Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện nghề của phóng viên 'săn tin nóng'

08:06, 20/06/2023

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành trọng điểm phía Nam nên các thông tin trên mọi lĩnh vực đều được người dân quan tâm, nhất là các thông tin liên quan đến đời sống, an ninh trật tự…

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành trọng điểm phía Nam nên các thông tin trên mọi lĩnh vực đều được người dân quan tâm, nhất là các thông tin liên quan đến đời sống, an ninh trật tự…

Nhà báo Trần Danh (bìa phải) trao đổi nghiệp vụ cùng các đồng nghiệp Ban Pháp luật - đời sống và bạn đọc (Báo Đồng Nai). Ảnh: MINH THÀNH
Nhà báo Trần Danh (bìa phải) trao đổi nghiệp vụ cùng các đồng nghiệp Ban Pháp luật - đời sống và bạn đọc (Báo Đồng Nai). Ảnh: MINH THÀNH

Để kịp thời mang thông tin “nóng” đến bạn đọc, phóng viên báo chí địa phương và các báo thường trú trên địa bàn đã luôn sâu sát thực tế, sẵn sàng tác chiến mọi lúc mọi nơi.

* Dấn thân sau những bản tin “nóng”

Vào một buổi chiều giữa tháng 6-2023, tôi hẹn nhà báo Trần Danh (Ban Pháp luật - đời sống và bạn đọc Báo Đồng Nai) gặp gỡ trao đổi về công việc. Tuy nhiên, câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng vì anh liên tục nhận được điện thoại và gọi điện để liên hệ công việc.

Nhà báo Trần Danh kể, anh xuất thân là một nhà giáo và đã bén duyên trở thành một nhà báo từ 14 năm trước. Điều đặc biệt nhất là trong suốt chừng ấy năm, anh vẫn luôn là một phóng viên chuyên chạy tin “nóng”, mang tính thời sự cao. Dù khá vất vả nhưng với anh, công việc luôn mới mẻ và thú vị khi có thể đưa các thông tin an ninh trật tự trên địa bàn sớm, kịp thời, chính xác, đa chiều.

Với nhà báo Trần Danh, việc theo chân lực lượng công an bắt tội phạm đã trở thành công việc thú vị của một phóng viên chuyên săn “tin nóng” như anh. Anh kể, một trong những vụ việc đáng nhớ nhất là năm 2021, anh theo chân lực lượng công an làm tin bắt 8 đối tượng buôn bán gần 50kg ma túy tại xã Xuân Định (H.Xuân Lộc). Lúc đó, gia đình anh vừa bày mâm cơm chiều để ăn thì anh nhận được cuộc điện thoại báo tin Công an tỉnh vừa bắt một nhóm đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn. Ngay lập tức, anh chạy xe đến hiện trường cách nhà hơn 60km để tác nghiệp. Khi đến nơi, đập vào mắt anh là số lượng ma túy “khủng” gần 50kg. Nhờ sự nhanh nhạy trong tiếp cận được nguồn tin nên anh đã trở thành phóng viên đầu tiên có mặt tại hiện trường để đưa thông tin sớm nhất trên Báo Đồng Nai.

Đặc biệt, thời gian gần đây, những vụ án lớn liên quan đến kinh tế, chức vụ được người dân quan tâm. Tuy nhiên, để có thông tin về những vụ việc này không phải dễ, ngoài phải có nguồn tin còn phải thông tin nhanh, chính xác. Để làm được điều này, anh phải luôn theo sát các sự kiện và luôn có mặt tại hiện trường để xác thực thông tin bằng chính tai nghe, mắt thấy.

Cũng theo nhà báo Trần Danh, trong giai đoạn hiện nay, khi mạng xã hội phát triển, việc khai thác thông tin thông qua các mối quan hệ cũng dễ dàng hơn. Thực tế này tạo ra một áp lực rất lớn, đó là tin tức trên mạng xã hội quá nhanh, trong khi báo chí chính thống gần như không thể cạnh tranh về độ nhanh với các nền tảng này. Tuy nhiên, ở góc độ của cơ quan báo chí chính thống, vấn đề đặt ra là thông tin phải chính xác, đa chiều và đầy đủ, mang tính định hướng dư luận nên anh luôn làm việc nhanh nhưng phải kỹ lưỡng.

Không chỉ là mảng “tin nóng”, mà với một phóng viên chuyên “chạy đua” với “nước và lửa” như phóng viên Đăng Tùng (Ban Pháp luật - đời sống và bạn đọc, Báo Đồng Nai) cũng luôn phải trải qua những vất vả và khó khăn riêng.

Đăng Tùng là phóng viên chuyên viết về những tin nóng thuộc mảng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, an toàn giao thông. Do đó, nơi nào có cháy, ngập nước hay tai nạn thì phóng viên Đăng Tùng tìm đến nơi đó.

Trong những ngày mưa lớn vừa qua, phóng viên Đăng Tùng luôn phải chạy đua với những điểm ngập nặng để có thông tin cảnh báo kịp thời. Nhưng với anh, “chạy đua với nước” vẫn không vất vả bằng “chạy đua với lửa”. Hiện trường những vụ cháy luôn khiến cho anh muốn nghẹt thở bởi sức nóng và sự tàn phá nghiêm trọng của nó.

Phóng viên Đăng Tùng (Báo Đồng Nai) tác nghiệp trong cơn mưa lớn tại TP.Biên Hòa vào tháng 5-2023
Phóng viên Đăng Tùng (Báo Đồng Nai) tác nghiệp trong cơn mưa lớn tại TP.Biên Hòa vào tháng 5-2023

Anh Đăng Tùng kể lại, vào tháng 1-2023, anh nhận được thông tin tại P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa) xảy ra một vụ cháy xưởng gỗ rất lớn. Chỉ sau thời gian ngắn, anh đã đến hiện trường và tiếp cận thông tin ban đầu. Để có nhiều hình ảnh và tận mắt chứng kiến sức tàn phá của “giặc lửa”, anh đã tự trang bị mũ bảo hộ cho bản thân và lao vào phía trong xưởng gỗ để ghi nhận hiện trường. Nhờ sự dấn thân đó, anh đã đem đến cho bạn đọc Báo Đồng Nai nguồn thông tin, hình ảnh chân thực, sống động và nhanh nhất.

* Chạy đua “tin nóng” của phóng viên đa năng

Tại Đồng Nai, có nhiều phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương hoạt động. Họ là những phóng viên đa năng, nhiều người có thể làm báo đa phương tiện và tác nghiệp chuyên nghiệp.

Theo nhiều phóng viên thường trú, người làm tin nóng phải có sức khỏe, nhanh nhạy và biết nắm bắt thông tin kịp thời, có nguồn tin chính xác và chịu sự áp lực công việc cao.

Nhà báo Vũ Hội, Báo Pháp luật TP.HCM thường trú tại Đồng Nai cho hay, với 14 năm làm báo và nắm mảng “tin nóng” thì việc không để lọt thông tin cần sự nỗ lực rất lớn. Đặc biệt là mạng xã hội ngày càng bùng nổ như hiện nay đã “tạo áp lực” rất lớn cho phóng viên phụ trách mảng “tin nóng”.

“Với thời buổi công nghệ chỉ cần chiếc điện thoại chụp được hình và có mạng internet thì ai cũng có thể trở thành “phóng viên” nên việc kiểm chứng nguồn tin càng trở nên cần thiết. Vì vậy, phóng viên chạy “tin nóng” ngoài những kỹ năng tác nghiệp phải luôn cần một “trái tim nóng” và một “cái đầu lạnh” vì không chỉ đưa thông tin đưa nhanh nhất mà phải chính thống, chính xác” - nhà báo Vũ Hội cho hay.

Đó cũng là lý do, phóng viên mảng “tin nóng” luôn phải chạy đua với thời gian và sức “nóng” của sự kiện. Việc đang ăn cơm với gia đình mà phải buông đũa, cầm máy lên rồi chạy đến hiện trường hay như bỏ cả thời gian nghỉ phép để đi tác nghiệp vốn là chuyện thường tình đối với phóng viên như anh Vũ Hội.

Còn với nhà báo Ngô Phước Tuấn, phóng viên Ban Thời sự Báo VnExpress (phụ trách địa bàn Đồng Nai) thì sự vất vả, nguy hiểm với anh đôi khi không là gì so với niềm đam mê nghề và sự dấn thân phụng sự bạn đọc.

Là phóng viên thường trú, phải bao quát hết tất cả mọi sự kiện, nhất là “tin nóng” nên đôi chân và tâm trí của nhà báo Phước Tuấn luôn được lập trình sẵn những việc cần làm khi sự kiện “nóng” xảy ra. Anh có thể tác nghiệp “3 trong 1” là chụp ảnh, viết và quay phim.

Ngay cả khi muốn nghỉ phép, anh cũng phải tự lập trước các phương án dự phòng khi có sự cố xảy ra trong khu vực anh phụ trách. Cũng chính vì “say nghề” nên nhiều năm nay trong hành trình của anh luôn có: máy ảnh, máy quay phim, laptop, máy ghi âm, sổ tay…  để sẵn sàng lên đường tác nghiệp khi có “tin nóng” trên địa bàn.

Để luôn nắm bắt được thông tin nhanh, kịp thời thì theo nhà báo Phước Tuấn, việc xây dựng nguồn tin là điều rất quan trọng. Còn để thông tin chính xác, sinh động, hấp dẫn thì phải luôn xác minh thông tin, phải đến hiện trường để tận mắt chứng kiến sự việc xảy ra và phản ánh một cách đa chiều mọi góc độ bạn đọc muốn biết.

Nói về phóng viên chuyên chạy “tin nóng” là nói về sự vất vả, hy sinh và dấn thân để phụng sự bạn đọc. Thế nhưng, ai nấy đều rất tự hào với nghề báo và mảng phụ trách của bản thân vì họ biết những giọt mồ hôi và nỗ lực của người làm báo bỏ ra phía sau những bản tin luôn được bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao.

Tố Tâm

Tin xem nhiều