Theo các bác sĩ, bệnh không lây nhiễm là bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Những bệnh này tuy diễn biến thầm lặng nhưng gây tỷ lệ tử vong cao. Đặc biệt, bệnh không lây nhiễm tạo nên gánh nặng kinh tế và sức khỏe.
Theo các bác sĩ, bệnh không lây nhiễm là bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Những bệnh này tuy diễn biến thầm lặng nhưng gây tỷ lệ tử vong cao. Đặc biệt, bệnh không lây nhiễm tạo nên gánh nặng kinh tế và sức khỏe.
Bác sĩ khám sức khỏe cho một bệnh nhân bị bệnh tim điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung |
* Hơn 50% bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm
BSCKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, những năm gần đây, mô hình bệnh tật đã có sự thay đổi, đó là tỷ lệ bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng tăng dần lên. Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận cấp cứu nhiều bệnh nhân có những cơn đau cấp như: nhồi máu cơ tim, phổi tắc nghẽn mãn tính…
Điển hình, bà N.T.T. (50 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương, làm công nhân Công ty Changshin Việt Nam, H.Vĩnh Cửu) được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khi xảy ra cơn tức ngực, khó thở. Bà T. cho biết, bà bị bệnh tim và được phát hiện vào năm 2010. Năm 2017, bà đã được mổ tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và tạm thời ổn định được cuộc sống. Tuy nhiên, bà thường bị những cơn đau khi làm việc nặng hoặc thay đổi chế độ sinh hoạt hằng ngày. Bà phải định kỳ thăm khám tại các cơ sở y tế để được theo dõi.
Hay ông T.K.C. (74 tuổi, ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) có tiền sử hút thuốc lá hơn 60 năm. Năm 2016, ông thấy khó chịu ở lưng, thi thoảng có cảm giác giật ở ngực nên người nhà đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kiểm tra. Tại đây, ông được chẩn đoán có khối u phổi bên phải, cần nhập viện phẫu thuật để điều trị. Đến nay, sau 5 năm, ông lại xuất hiện những cơn ho kéo dài, kèm theo khó chịu ở ngực bên trái nên quay lại bệnh viện khám. Qua thăm khám, bác sĩ yêu cầu ông phải nhập viện theo dõi, điều trị.
Theo BS Phước: “Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh không lây nhiễm tăng cao xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người bệnh như: hút thuốc; uống rượu, bia; ăn ít rau, trái cây, nhiều muối; thiếu hoạt động thể lực… Tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu… đều có xu hướng gia tăng nhanh. Nam giới có nhiều nguy cơ về những bệnh không lây nhiễm cao hơn nữ giới”.
* Gánh nặng về kinh tế
Bệnh không lây nhiễm là những bệnh cần điều trị suốt đời và theo dõi trong thời gian dài, làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng. “Để điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm, cần 2 yếu tố chính đó là sự hiệu quả của các phương pháp điều trị và sự tuân thủ của người bệnh. Sau khi bệnh nhân điều trị ổn định những cơn đau cấp thì cần duy trì điều trị giai đoạn sau đó. Vì phải điều trị bệnh trong một thời gian dài, chi phí cao, nên bệnh nhân cần mua bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình” - BS Phước khuyến cáo.
Cũng theo BS Phước, để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm thì cần phải thay đổi lối sống như: tăng cường các hoạt động thể lực, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý; giảm muối trong bữa ăn và nước ngọt; không sử dụng rượu, bia và thuốc lá. Những yếu tố nào thay đổi được thì nên thay đổi. Bên cạnh đó, người bệnh và người nhà cần tìm hiểu thêm các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe của các bệnh viện; tham gia các CLB người bệnh để được hướng dẫn cách tự phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh của cơn đau cấp để sơ cấp cứu, khám chữa kịp thời, tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh.
Sau khi điều trị ổn định các cơn đau cấp, cần tuân thủ chế độ theo dõi, tập luyện, chế độ dinh dưỡng. Thêm vào đó, cần tầm soát sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, can thiệp bệnh sớm.
Mai Liên