lại mong muốn được về quê đón Tết, đoàn tụ cùng gia đình.
Càng gần Tết, nhiều công nhân xa quê đang ở trọ tại KP.6, P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) càng mong được về quê đón Tết với gia đình. Ảnh: P.LIỄU |
Năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn nên việc làm của người lao động giảm, kéo theo thu nhập giảm, thậm chí mất việc làm. Mong ước về quê đón Tết của nhiều NLĐ vì vậy mà không dễ dàng.
* Băn khoăn chuyện về hay ở
Chị Trần Thị Ngọc (quê tỉnh Nghệ An, hiện ở trọ tại P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) chia sẻ, mấy ngày nay, lần nào gọi điện thoại, mẹ của chị đều hỏi chuyện Tết này có về quê hay không mà chị không dám trả lời chắc chắn. Chồng của chị đang làm công nhân tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa). Do năm 2023 kinh tế khó khăn chung nên công ty giảm ngày làm, thu nhập cũng bị giảm. Riêng chị nghỉ sinh con xong thì mất luôn công việc, đang sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp.
“Cả năm qua, gia đình tôi sống còn phải tiết kiệm tối đa nên chưa dám nghĩ đến việc về quê đón Tết. Những năm trước, thu nhập ổn định, cuối năm có thưởng, được công ty cho xe đưa về quê đón Tết nên cũng háo hức về. Năm nay, công việc của chồng giảm sút, tôi mất việc làm nên khó có thể trang trải một chuyến về quê cho 3 người khi tiền tàu, xe, quà cáp bố mẹ hai bên cũng mất hơn chục triệu đồng” - chị Ngọc tâm sự.
Mong được về quê đón Tết với gia đình cũng là tâm trạng chung của nhiều NLĐ xa quê trong dịp Tết Nguyên đán. Dẫu biết rằng, Tết là dịp sum họp gia đình sau thời gian dài xa cách, thế nhưng với nhiều người không phải muốn là được. Nhiều lao động chỉ biết hy vọng trong năm 2024 kinh tế hồi phục, DN có nhiều đơn hàng, công nhân có việc làm để tăng thu nhập.
Gia đình nhỏ của anh Phạm Văn Vĩnh (quê tỉnh Thái Bình, đang ở trọ tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa) xác định Tết này chỉ vợ anh về quê, bởi ngoài quê còn có con nhỏ 5 tuổi gửi ông bà nuôi giúp.
Anh Vĩnh cho hay, anh làm ở một công ty trong Khu công nghiệp Amata, năm ngoái công việc giảm nhiều, mỗi tuần chỉ làm 3 ngày, năm nay dù ổn định hơn nhưng thu nhập vẫn giảm nhiều so với trước. Còn vợ của anh làm việc tại một công ty khác cũng ở Khu công nghiệp Amata, công việc cũng giảm nhiều nên thu nhập không còn được như trước.
Những năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, vợ chồng anh Vĩnh có thu nhập khoảng 17 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê nhà trọ, ăn uống, đi lại, mỗi tháng tích cóp cũng được 5 triệu đồng, rồi thưởng Tết, dồn lại cũng đủ một chuyến về quê. Nhưng từ sau đại dịch Covid-19 bùng phát, việc làm ở công ty giảm, thu nhập của anh chị cũng giảm. Anh mong năm nay tiếp tục được thưởng lương tháng thứ 13 để có tiền cho vợ về thăm con, thăm cha mẹ hai bên.
* Mong được hỗ trợ tàu, xe về quê đón Tết
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp với lượng NLĐ từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam bộ đến sinh sống và làm việc rất đông nên mỗi khi Tết đến, nhu cầu về quê đón Tết của NLĐ xa xứ rất lớn. Tuy nhiên, những năm qua, nhiều công ty phải thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm ngừng sản xuất khiến NLĐ gặp nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập giảm sút.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2023, Đồng Nai có hơn 80 ngàn lao động nghỉ, giãn việc và gần 40 ngàn người bị mất việc, thôi việc. Con số này tương đương năm 2022. |
Trước tình hình này, những năm gần đây, tổ chức Công đoàn các công ty có đông công nhân đã quan tâm đến việc hỗ trợ vé tàu xe từ 50-70%, thậm chí là 100% cho hàng trăm công nhân ở các tỉnh xa. Có không ít công ty còn tổ chức xe đưa đón công nhân về quê đón Tết và có cả chuyến đón trở lại sau kỳ nghỉ Tết.
Chẳng hạn, Tết Nguyên đán 2023, Công ty TNHH Hwaseung Vina (H.Nhơn Trạch) tổ chức xe đưa đón đến 900 công nhân ở các tỉnh: miền Bắc, miền Trung và miền Tây về quê đón Tết; Công ty CP TKG Taekwang Vina (TP.Biên Hòa) đưa 800 công nhân về quê đón Tết; hay Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) đưa 100 công nhân về quê đón Tết. Hiện tại, các công ty đang có kế hoạch hỗ trợ xe đưa công nhân về quê sum vầy với gia đình dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam Đặng Tuấn Tú cho biết, năm 2023, dù đơn hàng không dồi dào như những năm trước nhưng sau 7 phiên thương lượng với Công đoàn, công ty vẫn giữ mức thưởng Tết cho hơn 37 ngàn công nhân ở mức bằng với năm ngoái. Tổng tiền thưởng Tết năm 2024 khoảng 650 tỷ đồng. Ngoài ra, tùy vị trí công việc, NLĐ sẽ nhận thêm phụ cấp từ 5-8% lương cơ bản. Công ty cũng hỗ trợ 500 ngàn đồng cho những lao động mới vào công ty từ ngày 1-1-2024. Tiền thưởng sẽ được chi trong ngày 26-1-2024.
Riêng việc cho xe đưa công nhân về quê đón Tết, theo ông Tú, Tết Nguyên đán 2023, công ty đã thuê xe giường nằm cho hơn 100 công nhân về quê đón Tết và trở lại. Năm nay, công ty vẫn quan tâm đến việc hỗ trợ xe cho NLĐ về quê và đang triển khai cho công nhân có nhu cầu đăng ký để chốt số lượng.
“Thực ra, pháp luật không quy định buộc DN phải có thưởng Tết hoặc hỗ trợ tàu xe cho NLĐ. Song khoản này là do lãnh đạo DN thể hiện trách nhiệm xã hội của họ đối với NLĐ, giúp lao động an tâm và gắn bó hơn với công việc” - ông Tú chia sẻ.
Trao đổi về hoạt động hỗ trợ tàu xe cho NLĐ xa quê dịp Tết Nguyên đán 2024, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, LĐLĐ tỉnh sẽ tặng 250 vé tàu là quà tặng của Tổng LĐLĐ Việt Nam và 2 ngàn vé xe là quà tặng của LĐLĐ tỉnh từ nguồn đóng góp của LĐLĐ tỉnh, thành phố và các huyện. Đối tượng được hỗ trợ vé tàu, xe là những lao động có hoàn cảnh khó khăn 2 năm chưa được về quê đón Tết. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh đề nghị Công đoàn các công ty vận động chủ DN hỗ trợ vé tàu xe hoặc tổ chức xe đưa đón NLĐ về quê đón Tết dịp này.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin