Ngành Y tế đang trải qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng có từ trước đến nay khi hàng loạt lãnh đạo, cán bộ từ cấp bộ đến cấp sở, phòng vướng vào vòng lao lý liên quan đến công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế…
Ngành Y tế đang trải qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng có từ trước đến nay khi hàng loạt lãnh đạo, cán bộ từ cấp bộ đến cấp sở, phòng vướng vào vòng lao lý liên quan đến công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế…
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Khu hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: H.DUNG |
Hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm đang bị đứt gãy vì sự e dè của nhà cung cấp cũng như lãnh đạo các bệnh viện. Điều đó dẫn đến hệ quả tất yếu là công tác khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng. Và thiệt thòi nhất chính là bệnh nhân.
* Khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế
TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, bệnh viện đang rất khó khăn về thuốc men vì thiếu một số loại thuốc. Trong số 3 máy CT của bệnh viện, có 2 máy CT 128 lát cắt và CT 256 lát cắt đã bị cháy bóng đèn, chỉ còn 1 máy CT hoạt động được. Bệnh viện đã làm văn bản xin ý kiến UBND tỉnh cho phép mua 1 máy CT 256 lát cắt từ nguồn vốn ngân sách và 1 máy CT từ quỹ phát triển sự nghiệp. Đồng thời mời các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm đánh giá xem 2 máy CT nói trên hư hỏng những gì. Tuy nhiên, ở Đồng Nai hiện chưa có nơi nào thẩm định giá cho bệnh viện. Do không có đơn vị thẩm định giá nên bệnh viện không thể mua sắm, đấu thầu được.
Tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ngày 13-6, đại biểu NGUYỄN CÔNG LONG, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề xuất Ban soạn thảo bổ sung quy định hoạt động chuyên môn và quản lý bệnh viện công; quy chuẩn, tiêu chuẩn hóa các chức danh quản lý, điều hành. Luật cũng cần quy định xem xét nhân lực quản lý là tiêu chí bắt buộc đánh giá chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn chung của thế giới. |
Theo TS-BS Phạm Văn Dũng, với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của người dân, trong khi bệnh viện chỉ còn 1 máy CT hoạt động được thì trước sau gì máy này cũng bị quá tải và hư hỏng. Ngoài ra, một số trang thiết bị, máy móc khác cũng phải đấu thầu mua sắm mà hiện không có cơ quan thẩm định giá nên bệnh viện không thể mua sắm được.
Cũng liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, theo Kết luận thanh tra số 3651 ngày 15-4-2022 của UBND tỉnh Đồng Nai, trong số 14 gói thầu mà Sở Y tế thực hiện trong 2 năm 2020 và 2021 có 2 gói thầu có sự chênh lệch cao giữa giá nhập khẩu và giá bán của nhà thầu. Đó là gói thầu mua sắm máy theo dõi bệnh nhân phục vụ điều trị Covid-19 và gói thầu mua sắm máy X-quang di động kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành phục vụ điều trị Covid-19.
Kết luận thanh tra của UBND tỉnh nêu rõ, nguyên nhân của việc chênh lệch giá cao giữa giá nhập khẩu và giá trúng thầu do Sở Y tế không thể mua trực tiếp từ đơn vị nhập khẩu (Công ty Philips Việt Nam) vì công ty này không tham gia đấu thầu. Công ty trúng thầu là đại lý độc quyền của Hãng Philips Việt Nam.
Máy X-quang di động và máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số là hàng hóa đặc thù, có đặc tính kỹ thuật cao, khó có sản phẩm tương tự trên thị trường để so sánh giá. Do hàng hóa độc quyền phân phối nên giá công khai, giá bán bị nâng cao. Ngoài ra, do Bộ Y tế chậm ban hành thông tư hướng dẫn, quản lý giá công khai, giá trúng thầu và chưa có chế tài để xử lý.
* Cán bộ, nhân viên y tế “xuống” tinh thần
Chứng kiến hàng loạt cán bộ, lãnh đạo từ Bộ Y tế đến cấp phòng của các bệnh viện trong cả nước bị bắt liên quan đến vụ việc của Công ty Việt Á và một số vụ việc khác thời gian qua, lãnh đạo một bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh chia sẻ, cán bộ, nhân viên y tế đang rất buồn. Dịch bệnh Covid-19 chưa chấm dứt nhưng ngành Y tế chịu tổn thất rất nặng nề.
“Bản thân tôi cảm thấy rất đau lòng khi những chuyên gia giỏi đầu ngành của ngành Y bị bắt. Ngoài vấn đề đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo còn có vấn đề cần đặt ra là cơ chế, chính sách còn nhiều lỗ hổng, bất cập. Chúng tôi được đào tạo rất bài bản về chuyên môn nhưng vấn đề quản lý, điều hành lại khá phức tạp, nhất là với công tác đấu thầu, mua sắm, chúng tôi là tay ngang, chỉ tham gia lớp đào tạo từ 3-5 ngày. Do vậy, nếu làm rất dễ bị sai” - giám đốc một bệnh viện chia sẻ.
Ông dẫn chứng, trong công tác đấu thầu có đến hàng ngàn loại thuốc, hàng ngàn loại vật tư y tế, hàng trăm loại hóa chất, rất khó để cán bộ y tế có thể nắm bắt hết. Nếu ai không tỉnh táo, rất dễ bị “sập bẫy”. Từ trước đến nay, giám đốc bệnh viện công lập trước hết phải là người giỏi chuyên môn y khoa, trải qua quá trình phấn đấu lâu dài, từ bác sĩ cấp khoa phòng đi lên. Tuy nhiên, họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị hoạt động bệnh viện mà chỉ tham gia các lớp đào tạo cấp tốc trong vài ngày. Điều này dẫn đến bất cập trong quản lý nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế. Các trường y cũng chủ yếu đào tạo chuyên ngành, không chú trọng đào tạo quản lý bệnh viện.
Sau dịch bệnh Covid-19, các bệnh viện còn rơi vào khó khăn khác khi hàng loạt cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc, đặc biệt, số lượng điều dưỡng xin nghỉ việc rất nhiều. Điều đó khiến những người ở lại phải cáng đáng lượng công việc lớn, áp lực nhiều nhưng đồng lương còn ít ỏi, không đủ để họ trang trải cuộc sống gia đình.
BS Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Trảng Bom kiến nghị Nhà nước sớm ban hành cơ chế, chính sách hợp lý về lương của cán bộ y tế, những vấn đề liên quan đến đấu thầu, đào tạo quản lý, điều hành cho cán bộ y tế. Phải làm sao để có thể lấy lại được uy tín của ngành Y tế, lấy lại niềm tin của nhân dân, để cán bộ, nhân viên ngành Y tế tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách tốt nhất.
Hạnh Dung