Năm 2007, tôi về Báo Đồng Nai với "vốn liếng" là thâm niên 5 năm làm việc ở một cơ quan báo chí trong tỉnh và một vài giải thưởng. Cứ tưởng mình đã "ghê" lắm rồi, nhưng khi bắt tay vào việc mới hay, mới thấy những gì mình đã biết, đã học trước đó chỉ là "muỗi".
Năm 2007, tôi về Báo Đồng Nai với “vốn liếng” là thâm niên 5 năm làm việc ở một cơ quan báo chí trong tỉnh và một vài giải thưởng. Cứ tưởng mình đã “ghê” lắm rồi, nhưng khi bắt tay vào việc mới hay, mới thấy những gì mình đã biết, đã học trước đó chỉ là “muỗi”.
Thời điểm tôi về, Báo Đồng Nai chưa phân thành các ban chuyên môn như hiện nay, mà chỉ có một phòng phóng viên do anh Xuân Phú làm trưởng phòng. Tôi nhớ, bản tin đầu tiên ở báo Đồng Nai tôi viết dài khoảng... 600 từ. Anh Xuân Phú là người biên tập “nước một”, lắc đầu nói với tôi: “Không ai viết cái tin dài như thế, trừ tin sâu dùng cho những sự kiện quan trọng. Báo chí hiện đại là phải viết càng ngắn gọn càng tốt, nhưng súc tích, đủ ý”. Anh giao cho phóng viên Thu Trang “kèm cặp” tôi, Thu Trang đã sửa bản tin của tôi còn 150 từ, chỉ tôi thêm một số kỹ năng viết tin hội nghị. Bài học đầu tiên của tôi ở Báo Đồng Nai là như thế.
Quãng thời gian mới về Báo Đồng Nai, những kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ làm báo tôi học nhiều nhất là ở... quán cà phê. Hồi đó, đám “phóng viên trẻ” chúng tôi (ý nói những phóng viên mới vào nghề, không nói về tuổi tác, vì lúc đó tôi mới... 41 tuổi) thường hay tụ tập ở quán cà phê, chỉ vài ba câu là lại xoay qua nói chuyện nghề. Từ kinh nghiệm của các đồng nghiệp, từ những phân tích bài vở trên báo nhà lẫn các báo lớn như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh của đồng nghiệp bên ly cà phê, tôi đã học được rất nhiều điều mà không sách vở, giáo trình báo chí nào nói đến.
Năm 2008, tôi được phân công đi viết loạt bài 4 kỳ Còn đó, những nỗi đau sau chiến tranh. Gần nửa năm theo đuổi lấy tư liệu, tôi “nùi” hết thông tin có được vào bài viết. Lúc đó Báo Đồng Nai đã phân ra các ban chuyên môn, Kim Tuấn là Trưởng ban Văn hóa - xã hội, “sếp” của tôi, đã lẳng lặng biên tập gọn ghẽ, phân đoạn hợp lý, rút “tít” phụ cho bài viết chỉn chu. “Đứa con tinh thần” của tôi nhờ vậy mà có diện mạo sáng sủa, dễ nhìn, dễ đọc hơn. Đây là bài học tôi không bao giờ quên về bố cục của một bài báo hiện đại, đồng thời cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận về những “hy sinh thầm lặng” của đội ngũ biên tập, những người luôn đứng ở hậu trường vắt hết tâm trí tô điểm cho trang báo nhưng không bao giờ có tên trên mặt báo. Loạt bài Còn đó, những nỗi đau sau chiến tranh sau đó được giải C báo chí quốc gia, giải nhì Ngòi viết vàng cùng nhiều khen thưởng, tuyên dương khác, chỉ mình tôi tỏa sáng trên sân khấu nhận hết vinh dự, còn những “bệ đỡ, bệ phóng” khác, từ người cung cấp đề tài, giúp tìm kiếm nhân chứng cho đến đội ngũ biên tập, dàn trang... vẫn mãi lặng thầm phía sau.
Khi loạt bài Còn đó, những nỗi đau sau chiến tranh được giải nhì Ngòi viết vàng, tôi đã “lâng lâng” lắm rồi, chưa bao giờ mơ tưởng đến giải thưởng cao hơn ở cấp quốc gia nên lúc Chi hội nhà báo Báo Đồng Nai giục nộp bài tham dự giải báo chí quốc gia, tôi tỉnh queo không làm thủ tục. Chính anh Huy Thanh, Tổng biên tập Báo Đồng Nai gọi tôi lên, nhắc tôi photo loạt bài để nộp. Bụng vẫn chưa tin, tôi làm “chiếu lệ”. Lại cũng anh Huy Thanh đích thân lục tìm trong chồng báo tư liệu của anh, tìm bài viết, photo và làm các thủ tục gửi đi tham dự giải. Và trong sự vô cùng bất ngờ của tôi, loạt bài Còn đó, những nỗi đau sau chiến tranh đoạt giải C báo chí quốc gia năm 2008. Cho thấy, tầm nhìn của Tổng biên tập vẫn xa, rộng, và sâu sắc hơn.
Vậy đó, trong mỗi bước đi, trong sự trưởng thành và thành công trong nghề nghiệp của tôi luôn có sự dìu dắt, hỗ trợ, động viên khích lệ của lãnh đạo cơ quan cũng như đồng nghiệp. Tôi đã “lớn” lên cùng Báo Đồng Nai như thế.
Hà Thị Thanh Thúy
Biên tập viên Phòng Tòa soạn, Báo Đồng Nai