Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo hiểm y tế: Còn nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ (Bài 2)

06:10, 31/10/2016

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, là chỗ dựa chủ yếu của người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách quan trọng này thời gian qua  đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế…

[links()]Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, là chỗ dựa chủ yếu của người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách quan trọng này thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế…

* Bỏ dở điều trị vì phải trả 100%

Trước đây, người có thẻ BHYT đến khám bệnh trái tuyến tại các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa như: Bệnh viện y dược cổ truyền, da liễu, Bệnh viện và trung tâm răng hàm mặt, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản… chỉ phải trả thêm chi phí trái tuyến ít nhất là 10%. Thế nhưng  quy định mới của Thông tư số 40/2015/TT-BYT, từ ngày 1-1-2016  người dân khám trái tuyến tại các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa trên không được BHYT thanh toán, mà phải tự chi trả 100% chi  phí.

Phải chi trả 100% chi phí, Bệnh viện da liễu Đồng Nai chỉ còn vài bệnh nhân mỗi ngày
Phải chi trả 100% chi phí, Bệnh viện da liễu Đồng Nai chỉ còn vài bệnh nhân mỗi ngày

Ông Nguyễn Tiến Thịnh, 75 tuổi, cán bộ hưu trí (ở phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), bức xúc: “Thời gian qua tôi điều trị bệnh vẹo cột sống ở Bệnh viện Y dược cổ truyền. Mỗi tuần 3 lần đi kéo giãn cột sống, nhận thuốc… tôi chỉ phải trả khoảng 65 ngàn đồng/lần. Nay không được thanh toán trái tuyến, tôi phải trả 250 ngàn đồng/lần chữa trị. Nhà nước cần xem lại vấn đề này, vì sao cùng chế độ BHYT, nhưng nơi này được thanh toán, nơi kia thì không”.

Bà Phạm Thị Hoàng, 68 tuổi ở phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) cho biết, bà bị thoái hóa đốt sống cổ gây tê liệt 2 cánh tay. Mặc dù thẻ BHYT của bà Hoàng ở Bệnh viện đa khoa Biên Hòa, nhưng thời gian qua bà đến điều trị trái tuyến cũng ở Bệnh viện y dược cổ truyền và chỉ tốn chi phí hơn 100 ngàn đồng/tuần. Hôm đầu năm đi khám, bà được thông báo phải đóng gần 300 ngàn đồng cho lần trị bệnh. “Xương, khớp gần như là bệnh mãn tính của người già, lại phải điều trị lâu dài mà cứ đóng 100% thì chúng tôi chỉ có nước bỏ điều trị. Tôi muốn mua thêm một thẻ BHYT để vào bệnh viện này khám, thanh toán đúng tuyến nhưng không được”.

Cùng tâm trạng như ông Thịnh, bà Hoàng, chị Nguyễn Thị Ngọc Liên (công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam) phải bỏ dở điều trị bệnh vảy nến ở Bệnh viện da liễu Đồng Nai cũng chỉ vì phải trả 100% chi phí. Theo chị Liên, công ty mua BHYT cho công nhân ở một phòng khám đa khoa tư nhân. Nhưng do bệnh khó điều trị nên chị phải đi điều trị trái tuyến ở Bệnh viện Da liễu. Hiện nay, mỗi lần đi khám lấy thuốc chi phí hết 400-500 ngàn đồng, lương công nhân không theo được, chị Liên đành bỏ cuộc.

Nhận định về tình hình bệnh nhân đến chữa trị tại bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Văn Long, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai cho biết, từ khi áp dụng quy định mới, lượng bệnh nhân đến bệnh viện giảm 70-80%. Thực tế, số bệnh nhân chấp nhận chi trả 100% viện phí phần lớn là người già, người trị liệu phục hồi sau chấn thương. Vì vậy, áp dụng quy định của Thông tư 40 sẽ có nhiều trường hợp không đủ khả năng tự trả viện phí nên đành bỏ dở điều trị. Tương tự, bác sĩ Phạm Văn Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cho rằng, do là bệnh viện chuyên khoa nên hầu hết người bệnh đến khám là trái tuyến. Từ khi áp dụng Thông tư 40, đã có 90% bệnh nhân không đến chữa trị bởi chi phí các bệnh da liễu thường cao và kéo dài…

Cũng theo Thông tư 40, để đủ điều kiện là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, cơ sở y tế đó phải có ít nhất 2 khoa nội và khoa ngoại. Nhưng 2 bệnh viện trên lại là chuyên khoa da liễu và y học dân tộc nên không được xem là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu để người dân có thể lựa chọn khi mua BHYT.

Cấp cứu và chuẩn bị chuyển viện cho một bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất
Cấp cứu và chuẩn bị chuyển viện cho một bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất

Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết thông tư này đã gây khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn bệnh viện. Lượng bệnh nhân của 2 bệnh viện y dược cổ truyền và da liễu phần lớn là trái tuyến. Nay quy định không được khám trái tuyến, các bệnh viện này sẽ mất nguồn lớn bệnh nhân. Còn chờ các bệnh viện tuyến huyện chuyển viện thì rất khó vì bệnh viện nào cũng có khoa da liễu và y dược cổ truyền. Vì thế, quy định mới đã vô tình  hạn chế lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện chuyên khoa, trong khi đó là một nhu cầu có thực của người bệnh.

* Nỗi khổ chuyển tuyến

Lâu nay, vấn đề chuyển tuyến đối với người bệnh là một việc rất nhiêu khê. Nhiều người đã tử vong hoặc mất cơ hội vàng trong cấp cứu, bị tổn thương khó hồi phục do không được chuyển tuyến kịp thời vì vướng mắc trong thanh toán BHYT.

Thông tư 14 Bộ Y tế quy định: bệnh nhân  được xem là điều trị đúng tuyến khi có giấy chuyển tuyến ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến thấp nhất (tức là ở trạm y tế phường, xã). Theo thông tư này thì người bệnh muốn được hưởng BHYT thanh toán chi phí khám - chữa bệnh đúng tuyến phải có giấy chuyển viện từ tuyến xã lên  tuyến huyện rồi lên tỉnh và sau đó là tuyến cuối, tuyến trung ương. Nhưng nếu tự ý chuyển viện trái tuyến lên bệnh viện tuyến tỉnh hạng 1 và tuyến trung ương thì sẽ phải trả 100% chi phí.

Bên cạnh đó, có không ít  trường hợp, do muốn bảo vệ định suất BHYT của đơn vị mình, dù bệnh viện tuyến dưới không đủ điều kiện để chữa trị, nhưng vẫn tìm đủ mọi lý do để giữ người bệnh ở lại. Chỉ đến khi người bệnh nguy kịch thì bệnh viện tuyến dưới mới vội vã cho chuyển tuyến. Song hoặc đã quá muộn, hoặc phải mất thêm thời gian dài để điều trị vì bệnh quá nặng…người bệnh thiệt thòi.

Chị Cao Thị Bạch Nhung (ở xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) kể: “Chồng tôi bị nhồi máu cơ tim vào một phòng khám đa khoa tư nhân cấp cứu. Tại đây phòng khám xong rồi lập thủ tục cho chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trảng Bom. Qua một ngày theo dõi, thấy chuyên môn không đáp ứng được, các bác sĩ cho chuyển lên Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Tại đây, bác sĩ đã tiến hành can thiệp tim mạch gấp nhưng đã qua mất “thời gian vàng”. Tuy cứu được mạng sống, nhưng tỷ lệ phục hồi của chồng tôi rất thấp. Cũng chính vì muốn chuyển viện đúng tuyến để được thanh toán BHYT mà chồng tôi mất cơ hội điều trị sớm, bây giờ phải sống đời thực vật”.

Phản hồi về vấn đề bất cập trong chuyển tuyến của Thông tư 14 từ các địa phương, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đã ban hành thêm Thông tư 37 với quy định đơn giản hơn trong việc xin giấy chuyển tuyến. Có nghĩa, người bệnh không cần giấy chuyển viện từ tuyến đầu tiên là trạm y tế, chỉ có giấy chuyển viện từ một tuyến y tế nào đó chuyển lên tuyến trên trực tiếp, thì vẫn được xem là chuyển đúng tuyến.

Thế nhưng thực tế hiện nay tại Đồng Nai cũng như nhiều địa phương trong cả nước, BHXH vẫn thực hiện theo Thông tư 14, khiến người dân ngao ngán với sự nhiêu khê khi làm thủ tục xin giấy chuyển tuyến. Cuối cùng, mọi thiệt thòi vẫn đổ về phía người bệnh.

Phương Liễu

Bài 3:  Để người dân “mặn mà” với bảo hiểm y tế

 

Tin xem nhiều