Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc chiến giữa Facebook và Chính phủ Úc

08:02, 21/02/2021

Ngày 18-2 vừa qua, Facebook làm nước Úc và cả thế giới bất ngờ khi cấm toàn bộ chia sẻ tin tức của nước Úc trên nền tảng của mình. Việc làm này được xem là trả đũa dự luật Media Bargaining (Thương lượng truyền thông) của Úc, theo đó các hãng công nghệ lớn phải trả tiền cho tin tức báo chí.

Ngày 18-2 vừa qua, Facebook làm nước Úc và cả thế giới bất ngờ khi cấm toàn bộ chia sẻ tin tức của nước Úc trên nền tảng của mình. Việc làm này được xem là trả đũa dự luật Media Bargaining (Thương lượng truyền thông) của Úc, theo đó các hãng công nghệ lớn phải trả tiền cho tin tức báo chí.

Trang của Cục Khí tượng Úc trên Facebook bị chặn, toàn bộ các bài đăng không được hiển thị (Ảnh chụp màn hình, đăng trên farmweekly.com.au ngày 18-2-2021)
Trang của Cục Khí tượng Úc trên Facebook bị chặn, toàn bộ các bài đăng không được hiển thị (Ảnh chụp màn hình, đăng trên farmweekly.com.au ngày 18-2-2021)

Sự việc nêu trên có thể được diễn giải một cách đơn giản như sau:

- Chính phủ Úc thấy rằng có nhiều tin tức của mình được đăng tải trên nền tảng Facebook. Người dùng Facebook xem các tin tức đó, nhờ vậy Facebook thu hút được các quảng cáo. Vậy nên Facebook phải trả tiền cho Chính phủ Úc mỗi khi có tin tức của nước Úc đăng trên nền tảng này.

- Facebook cho rằng việc đăng các tin tức trên nền tảng của mình là do các đối tác tự nguyện đưa lên chứ không phải Facebook chủ động xin đăng. Việc thu hút quảng cáo là có nhưng không đáng kể so với lợi ích của người dân Úc do được truyền bá thông tin.

* Tuyên bố của Facebook

Ngày 17-2, trên Newsroom của Facebook, William Easton, Giám đốc điều hành Facebook Úc & New Zealand đã có bài viết tuyên bố về việc hạn chế các nguồn đăng tin và người dân ở Úc chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức của Úc và quốc tế trên nền tảng Facebook.

Ông Easton cho rằng: Về cơ bản dự luật đã hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng Facebook và các nguồn đăng tin sử dụng nó để chia sẻ nội dung tin tức. Điều đó khiến Facebook phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: cố gắng tuân thủ luật bỏ qua thực tế của mối quan hệ này hoặc ngừng cho phép nội dung tin tức trên các dịch vụ của Facebook ở Úc. Và dù đau lòng, Facebook đã chọn vế sau.

Các nguồn tin sẵn sàng chọn đăng tin tức trên Facebook, vì nó cho phép họ bán được nhiều đăng ký hơn, tăng lượng người xem và tăng doanh thu quảng cáo. Ông Easton nhắc rằng Facebook đã nói rõ với Chính phủ Úc trong nhiều tháng, rằng việc trao đổi giá trị giữa Facebook và các nguồn đăng tin có lợi cho các nguồn đăng tin. Năm ngoái, Facebook đã tạo ra khoảng 5,1 tỷ lượt giới thiệu miễn phí cho các nguồn tin ở Úc, trị giá ước tính 407 triệu đô la Úc (AUD).

Đối với Facebook, lợi nhuận kinh doanh từ tin tức là rất ít. Tin tức chiếm ít hơn 4% nội dung mọi người xem trong Bảng tin của họ. Do vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi để các nguồn đăng tin đưa tin tức lên Facebook không phải vì mục đích kinh doanh là chính. Theo ông Easton, lý do là: Báo chí quan trọng đối với một xã hội dân chủ, đó là lý do tại sao chúng tôi xây dựng các công cụ chuyên dụng, miễn phí để hỗ trợ các tổ chức tin tức trên toàn thế giới đổi mới nội dung của họ cho khán giả trực tuyến.

Campbell Brown, Phó chủ tịch đối tác tin tức toàn cầu của Facebook, viết trong một bài đăng trên blog: “Trái ngược với những gì một số người đã nêu lên, Facebook không ăn cắp nội dung tin tức. Các nguồn tin chọn chia sẻ câu chuyện của họ trên Facebook.”

Những thay đổi đối với Chia sẻ và Xem tin tức trên Facebook ở Úc được ông Easton giải thích cụ thể như sau:

- Đối với các nguồn đăng tin của Úc: Họ bị hạn chế chia sẻ hoặc đăng bất kỳ nội dung nào trên Trang Facebook.

- Đối với các nguồn đăng tin quốc tế: Họ có thể tiếp tục đăng nội dung tin tức trên Facebook, nhưng khán giả Úc không thể xem hoặc chia sẻ các liên kết và bài đăng.

- Đối với cộng đồng Facebook ở Úc: Họ không thể xem hoặc chia sẻ nội dung tin tức Úc hoặc quốc tế trên Facebook hoặc nội dung từ các trang tin tức Úc và quốc tế.

- Đối với cộng đồng Facebook quốc tế: Họ không thể xem hoặc chia sẻ nội dung tin tức Úc trên Facebook hoặc nội dung từ các trang tin tức Úc.

