Thời gian qua, không ít doanh nghiệp (DN) nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi và đời sống của người lao động (NLĐ). Để hạn chế và giải quyết dứt điểm tình trạng này, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt mạnh hơn nữa để đủ sức răn đe những DN cố tình nợ đọng, chây ì, chậm đóng BHXH.
>>> Bài 1: “Treo” quyền lợi của người lao động
Thời gian qua, không ít doanh nghiệp (DN) nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi và đời sống của người lao động (NLĐ). Để hạn chế và giải quyết dứt điểm tình trạng này, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt mạnh hơn nữa để đủ sức răn đe những DN cố tình nợ đọng, chây ì, chậm đóng BHXH.
Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn pháp luật lao động cho công nhân. Ảnh: L.MAI |
Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, nhiều DN gặp khó khăn về đơn hàng do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu nên việc nợ lương, BHXH của NLĐ đang có chiều hướng gia tăng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến các quyền lợi của NLĐ bị “treo” do các chế độ không được giải quyết kịp thời.
Nhiều DN nợ BHXH kéo dài
Thống kê của BHXH Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022 cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị DN chậm đóng BHXH từ 1-3 tháng; hơn 440 ngàn người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và trên 200 ngàn người bị “treo” sổ tại các DN đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số lao động đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình DN. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là hơn 4 ngàn tỷ đồng.
Tại Đồng Nai, theo thống kê của ngành BHXH tỉnh, tính đến ngày 28-2, toàn tỉnh có 453 đơn vị, DN nợ BHXH của NLĐ từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền là 236,06 tỷ đồng (đã bao gồm nợ lãi). Ngành BHXH tỉnh đang phối hợp với Sở LĐ-TBXH rà soát để có kế hoạch mời các đơn vị, DN lên làm việc và xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, qua sàng lọc, trên địa bàn tỉnh có 19 đơn vị, DN thuộc diện nợ kéo dài với tổng số tiền nợ hơn 140 tỷ đồng.
Theo ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Theo đó, đối với DN đang hoạt động, nếu gặp khó khăn phải chậm đóng BHXH thì có thể đóng riêng cho từng NLĐ để kịp thời giải quyết quyền lợi như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất, chốt sổ BHXH khi chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đối với DN phá sản, giải thể, có chủ DN bỏ trốn thì chưa có quy định về việc giải quyết quyền lợi đối với NLĐ, nên hầu như tất cả quyền lợi của NLĐ đang bị “đóng băng”. |
Theo BHXH tỉnh, trong 19 đơn vị, DN nêu trên tính đến ngày 31-1-2023, đơn vị, DN có thời gian nợ bảo hiểm thấp nhất là 16 tháng, cao nhất hơn 10 năm, số tiền nợ từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Cụ thể như: Công ty CP Lilama 45-1 nợ 76 tháng với số tiền trên 41 tỷ đồng, Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam nợ 42 tháng với hơn 30 tỷ đồng, Công ty CP Lilama 45-4 nợ 99 tháng với trên 18 tỷ đồng…
Thực tế, tình trạng DN nợ đọng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bên cạnh nguyên nhân do DN sản xuất gặp khó khăn, đơn hàng giảm thì vẫn có những DN ý thức tuân thủ pháp luật chưa tốt, nhất là ở nhóm DN vừa và nhỏ. Cá biệt có những DN cố tình tìm lý do đối phó, trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho NLĐ.
Ông Phạm Long Sơn, Phó giám đốc BHXH tỉnh cho hay, thời gian qua, ngành BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp cùng các sở, ban, ngành, đặc biệt là Công an tỉnh triển khai thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ BHXH. Trong năm 2022, cơ quan BHXH đã tổ chức thanh tra đột xuất 230 đơn vị, thu hồi 41 tỷ đồng và xử phạt 46 đơn vị với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp Sở LĐ-TBXH thanh tra, kiểm tra 76 đơn vị, thu hồi 27 tỷ đồng và ra nhiều quyết định xử phạt hành chính. Cùng với đó, hàng tháng, hàng quý đều gửi thông báo đến các DN thu hồi nợ và thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh.
