Việc đảm bảo cho trên 34,3 ngàn người khuyết tật (NKT), gia đình có thành viên là NKT có cuộc sống từ mức trung bình trở lên là nhiệm vụ được tỉnh Đồng Nai chú trọng thực hiện.
Đại diện Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) trao bảng tượng trưng số xe lăn cho đại diện các đơn vị tại Đồng Nai. Ảnh: S.Thao |
Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc thực hiện các chế độ, chính sách dành cho NKT, Đồng Nai còn huy động được sự chung tay, quan tâm của cộng đồng để cùng chăm lo cho NKT.
Đảm bảo đúng - đủ - kịp thời chế độ
Thời gian qua, NKT tại Đồng Nai được đảm bảo thụ hưởng đúng - đủ - kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước.
Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Mộng Thu cho hay, trung bình mỗi năm, ngân sách tỉnh chi trợ cấp cho NKT khoảng 150-180 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khi các chính sách dành cho người hưởng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT, thay đổi thì Đồng Nai cũng chủ động điều chỉnh cho kịp thời.
Như mới đây, tỉnh đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng khó khăn hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Với nghị quyết này, nếu trước đây mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội của Trung ương áp dụng là 360 ngàn đồng thì nay tăng lên 500 ngàn đồng. Mức chuẩn này nhân với hệ số tương ứng với mức độ khuyết tật theo quy định sẽ thành giá trị mà NKT được thụ hưởng.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đảm bảo thực hiện đúng chế độ dành cho người đang hưởng trợ cấp xã hội, chính sách trợ giúp xã hội, trong đó có NKT, thể hiện tính nhân văn và kịp thời quan tâm đến đời sống của những người gặp hoàn cảnh kém may mắn.
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai đồng bộ và đầy đủ các chính sách về y tế, giáo dục, hỗ trợ đi lại… dành cho NKT. Đồng thời, tỉnh rà soát các trường hợp NKT phát sinh đủ điều kiện hưởng trợ cấp của Nhà nước; NKT đã qua đời hoặc chuyển đi nơi khác sinh sống cũng được tỉnh cập nhật thường xuyên nhằm không bỏ sót người thụ hưởng chính sách.
Cùng với NKT tại cộng đồng, NKT tại các cơ sở bảo trợ xã hội cũng được đảm bảo thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định. Cụ thể, tỉnh hiện có 15 cơ sở trợ giúp xã hội (gồm: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và 14 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập). Sự nỗ lực của các cơ sở đã góp phần chung tay cùng Nhà nước thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho gần 1,4 ngàn người, trong số này có 157 NKT và 359 người tâm thần.
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hoàng Vĩnh Quang cho hay, đơn vị đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 342 trường hợp, trong số này có 28 NKT, 204 người bệnh tâm thần. Tùy theo dạng tật mà mỗi trường hợp nuôi dưỡng tại trung tâm được tạo điều kiện cho đi học hòa nhập từ độ tuổi tuổi mẫu giáo và tiếp tục học lên đến cấp đại học.
Nhiều hoạt động xã hội hướng về người khuyết tật
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, Đồng Nai trao khoảng 1 triệu phần quà Tết, hỗ trợ Tết cho gia đình chính sách, người nghèo, hộ cận nghèo và những hoàn cảnh khó khăn. Trong số này, khoảng 800 hội viên Hội Người mù tỉnh, hơn 40 ngàn NKT nằm trong danh sách ưu tiên nhận quà. Ngoài ra, những dịp lễ lớn của đất nước, lễ trọng của các tôn giáo, NKT nằm trong danh sách được nhận quà.
Đáng chú ý, ngoài những phần quà mang yếu tố tức thời, Đồng Nai còn xây dựng những chương trình hỗ trợ NKT trong thời gian dài từ nguồn lực cộng đồng.
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện, một trong những nhóm đối tượng được hội chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh hướng đến trợ giúp là NTK. Nội dung này được đẩy mạnh trong năm 2024 với chủ đề: Hành trình nhân đạo - trao nhận yêu thương dành cho NKT. Qua đó, nhiều hoạt động gắn với nội dung này đã được triển khai đồng loạt tại các địa phương gắn với xây dựng mái ấm nhân đạo, trợ cấp hàng tháng, hàng quý cho các địa chỉ nhân đạo là NKT…
Hàng năm, Câu lạc bộ Hỗ trợ NKT vươn lên thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai trao vốn hỗ trợ cho hàng chục NKT. Nguồn vốn được chia làm 2 thành phần gồm: vốn vay có thời hạn và vốn không hoàn lại cho gia đình NKT hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi trường hợp được nhận suất vay 10 triệu đồng từ nguồn quỹ của CLB do các thành viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đóng góp.
Tương tự, theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Mai Văn Nhỏ, mỗi năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và cấp huyện đều tổ chức trao vốn trợ giúp NKT tự tạo việc làm theo khả năng lao động. Bình quân mỗi tổ chức hội cấp xã hỗ trợ từ 2-5 trường hợp. Số tiền từ 2-20 triệu đồng, có thời điểm số vốn này cao hơn tùy thuộc vào nhu cầu cũng như khả năng cho vay. Điều này góp phần giúp NKT có thêm điều kiện để tự tạo thu nhập trong cuộc sống.
Cùng với đó, thông qua công tác đối ngoại nhân dân, Đồng Nai còn huy động được nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, trong đó có hướng đến NKT. Như Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng Hội Trợ giúp NKT Việt Nam tổ chức sửa chữa, xây mới nhà vệ sinh cho 145 gia đình có thành viên là NKT, mỗi công trình có giá trị từ 40-50 triệu đồng. Hay Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh kết nối Công ty TNHH Hyosung Việt Nam tài trợ 100 xe lăn cho NKT với tổng kinh phí 300 triệu đồng…
Văn Truyên
Bà NGUYỄN THỊ KIỀU MỘNG THU (ngụ xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) là một trong những trường hợp thụ hưởng từ Dự án Tăng cường khả năng tiếp cận nhà ở an toàn, chất lượng, giá cả phải chăng cho các đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương do Công ty Samsung C&T Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức Habitat for Humanity International. Bà Thu cho hay, thông qua dự án, gia đình bà được hỗ trợ kinh phí để xây dựng căn nhà kiên cố. Đây là điều mà gia đình có thành viên là NKT như bà rất vui mừng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin