Báo Đồng Nai điện tử
En

Hình ảnh người Thầy vẫn lung linh, đầy nhân văn cao cả

08:11, 19/11/2015

Khi đề cập đến nghề dạy học, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời"... 

TS. Bùi Quang Xuân

Khi đề cập đến nghề dạy học, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”... 

Trong tâm khảm của bất kỳ học trò nào thời xưa, thầy giáo là những con người cao quý thiêng liêng không ai được đụng đến, dù chỉ là cái tên. Hình ảnh những thầy cô giáo đã trở thành tấm gương sáng, chuẩn mực cho các thế hệ trẻ noi theo. Trong tâm tưởng của suốt tuổi thơ chúng ta, thầy cô giáo là những người vô cùng cao quý, vĩ đại.

​TS. Bùi Quang Xuân trong giờ lên lớp với tân sinh viên
​TS. Bùi Quang Xuân trong giờ lên lớp với tân sinh viên

Lịch sử giáo dục Việt Nam cũng đã ghi nhận công đức của biết bao người thầy tài năng, đức độ, cuộc sống thanh bần mà trong sáng như gương. Thầy Chu Văn An là một trong những tấm gương tiêu biểu của Bậc làm thầy xưa kia. Nhân dân luôn ca ngợi phẩm chất thanh cao tuyệt vời của ông và coi ông là người thầy vĩ đại. Cuộc đời của ông dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm thì bản chất luôn là một thầy giáo mẫu mực. Ông được đánh giá là nhà sư phạm toàn diện nhất trong lịch sử đất nước. Trong suốt cuộc đời hành nghề giáo dục, Chu Văn An đã dạy hầu hết các học sinh từ thấp đến cao, từ bình dân đến quý tộc. Còn ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông là người có tài năng siêu việt nhưng phẩm chất rất gần gũi và bình dị. Ông thường dạy học trò của mình đạo đức làm người và phê phán những thói hư tật xấu mà con người nên tránh.

Để giáo dục một con người trở thành người có cả tài lẫn đức thì cần lắm sự đức độ, thông thái của người thầy. Bởi, người thầy không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy cách làm người cho sinh viên.

Qua bao thịnh suy, thăng trầm của lịch sử, cuộc sống người thầy thời nay đã khá hơn lên. Đạo lý thầy - trò với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vẫn được bao thế hệ người Việt Nam chúng ta nâng niu, gìn giữ. Tình cảm ấy cao khiết vô cùng. Những ai đã chọn cho mình sự nghiệp gắn bó với bục giảng, với mái trường, đều không thể so tính thiệt - hơn. Nếu để cho bất kỳ phép tính nào hiện diện trong đời sống tinh thần của mình, người thầy sẽ không sao trụ lại nổi với nghề mà mình đã chọn..

Đại thi hào Nguyễn Du đã từng có câu nói bất hủ: “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, càng tìm hiểu sâu xa về tài và đức ta càng thêm hiểu các bậc tiền nhân rất coi trọng cái đức của con người. Điều này càng làm rõ hơn văn hóa của con người Việt Nam, luôn quan tâm đến nhân cách, đạo đức con người trước khi bàn về vấn đề cái tài của họ.  Do đó, để giáo dục một con người trở thành người có cả tài lẫn đức thì cần lắm sự đức độ, thông thái của người thầy. Bởi, người thầy không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy cách làm người cho sinh viên. “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được" [1]

Mục đích của giảng dạy là khơi dậy ở sinh viên sự tích cực, chủ động để sinh viên say mê học tập, khát khao tìm tòi cái mới, cái đẹp; có tâm hồn trong sáng, hướng thiện để xa rời thói hư, tật xấu. Khi giảng dạy, người thầy phải thể hiện sự nghiêm túc, phải nhiệt tình, giảng hết nội dung, không được cắt xén để nhằm mục đích dạy thêm. Nếu vấn đề học mang tính thương mại thì trước hết phẩm giá người thầy bị xem nhẹ, bị đem ra giao bán. Khi lên lớp, thầy giáo là người gợi mở, hướng dẫn sinh viên đi tìm những tri thức đang được che giấu trong lớp vỏ mỗi giáo trình để kích thích sự tìm tòi học hỏi của sinh viên. Từ đó, sẽ khuyến khích được sự tự học của sinh viên, ngăn ngừa sự ỷ lại vào thầy giáo. Để làm được điều này thì thầy giáo phải lấy lòng nhân ái mà cảm hóa sinh viên, lấy sự uyên thâm mà thu hút sự hiếu học của sinh viên. Bên cạnh đó, việc đánh giá, cho điểm cũng phải công bằng, khách quan, không vị nể, thầy phải vô tư, không thiên vị, thì mới tăng uy tín với sinh viên, nếu làm điều ngược lại thì sẽ tự đánh mất tư cách, uy tín của mình trước “sinh viên thân yêu”.

Thời bao cấp, những ai theo nghề dạy học thường nghèo sát đất. Những năm tháng ấy, ngoài tri thức, người thầy rất cần có tấm lòng. Giữ được lòng mình trong sáng, giữ được phẩm hạnh thanh cao chính là thử thách lớn lao đối với người thầy. Ngày nay, chúng ta có rất nhiều những thầy giáo giáo là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo. 