Để người dùng Facebook tại Úc an tâm, ông William Easton nói rõ: Các thay đổi ảnh hưởng đến nội dung tin tức sẽ không thay đổi các sản phẩm và dịch vụ của Facebook tại Úc. Chúng tôi muốn đảm bảo với hàng triệu người Úc sử dụng Facebook để kết nối với bạn bè và gia đình, phát triển doanh nghiệp của họ và tham gia các nhóm để giúp hỗ trợ cộng đồng địa phương của họ, rằng các dịch vụ này sẽ không thay đổi.

* Hậu quả của lệnh cấm

Lệnh cấm đưa tin của Facebook đã phạm phải một số nhầm lẫn và hứng chịu chỉ trích từ nước Úc. Các dịch vụ cứu hỏa và cứu hộ khẩn cấp, tổ chức từ thiện chống bạo lực gia đình, cơ quan y tế nhà nước và các tổ chức khác cho biết họ cũng bị ảnh hưởng bởi các hạn chế, gây ra sự phẫn nộ trong số những người cho rằng Facebook đang hạn chế quyền truy cập thông tin quan trọng. Đáp lại, Facebook cho biết họ sẽ khắc phục tình trạng các trang “vô tình bị ảnh hưởng” bởi động thái của mình.

Một ngày sau đó, trang này đã được Facebook gỡ bỏ lệnh cấm (Ảnh chụp màn hình ngày 19-2-2021)
Một ngày sau đó, trang này đã được Facebook gỡ bỏ lệnh cấm (Ảnh chụp màn hình ngày 19-2-2021)

Thủ tướng Australia Scott Morrison viết trong một bài đăng trên trang Facebook cá nhân (trang này dường như không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm): “Những hành động này sẽ chỉ xác nhận những lo ngại mà ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ về hành vi của các công ty Big Tech, những người cho rằng họ lớn hơn chính phủ và các quy tắc không nên áp dụng cho họ. Họ có thể đang thay đổi thế giới, nhưng không có nghĩa là họ điều hành nó.”

Các quan chức cho biết động thái này diễn ra mà không có cảnh báo trước từ Facebook. Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 17-2: “Facebook đã sai”! Ông Frydenberg là người liên lạc chính giữa chính phủ và các công ty công nghệ về vấn đề này, trước đó đã gặp Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg để thảo luận về dự luật. Ông nói thêm: “Các hành động của Facebook là không cần thiết, chúng quá nặng tay và chúng sẽ gây tổn hại đến danh tiếng của Facebook tại Úc”.

Giáo sư Julie Leask, Khoa Y học và sức khỏe Đại học Sydney, nhận định rằng, trong tình hình lây lan đại dịch Covid-19 như hiện nay, tác động của việc cấm đoán này lại càng tồi tệ hơn. Ông nói: “Facebook kiểm duyệt nội dung anti vaccine “vì sức khỏe cộng đồng” cùng lúc với cấm người dùng tiếp cận tin tức địa phương trước đợt tiêm vaccine. Ba ngày trước khi tiến hành tiêm vaccine Covid-19, người dân Úc sử dụng Facebook làm nguồn tin chính đã không còn được tiếp cận thông tin đáng tin cậy về vaccine từ các tổ chức tin tức, cơ quan chính phủ, y tế, trong khi đúng ra đây phải là lúc người dùng được tiếp cận thông tin vaccine một cách dễ dàng”.

* Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Ngay sau quyết định quyết liệt chặn nội dung tin tức ở Úc của Facebook, các nhà lãnh đạo thế giới và các phương tiện truyền thông Úc đã chỉ trích Facebook và cáo buộc nó bắt nạt. Nhiều người dùng tuyên bố tẩy chay Facebook.

Giám đốc điều hành Facebook Úc & New Zealand William Easton bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai, Chính phủ Úc sẽ công nhận giá trị mà Facebook đã cung cấp và hợp tác để tăng cường, thay vì hạn chế, quan hệ đối tác của Facebook với các nguồn đưa tin. Ngày 19-2, Phó chủ tịch chính sách công của Facebook khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Simon Milner đã đưa ra lời xin lỗi vì đã vô tình xóa các trang do các tổ chức từ thiện, cơ quan chính phủ và cơ quan y tế địa phương của nước này điều hành và khôi phục các trang này lại như cũ.

Cũng trong ngày 19-2, nhà chức trách Úc đã tiến hành một cuộc đàm phán ngắn khoảng nửa tiếng với Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg tập trung vào vấn đề tìm ra cách thức tháo gỡ quyết định chặn thông tin trên mạng xã hội này đối với người dùng tại Úc. Tuy nhiên, để đi đến thỏa thuận cuối cùng vẫn cần nhiều cuộc đàm phán nữa, dự kiến sẽ tiếp tục vào cuối tuần này.

Ở một diễn biến khác, ngày 18-2, Canada tuyên bố đang tìm kiếm đồng minh trong cuộc chiến truyền thông với các gã khổng lồ công nghệ, và sẽ buộc Facebook trả tiền cho nội dung tin tức, cam kết sẽ không lùi bước nếu nền tảng truyền thông này chặn tin tức của nước mình như đã làm ở Úc.

Phạm Hoài Nhân (tổng hợp)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích