Báo Đồng Nai điện tử
En

Bổ sung Covid-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội

08:02, 15/02/2023

Bộ Y tế vừa bổ sung Covid-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp (BNN) được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH). Quy định này chính thức áp dụng từ ngày 1-4-2023.

Bộ Y tế vừa bổ sung Covid-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp (BNN) được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH). Quy định này chính thức áp dụng từ ngày 1-4-2023.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2021, nhân viên Trạm Y tế P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) phải tiếp xúc với nguồn lây khi người nhiễm đến khai báo y tế. Ảnh: P.Liễu
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2021, nhân viên Trạm Y tế P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) phải tiếp xúc với nguồn lây khi người nhiễm đến khai báo y tế. Ảnh: P.Liễu

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung bệnh Covid-19 vào danh sách BNN là kịp thời, nhân văn và phù hợp với thực tế. Bởi, bệnh Covid-19 đã để lại nhiều di chứng cho người nhiễm, nhất là với nhóm đối tượng làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

* Các trường hợp bệnh Covid-19 được hưởng chính sách BNN

Hồ sơ hưởng chính sách BNN

Hồ sơ hưởng chính sách BNN với chẩn đoán mắc bệnh Covid-19 phải kèm theo giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án ghi nhận bị mắc bệnh Covid-19, hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc xét nghiệm tương đương theo quy định của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về BNN được hưởng BHXH và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4-2023 (gọi tắt là Thông tư 02). Việc bổ sung bệnh Covid-19 vào BNN là kịp thời và phù hợp với thực tế. Bởi khi chính thức được xem là BNN, người lao động được xác định bị nhiễm Covid-19 trong quá trình lao động sẽ được xem xét hỗ trợ, bố trí việc làm, thời gian làm việc… cũng như được hưởng mọi quyền lợi theo quy định BNN hiện hành.

Tuy nhiên, không phải người nhiễm Covid-19 nào cũng được hưởng chính sách BNN. Theo Thông tư 02, bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động, bao gồm 6 nhóm đối tượng cơ bản.

Cụ thể là: những người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2; người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 (bao gồm: người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; người vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19; người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid-19; người giám sát, điều tra, xác minh dịch Covid-19 nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh…); sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng; chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Bộ Y tế, thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây BNN) là một lần. Trong khi thời gian bảo đảm (khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với nguồn lây đến thời điểm phát bệnh) là 28 ngày. Ngoài ra, thời gian khám xác định di chứng được quy định sau tối thiểu 6 tháng kể từ khi mắc Covid-19 và được điều trị ổn định. Trường hợp không điều trị ổn định được thực hiện theo quy định hiện hành.

Cũng theo quy định của Bộ Y tế, người làm nghề, công việc trên được chẩn đoán xác định mắc Covid-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ ngày 1-2-2020 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 1-4-2023), cần được lập hồ sơ BNN để khám giám định và được hưởng chế độ BNN theo các quy định hiện hành.

* Chính sách kịp thời và phù hợp với thực tế

Quy định mới này đang được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người làm trong ngành Y tế. Bởi trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra vừa qua, nhiều nhân viên y tế không chỉ làm việc vất vả, căng thẳng mà còn làm việc trong môi trường lây nhiễm rất nguy hiểm.

Chị Đỗ Hương Sen, một kỹ thuật viên Khoa Huyết học Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, trong thời gian dịch bệnh diễn ra, các kỹ thuật viên phải xét nghiệm Covid-19 liên tục. Công tác xét nghiệm phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm cũng như công tác xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch diễn ra đến cả 2 năm. Làm việc trong môi trường nguy hiểm, bản thân chị Sen và nhiều đồng nghiệp cũng đã bị lây nhiễm Covid-19.

Chị Sen tâm sự, nếu Covid-19 được xem là BNN và đối tượng tiếp cận nguồn lây trực tiếp như chị được hưởng hỗ trợ từ chính sách BHXH dành cho người mắc BNN thì đây cũng là một sự bù đắp kịp thời cho những người làm việc trong môi trường độc hại.

Vào tháng 9-2021, thầy giáo trẻ Hoàng Thông, giáo viên Trường THCS Tân Phong (P.Tân Phong) tham gia gần 1 tháng vào công tác tình nguyện chống dịch với nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở khu cách ly Trường THCS Trảng Dài. Thầy Thông cho biết, khi tham gia công tác hỗ trợ phòng, chống dịch, thầy chỉ muốn đóng góp công sức của mình vào hoạt động phòng, chống dịch theo lời kêu gọi của thành phố, chứ không nghĩ đến việc được hỗ trợ hay hưởng các chính sách ưu đãi.

“Chẳng ai muốn mình mắc BNN, nhưng việc Bộ Y tế công nhận những người tham gia hoạt động phòng, chống dịch có tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm và từng bị nhiễm Covid-19 thì được hưởng chính sách hỗ trợ của BNN và được hưởng BHXH thì điều đó rất tốt, kịp thời và nhân văn” - thầy Thông nói.

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) TS-BS Trần Minh Hòa cho rằng: “Việc bổ sung bệnh Covid-19 nghề nghiệp vào danh mục BNN được hưởng BHXH là rất cần thiết, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, nhất là nhóm đối tượng nhân viên y tế - là những người đã làm việc trong môi trường tiếp xúc với nguồn lây rất lớn, độc hại, áp lực và căng thẳng kéo dài”.

Quyền lợi của người mắc BNN

Trường hợp bệnh lý phát sinh do Covid-19 được bổ sung vào danh mục BNN được hưởng BHXH, theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người lao động được hỗ trợ chi phí chữa bệnh, các chi phí mà BHYT không chi trả và được trả phí giám định suy giảm khả năng lao động (kết luận suy giảm dưới 5%). Trường hợp người lao động chưa tham gia BHYT thì được thanh toán toàn bộ chi phí y tế. Đồng thời, tùy theo mức độ tổn thương mà người lao động được nhận trợ cấp một lần hoặc nhận trợ cấp hàng tháng.

Phương Liễu

Tin xem nhiều