Tham dự buổi triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV dành cho giới trí thức và chức sắc các tôn giáo trong tỉnh Đồng Nai được tổ chức lần đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam tại giảng đường của Trường Việt - Hoa Dục Đức (sau đó được đổi tên là Trường Hùng Vương) trên đường Phan Chu Trinh (TP.Biên Hòa); không chỉ tôi mà hầu như hơn 300 giáo viên, bác sĩ, công chức lưu dụng… cùng các tu sĩ tham dự đều hết sức ngạc nhiên.
Ông Lê Tư Huyền. |
Tham dự buổi triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV dành cho giới trí thức và chức sắc các tôn giáo trong tỉnh Đồng Nai được tổ chức lần đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam tại giảng đường của Trường Việt - Hoa Dục Đức (sau đó được đổi tên là Trường Hùng Vương) trên đường Phan Chu Trinh (TP.Biên Hòa); không chỉ tôi mà hầu như hơn 300 giáo viên, bác sĩ, công chức lưu dụng… cùng các tu sĩ tham dự đều hết sức ngạc nhiên.
Vừa xuất hiện, “diễn giả” đã gây kinh ngạc cho giới trí thức Biên Hòa vốn ưa phân tích, đánh giá và so sánh lại đang rất soi mói về những người vừa từ trong chiến khu ra. Trong mấy hàng ghế sau, nhiều người xầm xì:
- Ồ! Ông cán bộ giải phóng này phương phi, béo tốt quá, chứ đâu có phải “bảy người đu một cọng đu đủ không gãy” đâu!
Mọi người lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe “diễn giả” trình bày về chủ trương, biện pháp thực hiện đường lối cách mạng trong tình hình trước mắt cũng như sắp tới một cách khúc chiết, rõ ràng với những dẫn chứng cụ thể, xác thực có sức thuyết phục người nghe thuộc thành phần khó tính.
Thấy mọi người im phăng phắc lắng nghe, gật gù trước những câu giải đáp rạch ròi, dí dỏm và ngợi khen “ông cán bộ giải phóng” có tài hùng biện, uyên bác, nói năng lưu loát…; tôi khoái quá vì… báo cáo viên là đồng chí Lê Tư Huyền, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Và hơn nữa ông còn là Tổng biên tập Báo Đồng Nai kể từ tháng 10-1976, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết bổ sung chuyển tờ Báo Đồng Nai từ “Tiếng nói của nhân dân tỉnh Đồng Nai” thành “Cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Đồng Nai” và mới hơn nữa là “Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai”. Ông chính là “thủ trưởng cấp trên” của tôi.
Trước đó, khi còn sinh hoạt chính trị ở Trường đại học văn khoa Sài Gòn tôi đã được dự nhiều buổi nói chuyện tổ chức tại giảng đường đại học Vạn Hạnh của tướng Trần Độ, nhà báo Thép Mới, Trần Bạch Đằng… và đã phục lăn những người vừa viết hay vừa nói giỏi này, thì nay lại đâm ra kính nể một nhân vật đầy tài năng trước mắt. Đó chính là thủ trưởng của mình: đồng chí Lê Tư Huyền. Tôi mê nhất là cách nhấn câu, nhấn chữ một cách rõ ràng, mạch lạc và sử dụng từ ngữ rất “đắt“ cũng như cách chốt, gút lại vấn đề đã trình bày bằng một… “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” để người nghe nắm bắt được và nhớ nằm lòng của ông Phó ban và sau đó là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Tư Huyền.
Một đoàn công tác của Liên Xô (cũ) đến thăm Báo Đồng Nai trong những năm mới thành lập. |
Với bút danh Lê Từ (chiết tự từ bí danh Tư Huyền và tên thường dùng Lê Tư Huyền), ông Tổng biên tập Báo Đồng Nai Lê Tư Huyền (tên thật là Từ Đình Phiến, sinh năm 1931 tại Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; mất năm 2000 tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) luôn xuất hiện kịp thời trên trang báo bằng những bài viết mang tính chỉ đạo với lập luận sắc bén; đặc biệt là kịp thời có tiếng nói chỉ rõ sự khác biệt, đúng sai tách bạch trước một vấn đề đang vướng mắc trong tư tưởng đảng viên, quần chúng, những vấn đề đang gây tranh cãi trong lĩnh vực chính trị, xã hội… nên những bài viết được ký dưới bút danh Lê Từ, Lê Tư Huyền rất được bạn đọc Báo Đồng Nai quan tâm, chú ý. Tổng biên tập Lê Tư Huyền có lối viết ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào nội hàm vấn đề và rất tinh tế trong việc sử dụng ngôn ngữ đời thường để diễn đạt ý tưởng bao quát một cách khá sinh động, lôi cuốn độc giả nhanh chóng nắm được vấn đề khó đọc.
Một thời Báo Đồng Nai có phong trào thể dục thể thao sôi nổi. |
Sau này, trong một lần trò chuyện cùng con trai Tổng biên tập Lê Tư Huyền là bác sĩ Từ Thanh Chương, nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai; nghe ông nói: “Ba tôi đường đường cũng là Thường vụ Tỉnh ủy, trưởng ban này, trưởng ban nọ, thế mà khi mất đi chỉ để lại cho tôi một kho sách khổng lồ đủ các loại cùng lời khuyên bảo về y đức, chứ chẳng có tài sản hay bạc tiền gì cả”.
Tìm hiểu kỹ hơn, tôi mới biết Tổng biên tập Lê Tư Huyền có một sức đọc ghê gớm. Ông nghiên cứu sâu các vấn đề chính trị, pháp luật, tôn giáo, kinh tế, xã hội và cả lĩnh vực văn học nghệ thuật trong nước, thế giới. Đặc biệt, chàng trai nghèo đất Quảng Bình được theo học chương trình Primaire này còn có khả năng tự học rất lớn khi tham gia cách mạng nên “lọt vào mắt xanh” của những nhân vật tên tuổi như Đồng Sĩ Nguyên, Vũ Quang để sớm trở thành Trưởng ban thanh niên Trung ương Đoàn, Trưởng ban Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn rồi Bí thư Khu đoàn 10 (miền Đông Nam bộ), Bí thư Huyện ủy Đồng Xoài, cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy miền Đông Nam bộ. Sau khi tỉnh Đồng Nai được thành lập, đồng chí Lê Tư Huyền lại đảm đương nhiều trọng trách: Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm nhiệm Giám đốc trường Đảng, Tổng biên tập Báo Đồng Nai rồi Bí thư Đảng ủy công trình thủy điện Trị An, Bí thư Huyện ủy Tân Phú, Trưởng ban xây dựng huyện của tỉnh, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng ban Tôn giáo - chính quyền…
Tổ chức hoạt động vui chơi cho con em Báo Đồng Nai. |
Với một người có bề dày lịch sử đáng nể, lại “nói và viết” đều tài giỏi song toàn như đồng chí Lê Tư Huyền, tôi cũng có một kỷ niệm khó quên. Đó là sau khi trở thành “Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai”, để khép kín quy trình xuất bản tờ báo, Ban biên tập Báo Đồng Nai tiếp nhận toàn bộ máy móc, phương tiện và con người của một nhà in do Trung ương Đoàn quản lý đưa về tòa soạn để trực tiếp điều hành...
Bùi Thuận