Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy (cán bộ Văn phòng UBND xã An Phước, huyện Long Thành) đang quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề trồng rau thủy canh công nghệ cao của Israel. Chị Thúy có niềm tin rằng rau sạch sẽ tiêu thụ tốt nếu biết phát triển thị trường đúng cách.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy (cán bộ Văn phòng UBND xã An Phước, huyện Long Thành) đang quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề trồng rau thủy canh công nghệ cao của Israel. Chị Thúy có niềm tin rằng rau sạch sẽ tiêu thụ tốt nếu biết phát triển thị trường đúng cách.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy (bên phải) giới thiệu sản phẩm rau thủy canh với khách hàng |
Hai ngày cuối tuần được nghỉ ở nhà, chị Thúy dành gần như toàn bộ thời gian cho khu vườn rau thủy canh rộng trên 250m2 của mình. Chị tỉ mỉ chăm sóc từng khay rau, thu hoạch và đóng gói rau giao cho khách hàng. Chị vui vẻ cho hay: “Nhìn những khay rau xanh mướt tôi như quên đi vất vả và có thêm niềm tin vào con đường khởi nghiệp mình đã chọn”.
* Khởi nghiệp bằng đam mê
Nói về cơ duyên khởi nghiệp với nghề trồng rau thủy canh theo công nghệ của Israel, chị Thúy cho biết, khi còn học phổ thông, chị đã được cô giáo môn Sinh học giới thiệu về công nghệ trồng rau thủy canh. Đây là công nghệ trồng rau sạch không cần đất, thay vào đó rau sinh trưởng bằng việc hấp thụ chất dinh dưỡng hòa trong nước sạch.
Bí thư Huyện đoàn Long Thành Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Thanh niên khởi nghiệp với công nghệ cao, trong đó có công nghệ trong nông nghiệp như chị Thúy ở xã An Phước vẫn còn ít. Một trong những khó khăn là vốn đầu tư phải lớn, hơn nữa kỹ năng khởi nghiệp còn là một hạn chế của thanh niên. Do đó, chúng tôi rất mong những mô hình khởi nghiệp như của chị Thúy được lan rộng ra trong thanh niên, đồng thời cần được sự hỗ trợ từ nhiều phía”. |
Trước khi chính thức khởi nghiệp với nghề này, chị Thúy đã đầu tư thời gian và công sức đi học hỏi công nghệ trồng rau thủy canh ở TP.Hồ Chí Minh và Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Hơn 2 năm trước, chị cũng đã tìm đến Trạm Khuyến nông huyện Long Thành nhờ hỗ trợ công nghệ trồng rau thủy canh. Bà Phạm Thị Minh Ngọc, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Long Thành cho biết: “Thấy chị Thúy có đam mê và quyết tâm nên ngoài hỗ trợ về kỹ thuật tôi còn giới thiệu cho chị đến tham quan một số vườn rau thủy canh tại phường Tam Phước (TP.Biên Hòa) học hỏi kinh nghiệm thực tế. Khi chị Thúy cần thêm thông tin gì tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ”.
Khi có được kiến thức ban đầu về công nghệ trồng rau thủy canh, chị Thúy lại phải giải bài toán về vốn đầu tư. Để trồng rau thủy canh, vốn đầu tư ban đầu cần khá lớn, bình quân trên 150 triệu đồng cho 100m2 đất vườn, bao gồm đầu tư dựng nhà kính, mua giàn giá thể trồng rau, hệ thống đường ống dẫn dưỡng chất, tưới phun sương… Bên cạnh đó, chị còn phải tính đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm sản xuất được.
Ông Nguyễn Văn Hồng, cha của chị Thuý cho biết: “Thấy con gái có quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề trồng rau thủy canh, tôi vừa ủng hộ nhưng cũng vừa lo lắng. Nếu con khởi nghiệp thất bại vốn sẽ “chìm” xuống vườn, những vật tư mua về phục vụ việc trồng rau chỉ có đường đem bán ve chai với giá rẻ mạt”. Tuy nhiên, ông Hồng vẫn quyết định “rót vốn” cho con gái bằng việc cho mượn 250m2 đất và 300 triệu đồng mua sắm vật tư về lắp đặt thành vườn trồng rau thủy canh. Ông Hồng bộc bạch: “Đầu tư là phải tính đến cả tình huống thành công lẫn thất bại, nhưng nếu tôi không cho con cơ hội thử sức thì coi như mình đã cắt đứt đam mê của con”.
* Chậm mà chắc
Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy nói: “Tôi ước mơ sau này sẽ phát triển vườn rau thủy canh của mình với diện tích lớn hơn nữa, vừa có thể sản xuất rau vừa phát triển mô hình du lịch trồng rau. Khách hàng có thể đăng ký một diện tích vườn nhất định để hằng tuần đến chăm sóc, khi rau tới kỳ thu hoạch có thể đến mang về nhà dùng trong bữa ăn của gia đình mình”. |
Miệt mài, tỉ mỉ chăm sóc vườn rau thủy canh của mình, chị Thúy cho hay, đến nay chị đã trồng được gần 10 loại rau khác nhau, trong đó có rau xà lách, cải ngọt, rau muống, cải cay, cải bó xôi… Bình quân từ 35-40 ngày chị Thúy đã có thể thu hoạch một lứa rau cải ngọt, cải bó xôi, trong khi rau muống hay rau xà lách chỉ cần 20-25 ngày kể từ khi gieo hạt là đã cho thu hoạch. Trong vườn rau của chị Thúy còn có cả những loài rau ăn lá mới như rau cải xoăn kale nhập hạt giống từ Mỹ bán được giá khá cao.
Trồng rau bằng công nghệ thủy canh có nhiều ưu điểm so với trồng rau dưới đất như: không dùng thuốc trừ sâu mà chủ yếu dùng sinh phẩm chế từ rượu và tỏi ngâm để trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu lớn nên giá rau đến bàn ăn của người tiêu dùng thường khá cao. Một kg rau xà lách trồng dưới đất chỉ có giá 30 ngàn đồng, nhưng 1kg rau xà lách trồng thủy canh có thể lên đến 65 ngàn đồng.
Để tìm được đầu ra cho sản phẩm, hằng ngày chị Thúy giới thiệu mô hình trồng rau thủy canh trên Facebook và Zalo của mình cho mọi người biết. Chị còn nhờ bạn bè share (chia sẻ) hình ảnh vườn rau thủy canh xanh mướt của mình lên trên Facebook của họ để nhiều người chú ý. Ngoài ra, chị còn được Đoàn thanh niên xã An Phước, Tam An và Huyện đoàn Long Thành giới thiệu giúp mô hình trồng rau lên trang Facebook của Đoàn nên ngày càng có nhiều người biết đến sản phẩm rau thủy canh của chị và đặt hàng mua sản phẩm.
Chị Thúy cho biết, với diện tích trên 250m2 vườn ban đầu thì chưa thể có lãi lớn, muốn thực sự có lãi lớn cần đầu tư diện tích lớn gấp 4 lần hiện tại và đầu ra sản phẩm phải ổn định. Tuy nhiên, chặng đường khởi nghiệp ban đầu chị không quá quan trọng chuyện lời lãi mà quan trọng hơn cả là vừa làm vừa hoàn thiện kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và khai phá thị trường. Với kỹ thuật rút ra được sau gần 2 năm khởi nghiệp bằng việc trồng rau thủy canh, chị Thúy dự kiến sẽ “gọi vốn” từ người thân để tăng diện tích trồng lên thêm 500m2 nữa vào đầu năm 2020.
Công Nghĩa