Với mục tiêu hướng đến người nghèo và chăm lo cho người nghèo, năm 2011 Trường trung cấp nghề Hòa Bình của Giáo phận Xuân Lộc được thành lập. 6 năm sau, ngày 1-9-2017, trường được nâng lên thành Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc.
Với mục tiêu hướng đến người nghèo và chăm lo cho người nghèo, năm 2011 Trường trung cấp nghề Hòa Bình của Giáo phận Xuân Lộc được thành lập. 6 năm sau, ngày 1-9-2017, trường được nâng lên thành Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc. Đây là trường dạy nghề đầu tiên và duy nhất hiện nay của cả nước do tổ chức Công giáo thành lập tại Đồng Nai.
Em K’Việt, dân tộc Mạ, quê Lâm Đồng trong giờ học thực hành với cô Nguyễn Thị Hạt, Khoa May thời trang. |
Đa phần học sinh, sinh viên của Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước nên nhà trường có nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ các em theo học. Hiện nay, nhà trường thu học phí nghề thấp hơn nơi khác, với mức 4 triệu đồng/năm. Các em được miễn phí chỗ ở nội trú, hàng tháng chỉ phải đóng tiền điện, nước. Nhà trường còn tổ chức nấu ăn cho học sinh, sinh viên với giá ưu đãi, hơn 10 ngàn đồng/suất. Các em học giỏi không phải đóng học phí.
TS.Trịnh Thanh Toản, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc, nói: “Đồng bào Công giáo ở Đồng Nai hồ hởi, phấn khởi vô cùng vì sự gắn bó chân tình giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào Công giáo. Chúng tôi rất hạnh phúc khi là người Đồng Nai. Từ khi nhà trường được thành lập đến nay luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương”. |
Không chỉ có học sinh, sinh viên là đồng bào Công giáo mới theo học tại trường mà có đến 18% học sinh, sinh viên của Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc không phải là người Công giáo. “Trường không phân biệt học sinh, sinh viên là người có đạo hay không có đạo, các em đến đây có ý thức học tập là tốt rồi” - linh mục Nguyễn Văn Uy, Trưởng ban Bác ái xã hội Caritas Giáo phận Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Hòa Bình Xuân Lộc, bộc bạch.
Hiện nay nhà trường có 9 khoa và 18 ngành nghề, đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên. Nếu như khóa đầu tiên nhà trường tuyển được 362 học sinh, thì hiện nay trường đang đào tạo hơn 2.300 học sinh, sinh viên. Các em sau khi tốt nghiệp đều có việc làm. Những nghề như: điện công nghiệp, may, mộc… đào tạo ra rất “đắt hàng”, không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Việc đào tạo của nhà trường có kết hợp chặt chẽ với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đồng thời nhiều học sinh, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp được chọn cử sang học tập nâng cao trình độ chuyên môn ở Trường đại học Taiken Nhật Bản. Hiện nay trường đang có hơn 100 em du học tại Nhật Bản. Ngoài học tập, Trường đại học Taiken còn tìm việc làm trong các doanh nghiệp tại Nhật Bản cho du học sinh của Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc với thời gian 28 tiếng/tuần để các em có thêm thu nhập.
Em K’Việt, dân tộc Mạ, quê ở tỉnh Lâm Đồng, học sinh khoa may thời trang, cho biết em đã học hết lớp 9 vì hoàn cảnh nghèo nên không tiếp tục học phổ thông được nữa. Sau khi được cha xứ giới thiệu, em đã tìm đến học tại Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc. Dù học xa nhà nhưng em luôn thấy vui vì có thầy cô bên cạnh. Thầy cô luôn tận tâm truyền nghề cho học sinh, cộng với tính kỷ luật nghiêm khắc của nhà trường, em hy vọng sau này trở thành người có tay nghề cao, dễ dàng tìm được việc làm ổn định, nuôi sống bản thân.
Phương Hằng