Cũng theo ông Sơn, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm DN nợ bảo hiểm với thời gian dưới 6 tháng. Đối với những DN này, sau khi ngành bảo hiểm đôn đốc, nhắc nhở đã nhanh chóng thanh toán nợ. Tuy nhiên, qua sàng lọc, có 19 DN được đưa vào diện nợ bảo hiểm khó đòi do nợ số tiền lớn, thời gian rất dài, ngành bảo hiểm đã triển khai các giải pháp, nhiều lần làm việc, đôn đốc nhưng DN vẫn chưa khắc phục nợ. Nguyên nhân do DN sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, bị thua lỗ, hoạt động cầm chừng…
Thời gian qua, nhiều NLĐ do DN phá sản, bỏ trốn không giải quyết được quyền lợi đã rơi vào thế bị động. Có nhiều trường hợp chỉ khi DN bị giải thể, phá sản hoặc ngừng sản xuất, kinh doanh và đi giải quyết chế độ thì NLĐ mới biết mình bị nợ hoặc chưa được đóng BHXH. Mặc dù gần đây các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, đề ra nhiều biện pháp để chấn chỉnh, xử lý nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
“Đóng băng” quyền lợi của NLĐ
Ngoài nợ BHXH, nhiều DN còn nợ lương của NLĐ. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trong quý I-2023, trên địa bàn tỉnh có 4 DN nợ lương của NLĐ. Cụ thể: Công ty TNHH Thương mại Sản xuất may mặc Phú Khang, Công ty TNHH Bittsum Vina, Công ty TNHH KNA Apparel Sourcing Việt Nam và Công ty May mặc Minh Giang. Các ngành chức năng đã làm việc với các DN để tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp giải quyết cho NLĐ. Đối với trường hợp chủ DN bỏ trốn, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh và các địa phương đã hướng dẫn NLĐ khởi kiện theo quy định.
Đầu năm 2023, Sở LĐ-TBXH đã làm việc với các ngành liên quan để nắm tình hình các DN nợ lương, BHXH của NLĐ để có giải pháp quyết liệt hạn chế tình trạng trên. Sở LĐ-TBXH cũng đã tổ chức họp, thống nhất ý kiến các đơn vị liên quan và tham mưu UBND tỉnh xử lý đối với 4 DN nợ lương NLĐ, nợ đóng BHXH kéo dài nhằm đảm bảo quyền lợi NLĐ.
Theo Sở LĐ-TBXH, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại DN. Trong đó, có nội dung về tiền lương và tình hình đóng BHXH của các DN. Qua các đợt kiểm tra cũng đã hướng dẫn, nhắc nhở DN thực hiện đầy đủ các chính sách theo đúng pháp luật lao động quy định. Đồng thời, có các hình thức xử phạt DN cố tình nợ lương, BHXH kéo dài và không tuân thủ quy định của pháp luật lao động. Riêng năm 2022, Sở đã phối hợp BHXH tỉnh làm việc, xử phạt 75 DN nợ đọng BHXH.
Một trong những nguyên nhân được các DN nợ lương, BHXH cho biết là do ảnh hưởng của hậu dịch bệnh Covid-19 kéo dài, kéo theo đơn hàng giảm khiến nhiều DN ngưng hoạt động, phá sản, giải thể, mất khả năng thanh toán. Song một thực tế là vẫn có những DN chây ì, không đóng BHXH cho NLĐ, không trả lương, thưởng hoặc trả không đúng quy định khiến nhiều NLĐ bị thiệt thòi quyền lợi.
Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Vũ Ngọc Hà cho biết, NLĐ sẽ bị thiệt thòi rất nhiều khi các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh trong quá trình làm việc không được giải quyết. Ngoài ra, khi NLĐ tới công ty khác làm việc cũng sẽ không chốt được BHXH, quyền lợi bị “treo” và không được giải quyết các chế độ liên quan đến BHXH. Thời gian qua, trung tâm đã hỗ trợ pháp lý cho NLĐ làm đơn khởi kiện ra toà buộc các DN phải trả lương, đóng BHXH cho NLĐ. Đồng thời, yêu cầu phía DN phải giải quyết đầy đủ các chế độ cho NLĐ theo quy định.
Theo Phó trưởng ban Chính sách - pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng, khi bị nợ đọng BHXH, NLĐ không được hưởng các chế độ, không chốt được sổ BHXH kể cả đã chuyển đến nơi khác làm việc và đến tuổi về hưu thì không chốt được sổ BHXH. Như vậy, NLĐ bị nợ đóng BHXH đồng nghĩa với quyền lợi “đóng băng”, cuộc sống rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội.
Lan Mai
Bài 2: Người lao động chật vật kêu cứu