Thế nhưng, hiện nay lại đang tồn tại một thực trạng đáng lo ngại, đó là nhiều thầy, cô giáo không coi nghề dạy học là một sứ mạng cao cả mà chỉ thuần tuý là một phương tiện để kiếm tiền. Lại có trường hợp thu tiền của sinh viên, rồi để cho sinh viên thi rớt thành đậu. Đó không chỉ là việc làm vi phạm quy chế phòng thi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm giảm uy tín của ngành, của người thầy nói chung, mà còn ảnh hưởng đến việc giáo dục cho sinh viên ý thức tôn trọng pháp luật, cũng như việc giáo dục đạo đức làm người.

Giáo dục một con người không chỉ là trang bị cho họ một kiến thức tốt, vững vàng, mà phải làm cho con người đó có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, trang bị cho họ những kỹ năng, kỹ xảo cần thiết trong cuộc sống

Vẫn biết cuộc sống không chỉ có tinh thần, mà còn cần lắm những phương tiện vật chất. Tuy nhiên, nếu ai coi nghề giáo là nghề để làm giàu sẽ rất dễ sa ngã, sẽ không toàn tâm toàn ý với nghề. Họ sẽ biến giáo dục thành một hoạt động kinh doanh đổi chác. Nếu chỉ biết nhăm nhe giành giật chức quyền, bằng mọi giá phải cố kiếm được nhiều tiền, thì đừng nên bước chân vào môi trường giáo dục và đừng bao giờ đóng vai nhà giáo, gieo vào môi trường giáo dục không ít hệ lụy. Sự thay đổi của đời sống xã hội và biến động của cơ chế thị trường đã để lại. Hay nói một cách khác, sự xuống cấp đạo đức của một số thầy giáo có thể coi là một hệ quả trong xu hướng chung của toàn xã hội. Điều này, khiến cho bao công lao của người thầy bị phủ nhận.

Nói về nỗi đau nhân tình thế thái của chính các thầy viết ra trước sự xuống cấp về đạo đức ở một bộ phận học sinh, tiêu biểu như bài “Xa lạ” của nhà giáo, nhà thơ Đặng Hiển, đã nêu hiện tượng một học sinh khi công thành danh toại, tình cờ gặp lại thầy giáo cũ, đã lờ đi không chào, cứ như người ở Hoả tinh rớt xuống [2] :

                                           Vì sao ánh mắt em nhìn

                                  Như người xa lạ gặp trên xe tàu?

                                    … Hay là em mãi bước lên

                                 Trường xưa lớp cũ lỡ quên nhớ về?

                                                                                      (Xa lạ)

Trong khi đó, lại có những học trò khi đã làm nên, có chức trọng quyền cao, có xe du lịch đời mới, vẫn thường xuyên tới thăm thầy giáo cũ. Và khi đã nghỉ hưu rồi vẫn đạp xe cọc cạch tới thăm thầy:

                                           Năm nay em nghỉ hưu rồi

                                 Đạp xe một quãng đường chơi thăm thầy

                                     … Ghế sang ngồi chỉ một thời

                                 Tránh sao xanh cỏ về nơi vĩnh hằng.

                                                                  (Với thầy giáo cũ -  Phạm Đình Ân)

Rồi giây phút ấy cũng qua mau, mọi ưu phiền sẽ khỏa lấp, bởi lòng yêu nghề và bầu nhiệt huyết không bao giờ vơi cạn.

Một người công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm; một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình nhưng, một người giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau. Vì lẽ đó, mỗi thầy giáo cần phải là tấm gương tốt cho sinh viên noi theo. Để làm được điều đó, thì mỗi chúng ta, ngay từ bây giờ phải xác định lại vị trí của mình, phải sống vị tha, yêu thương con người, phải xây dựng mối quan hệ, tình cảm tốt đẹp giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò và giữa thầy với gia đình sinh viên. Thầy phải là người được đào tạo bài bản, phải là người đủ tâm, tài, đức để lèo lái con thuyền tương lai đi đúng hướng, đến bến bờ vinh quang. Người thầy phải vượt qua mọi khó khăn về vật chất để làm tốt công việc của mình. Trong cuộc sống này, điều quan trọng nhất là làm sao để tất cả mọi người đều được hạnh phúc và nghề giáo đã mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng ta.

Nghề giáo lại đặc biệt, đặc biệt ở chỗ không chỉ mang lại cho chúng ta tri thức mà cả vốn sống, cả nhân cách nữa! Giáo dục một con người không chỉ là trang bị cho họ một kiến thức tốt, vững vàng, mà phải làm cho con người đó có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, trang bị cho họ những kỹ năng, kỹ xảo cần thiết trong cuộc sống. Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác. [3]

Để “thầy xứng đáng là thầy” và phát huy được vai trò của mình một cách tích cực thì hơn ai hết chúng ta phải biết kính trọng thầy. Bởi, trong hành trang vào đời của mỗi người, dù ở cương vị nào thì hình ảnh người thầy vẫn lung linh, đầy nhân văn cao cả.  Lấy lời Anh hùng Dân tộc Quang Trung Đại đế làm thông điệp cho thầy và trò của chúng ta nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Xây dựng đất nước phải lấy dạy học làm đầu, tìm lẽ trị bình lấy tuyển nhân tài làm gốc[4]

B.Q.X

-----------

[1] Usinxki- Nhà giáo dục Nga

[2] Nhà văn Phong Điệp- TẢN MẠN VỀ NGHỀ GIÁO

[3] Usinxki- Nhà giáo dục Nga

[4] Hoàng đế Quang Trung


 

 

Tin xem nhiều