Báo Đồng Nai điện tử
En

Dạy học 2 buổi/ngày: Khó khả thi vì thiếu đủ thứ

07:08, 16/08/2022

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018 có thay đổi lớn ở bậc tiểu học, đó là xây dựng theo hướng bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày. Thế nhưng, vì thiếu trường lớp, giáo viên nên phần lớn các trường mới chỉ dạy theo phương án 1 buổi/ngày.

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018 có thay đổi lớn ở bậc tiểu học, đó là xây dựng theo hướng bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày. Thế nhưng, vì thiếu trường lớp, giáo viên nên phần lớn các trường mới chỉ dạy theo phương án 1 buổi/ngày.

Phụ huynh ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đăng ký cho con vào lớp 1. Ảnh: C.Nghĩa
Phụ huynh ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đăng ký cho con vào lớp 1. Ảnh: C.Nghĩa

Câu hỏi đặt ra là, nếu chương trình thiết kế 2 buổi nhưng chỉ dạy 1 buổi/ngày, liệu có ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học hay không? Cần làm gì để tăng tỷ lệ số trường dạy 2 buổi/ngày, từ đó nâng cao chất lượng, đáp ứng được mục tiêu của chương trình đề ra.

* Khó khả thi trong ngắn hạn

Chương trình GDPT mới được Bộ GD-ĐT ban hành năm 2018 quy định rõ, đối với cấp tiểu học sẽ tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học và mỗi tiết 35 phút. Các trường thực hiện tối thiểu 9 buổi với 32 tiết/tuần. Ngay trong năm học đầu tiên áp dụng chương trình GDPT mới đối với lớp 1 ở năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT đã đặt mục tiêu có 100% số học sinh  lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Mục tiêu này còn được hướng đến cho cả những năm học tiếp theo gồm: lớp 2 (năm học 2021-2022), lớp 3 (năm học 2022-2023), lớp 4 (năm học 2023-2024) và lớp 5 (năm học 2024-2025).

Trên thực tế, việc áp dụng dạy học 2 buổi/ngày khi áp dụng chương trình GDPT mới ở Đồng Nai rất khó khả thi, đặc biệt là ở những địa phương có sức ép dân số lớn, số lượng học sinh rất đông như: TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch… Tại TP.Biên Hòa, không ít trường tiểu học năm này qua năm khác đang phải gồng mình “nén” học sinh từ 45-50 em/lớp để tránh chuyện phải học ca ba, trong khi đó quy định chuẩn không được vượt quá 35 em/lớp. Chính vì vậy, mục tiêu học 2 buổi/ngày càng khó trở thành hiện thực khi đụng đến điều kiện gì thiếu điều kiện đó.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Tăng cường thu hút nguồn lực xã hội hóa

Trong những năm qua, Đồng Nai đã đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và nguồn lực cần đầu tư vẫn còn rất lớn so với nhu cầu thực tế. Do đó, phải thực hiện song hành 2 giải pháp, đó là đầu tư bằng ngân sách nhà nước đồng thời tăng cường thu hút nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục. Đây là giải pháp vừa phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ, vừa phù hợp với thực tế của Đồng Nai đã làm và cần được làm tốt hơn nữa để giảm bớt áp lực cho ngân sách.

Trong hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 tổ chức ngày 12-8 vừa qua, Bộ GD-ĐT chưa có bất cứ thống kê nào về tỷ lệ các trường tiểu học trên cả nước đã tổ chức dạy được 2 buổi/ngày với học sinh lớp 1 và 2 theo chương trình GDPT mới. Còn tại Đồng Nai, đối với 2 khối lớp 1 và 2 đã học theo chương trình GDPT mới, hiện vẫn đang gặp khó khăn khi phần lớn các trường mới chỉ tổ chức dạy được 1 buổi/ngày. Nguyên nhân của việc không thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày là vì thiếu lớp học. Phần lớn các trường đang phải khai thác hết công suất của lớp học theo hình thức sáng ưu tiên cho học sinh lớp 1 và 2, chiều cho học sinh lớp 3 - 4 - 5.

Hiệu trưởng Trường tiểu học An Bình (P.An Bình, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Thanh Nhã cho biết, theo quy định của chương trình GDPT mới, trường phải dạy 2 buổi/ngày nhưng không đủ điều kiện cơ sở vật chất nên trường chỉ dạy 1 buổi/ngày. Đây là phương án 2 của Bộ GD-ĐT đưa ra với những trường không đủ điều kiện để tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Khi được hỏi chương trình đòi hỏi dạy 2 buổi/ngày nhưng lại chỉ có thể tổ chức dạy 1 buổi/ngày thì có ảnh hưởng gì đến chất lượng hay không, cô Nhã cho hay: “Các em sẽ bị thiệt thòi đôi chút là không có thời gian để được học những tiết thực hành theo chương trình”.

* Cần đầu tư lâu dài cho trường lớp

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp có vị trí tốp đầu của cả nước, nhưng chất lượng GDPT lại chưa thực sự tương xứng với vị thế này. Trên thực tế, muốn có chất lượng giáo dục tốt thì phải có sự đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn đang phải loay hoay với bài toán thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, thiếu đồ dùng dạy học. Chừng nào chưa đáp ứng được vấn đề cơ sở vật chất và nhân lực thì sẽ khó tập trung trọn vẹn cho việc nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện được.

Nhiệm vụ năm học mới 2022-2023 sẽ còn bộn bề hơn các năm học trước khi chương trình GDPT mới tiếp tục được phủ rộng hơn. Ngoài học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6, sẽ có thêm học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 tiếp cận với chương trình mới này. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học mới sắp tới, toàn tỉnh có đến 743 ngàn học sinh, tăng thêm 22,5 ngàn học sinh so với năm học trước. Chỉ tính riêng địa bàn TP.Biên Hòa đã tăng gần 11 ngàn học sinh, chiếm 1/2 số học sinh tăng thêm của tỉnh trong năm học sắp tới.

Theo báo cáo của UBND TP.Biên Hòa, năm học 2022-2023, dù có 3 công trình trường học mới hoàn toàn và 5 công trình xây mới bổ sung lớp học cho các trường được đưa vào sử dụng với trên 150 phòng học. Tuy nhiên, những con số này chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế của ngành Giáo dục thành phố. Chính vì vậy, nhiều trường tiểu học chẳng những không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày mà vẫn phải tiếp tục điệp khúc đi học nhờ trường bạn. Điệp khúc này dự kiến sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa khi tiến độ triển khai các trường này vốn diễn ra rất chậm chạp.

Chẳng hạn, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (P.Tân Hiệp) tiếp tục mượn 14 phòng cho 27 lớp tại Trường cao đẳng Thống kê 2. Còn Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài) phải đi mượn 9 phòng cho 18 lớp tại Trường tiểu học Hà Huy Giáp và Trường THCS Trường Sa. Hay Trường tiểu học Phan Đình Phùng (P.Long Bình) phải mượn tới 19 phòng cho 37 tại Trường tiểu học Bình Đa (P.Bình Đa), Trường tiểu học Phan Bội Châu (P.Long Bình) cũng phải đi mượn 3 phòng giải quyết chỗ học cho 6 lớp tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ (P.Long Bình).

Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài Ngô Thị Thanh Thủy chia sẻ, 2 năm đầu áp dụng chương trình GDPT mới với tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường là một nỗ lực rất lớn khi áp lực sĩ số học sinh/lớp chưa được cải thiện. Hiện sĩ số trung bình học sinh/lớp ở mức cao, từ 45-50 em/lớp. Với một trường còn phải đi mượn phòng học ở 2 trường khác nhau mới đủ chỗ cho học sinh học thì chưa dám nghĩ đến chuyện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều