Hộ chiếu vaccine là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh châu Âu ban hành, đang được sử dụng tại 62 quốc gia.
Hộ chiếu vaccine là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh châu Âu ban hành, đang được sử dụng tại 62 quốc gia.
Theo thống kê của Bộ Y tế, sau 3 ngày triển khai, đến nay cả nước có khoảng 500 ngàn người đã được cấp hộ chiếu vaccine.
Nhân viên y tế cập nhật thông tin tiêm chủng của người dân lên hệ thống tiêm chủng ngay tại buổi tiêm vaccine. Ảnh: H.Dung |
* Khẩn trương xác thực thông tin tiêm chủng
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, theo Quyết định số 5772/QĐ-BYT ngày 20-12-2021 của Bộ Y tế, quy trình cấp hộ chiếu vaccine gồm 3 bước. Thứ nhất, các cơ sở tiêm chủng rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của người dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp đến, các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành. Cuối cùng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) sẽ thực hiện ký số tập trung chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU để bảo mật, tránh sai sót, lộ, lọt thông tin cá nhân.
Hộ chiếu vaccine sẽ hiển thị 11 trường thông tin. Các thông tin bao gồm họ tên và ngày sinh sẽ kết hợp với giấy tờ định danh khác như: chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay hộ chiếu để giúp định danh người sở hữu.
Hộ chiếu vaccine được hiển thị trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế bằng cách nhập 4 thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân, ngày tiêm gần nhất. Sau đó, khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu. Thời hạn của hộ chiếu vaccine điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp. Đây là giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới cho người dân.
Phó giám đốc Công an tỉnh Trần Tiến Đạt cho biết, Công an tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo công an các xã, phường, thị trấn trong tỉnh khẩn trương chứng thực thông tin tiêm vaccine ngừa Covid-19 của người dân. Từ đó, đối chiếu qua hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, cập nhật dữ liệu lên hệ thống để Bộ Y tế tiến hành cấp hộ chiếu vaccine cho người dân trong tỉnh.
* Nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng
Theo Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc, việc có trong tay hộ chiếu vaccine giúp người dân có thể biết rõ được sức khỏe của mình, để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh. Mặc dù hộ chiếu vaccine không thể thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như: hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thường trú, giấy miễn thị thực nhưng người có hộ chiếu vaccine sẽ có lợi thế khi xin visa xuất cảnh. Từ đó, người dân có thể đi du lịch, đi công tác nước ngoài. Đồng thời, giúp các cơ quan y tế kiểm soát tốt và dễ dàng hơn tình hình sức khỏe của mỗi người. Người dân nếu đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vaccine mà không cần phải làm thủ tục gì thêm.
Đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với các quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia. Để biết hộ chiếu vaccine được công nhận và sử dụng ở những quốc gia nào trên thế giới, người dân cần theo dõi thông tin từ Bộ Ngoại giao. |
Trường hợp người dân đã tiêm vaccine nhưng có sai sót về thông tin dẫn đến chưa được cấp hộ chiếu vaccine thì có thể phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 ở địa chỉ: https://tiemechungcovid19.gov.vn để được bổ sung, cập nhật.
Trường hợp người dân tiêm chủng các mũi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng khác nhau thì các cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm ký số chứng nhận, Bộ Y tế sẽ cấp hộ chiếu vaccine cho người dân.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng lưu ý, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các cơ sở tiêm chủng phải có trách nhiệm thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Công an các cấp có trách nhiệm xác thực thông tin tiêm chủng của người dân để triển khai việc cấp hộ chiếu vaccine, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Lãnh đạo tỉnh lưu ý, công tác cập nhật chính xác dữ liệu tiêm chủng trên hệ thống tiêm chủng rất quan trọng. Do vậy, các đơn vị phải thực hiện cập nhật dữ liệu nhanh, chính xác. Những thông tin này sau này sẽ còn được sử dụng cho các công tác quản lý khác.
Hộ chiếu vaccine được cập nhật ở góc ngoài cùng bên trái, hàng thứ 2 từ trên xuống trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử |
Theo thông tin từ Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm hơn 7,3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho người dân từ 12 tuổi trở lên trong tỉnh. Trong đó, có hơn 2,9 triệu người tiêm mũi 1, hơn 2,8 triệu người tiêm mũi 2 và hơn 1,4 triệu người tiêm mũi 3. Trong đợt tiêm vaccine thứ 37 được tổ chức từ ngày 18 đến 20-4, tỉnh Đồng Nai triển khai tiêm 31 ngàn liều vaccine Moderna cho trẻ từ 6-11 tuổi và trẻ từ 12 tuổi trở lên. Tất cả người dân không kể là người lớn hay trẻ em, khi đã tiêm 1 mũi, 2 mũi hay 3 mũi vaccine đều sẽ được cấp Hộ chiếu vaccine nếu đáp ứng đủ các điều kiện thông tin cần thiết theo quy định.
Hạnh Dung