Báo Đồng Nai điện tử
En

Vợ thành đạt, chồng có bị lép vế?

08:07, 29/07/2013

Câu hỏi được thạc sĩ Bùi Thị Thu Trang (Trường Cán bộ phụ nữ TP.Hồ Chí Minh) đặt ra trong một buổi nói chuyện mới đây về vấn đề bình đẳng giới đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Câu hỏi được thạc sĩ Bùi Thị Thu Trang (Trường Cán bộ phụ nữ TP.Hồ Chí Minh) đặt ra trong một buổi nói chuyện mới đây về vấn đề bình đẳng giới đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Có mặt tại buổi nói chuyện, người thì cho rằng: “Vợ mình giỏi, mình tự hào, sao lại cảm thấy bị lép vế!”.  Người lại nói: “Sống trong cái bóng hào quang của vợ, lắm khi cũng... nhục!”.

* Khi vợ là... sếp

Thực hiện cuộc phỏng vấn bỏ túi với một số đấng mày râu có vợ thành đạt hơn, trình độ học vấn cao hơn và địa vị xã hội cao hơn..., chúng tôi ghi nhận tâm trạng của các ông cũng rất khác nhau. Có quý ông cảm kích trước sự thành đạt của vợ, tỏ ra “tâm phục, khẩu phục”, thường động viên và tạo điều kiện thuận lợi để vợ tiếp tục phát huy sở trường, đồng thời bản thân cũng cố gắng nâng cao trình độ cho cân xứng với bà nhà. Có ông ủng hộ khi vợ  được thăng tiến và cảm thấy “sướng tai” khi người ta khen vợ mình giỏi giang, nhưng vẫn “thòng” theo điều kiện: “Về nhà mọi mệnh lệnh và công việc cơ quan phải để lại ngoài cửa”. Có người lại tỏ ra khó chịu, “bất hợp tác” với các quyết định của vợ, chỉ vì... bà ấy “hơn mình cái đầu” để tỏ uy quyền của người đàn ông. Có ông lại chọn kiểu sống vô tư: Việc ai nấy làm, không can thiệp vào “công việc nội bộ” của nhau.

Phụ nữ thời nay không ít người thành đạt bằng chính nỗ lực của mình. (ảnh mang tính minh họa).
Phụ nữ thời nay không ít người thành đạt bằng chính nỗ lực của mình. (ảnh mang tính minh họa).

Thạc sĩ Thu Trang cũng đã đưa ra kết quả khảo sát 200 gia đình có vợ làm sếp (từ chức trưởng phòng trở lên) và tổng hợp được có 3 điều ở người vợ thành đạt khiến quý ông, quý anh “ngán nhất”. Một là, các bà đã dành quá nhiều thời gian cho sự nghiệp, phó mặc mọi việc cho người giúp việc khiến không khí gia đình lạnh lẽo, thiếu sự gắn kết. Sự vắng mặt nhiều của các bà trong gia đình khiến các ông chồng  và những đứa con có cảm giác bị “bỏ rơi”.

Kiến thức và sự cố gắng hàng ngày của người chồng sẽ khiến người vợ cảm phục. Những thế mạnh của người đàn ông cùng sự động viên, chia sẻ trong những lúc khó khăn sẽ xóa nhòa những lằn ranh vô hình, giúp vợ chồng vươn đến những mục tiêu quan trọng hơn. Vợ - chồng, vai trò của mỗi người không thể thiếu trong hành trình xây dựng hạnh phúc và phát triển sự nghiệp của mỗi gia đình.

Thứ hai, các ông thừa nhận các bà vợ thành đạt thường giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm, giàu kiến thức và kiếm ra tiền nhiều hơn... nên thường quyết đoán hơn. Khi quản lý kinh tế gia đình, các bà kiêm luôn vai trò làm chủ và cho phép mình “tổng chỉ huy” mọi việc trong gia đình. Đây là sự khó chịu lớn nhất của các ông khi bị “soán ngôi”, dẫn đến vợ chồng mất dần tiếng nói chung.

Thứ ba, ở một số người vợ có địa vị cao ngoài xã hội, thường sử dụng uy quyền và mệnh lệnh đối với cấp dưới, nét mềm mại, nữ tính vì thế cũng... bay đi ít nhiều. Những lời nói âu yếm, dịu dàng với chồng, con thưa dần, thậm chí còn bị “hành chính hóa”...

* Vẫn có thể hài hòa

Người xưa có câu: “Chồng khôn vợ được đi hài, vợ khôn chồng được có ngày cậy trông”. Chúng tôi đem chuyện “vợ khôn chồng được có ngày cậy trông” trò chuyện với anh Võ Hoàng Khai, Giám đốc Trung tâm phần mềm (Sở Khoa học - công nghệ) - khi vợ anh, chị Nguyễn Thị Hoàng đường đường là sếp trên của anh với chức vị Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, anh chia sẻ: “Vợ giỏi, được cậy trông nhiều điều lắm chứ! Cậy trông đây không phải về tiền bạc, về vị thế “ông xã” của phó giám đốc mà là cách cô ấy quản lý gia đình rất khoa học và cách thức nuôi dạy con cái cũng rất chuyên nghiệp, mọi vấn đề phát sinh trong đời sống, cô ấy giải quyết rất năng động. Chính vì thế tôi luôn tạo mọi điều kiện cho vợ phát huy năng lực bản thân”. Khi  chị Hoàng đi học 18 tháng ở nước ngoài, anh Khai ở nhà vừa làm tốt công việc cơ quan, vừa lo toan gia đình với 2 đứa con nhỏ mà chẳng thấy mình... lép vế.

Chị Nguyễn Thị Hoàng (phải) trao đổi công việc cùng một nữ kỹ sư ươm lan giống tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai.
Chị Nguyễn Thị Hoàng (phải) trao đổi công việc cùng một nữ kỹ sư ươm lan giống tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai.

Còn chị Huỳnh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mai Chi, chuyên kinh doanh vận chuyển, bến bãi ở phường An Bình (TP. Biên Hòa) tâm sự: “Là một nữ giám đốc, tôi thấy chỉ riêng hoàn thành tốt công việc công ty thôi cũng đã mệt lắm rồi. Nhưng là phụ nữ, tôi vẫn đặt gia đình làm gốc. Bởi gia đình và sự nghiệp là hai thứ đều cần với một phụ nữ.  Sự thành đạt trong xã hội cho người phụ nữ kỹ năng tổ chức gia đình và nuôi dạy con cái tốt hơn; còn gia đình có hạnh phúc thì người phụ nữ mới an tâm công tác. Tuy nhiên, dù thành đạt hơn chồng thì điều cần ở người vợ vẫn là cách ứng xử khéo léo trong gia đình, đặc biệt với ông xã”.

Mâu thuẫn giữa gia đình và sự nghiệp - ở cả hai giới - lúc nào cũng có; quan niệm “chồng thấp, vợ cao” chưa phải đã thôi sóng gió... Nhưng theo thạc sĩ tâm lý Lê Minh Công (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai), trong thời đại mới, người chồng cần xác định sự thành công của vợ là lẽ đương nhiên. Điều đó sẽ giúp người chồng cởi bỏ được rào cản tự ti để luôn phấn đấu, học tập và hoàn thiện mình.

Phương Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều