Số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang tiếp tục gia tăng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, không ít trường hợp đã mắc SXH đến lần thứ 3, thứ 4, đang được điều trị tại bệnh viện.
Bé trai 14 tuổi (ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) bị sốt xuất huyết lần thứ 4, được bác sĩ thăm khám, hướng dẫn điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark. Ảnh: H.DUNG |
Bệnh nhân mắc SXH nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến sốc SXH, đe dọa sức khỏe và tính mạng.
Vợ chồng cùng chăm các con bị sốt xuất huyết
Chị L.T.H., ngụ khu phố 3, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom cùng chồng đang chăm sóc 2 con bị bệnh SXH tại Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark.
Chị H. cho biết, 2 ngày trước khi nhập viện, ở nhà các con có triệu chứng sốt cao liên tục, cứ 4 tiếng thì sốt một đợt, người mệt mỏi, đau đầu nhiều, không chịu ăn. Gia đình cho các con uống thuốc hạ sốt nhưng không bớt. Thấy các con có biểu hiện giống bệnh SXH nên vợ chồng chị H. đưa con đến bệnh viện khám.
Lịch tiêm vaccine SXH gồm 2 liều, cách nhau 3 tháng. Hiệu quả bảo vệ của loại vaccine này khoảng 80%, thời gian lên đến 4-5 năm.
Kết quả xét nghiệm máu của 2 con chị H. cho thấy, 1 cháu bạch cầu giảm, 1 cháu tiểu cầu giảm hơn so với mức bình thường. Ngày thứ 2 điều trị, các cháu vẫn còn sốt nhiều, buồn nôn, nôn ói, đau đầu, đau nhức cơ thể.
Chị H. cho biết, con gái chị bị SXH lần đầu tiên nhưng con trai lớn đã bị SXH đến lần thứ 4. Cháu mắc SXH lần đầu năm 5 tuổi, tiếp đó là 7 tuổi, 9 tuổi và đến nay 14 tuổi. Mỗi lần đều có biểu hiện giống nhau nhưng lần này cháu kêu đau nhức cơ thể nhiều hơn.
Chị H. nghi ngờ các con đi học thêm hoặc ra ngoài đường chơi bị muỗi cắn vì khu vực quanh nhà chị khá sạch sẽ, trong nhà cũng không có muỗi. Tuy nhiên, vì nghĩ không có muỗi nên ban đêm khi đi ngủ, nhà chị H. không mắc mùng.
Một trường hợp khác cũng đang điều trị bệnh SXH tại bệnh viện là anh N.V.T., 32 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa. Anh T. cho biết, đây là lần thứ 2 anh bị SXH, lần nào bị bệnh người cũng mệt rũ rượi, không muốn ăn uống gì, chỉ cố gắng uống thật nhiều nước lọc và nước điện giải. Đến ngày thứ 6, anh T. có các nốt đỏ trên da, báo hiệu bệnh tình thuyên giảm.
Anh T. chia sẻ, anh có thói quen không mặc quần áo dài tay khi ở nhà. Sau khi anh bị bệnh, ở nhà vợ mới ra vườn đổ hết các dụng cụ chứa nước có lăng quăng, mua mùng về mắc ở phòng của 2 vợ chồng và các con nhỏ.
Dấu hiệu bệnh trở nặng
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Phan Thu Lệ, Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark, cho biết tùy vào từng giai đoạn của bệnh SXH mà bệnh nhân sẽ có những biểu hiện khác nhau. Biểu hiện dễ nhận biết nhất là sốt cao liên tục khó hạ, nhức đầu, mỏi cơ, chán ăn, mệt mỏi, đau bụng. Giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 một số trường hợp bệnh nặng có thể vào sốc. Bệnh nhân giảm sốt nhưng tay chân lạnh, mạch nhanh, nhẹ, khó bắt, huyết áp tụt, ói nhiều, đau bụng nhiều, người mệt mỏi hơn so với những ngày đầu bị bệnh. Bệnh nhân có thể bị rối loạn đông máu, suy tạng. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
“Những người bị SXH từ lần thứ 2 trở đi dễ bị sốc SXH hơn những người bị lần đầu. Ngoài ra, những người béo phì, thừa cân, có nhiều bệnh nền cũng là các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến sốc SXH” - bác sĩ Lệ lưu ý.
ThS-BS Trần Lê Duy Cường, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận rải rác một số trường hợp bị sốc SXH. Với kinh nghiệm lâu năm cùng các trang thiết bị, máy móc, đầy đủ thuốc men, các bệnh nhân đều được điều trị khỏi.
“Hiện đang là mùa bệnh SXH nên các y, bác sĩ trong khoa luôn trong tư thế sẵn sàng để điều trị những ca bệnh nặng. Với các trường hợp sốc SXH, đặc biệt những bệnh nhi bị béo phì, thể trạng yếu, việc điều trị kéo dài và khó khăn. Do vậy, phụ huynh khi thấy con có các triệu chứng của bệnh SXH cần đưa con đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt” - bác sĩ Cường nhấn mạnh.
Trong suốt thời gian điều trị SXH, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước lọc. Người bệnh có thể uống Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau nhưng tuyệt đối không uống Aspirin hoặc Ibuprofen vì 2 thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết. Việc sử dụng thuốc cần theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Các bác sĩ cũng như người dân cũng đang rất mong trong tháng 9 tới đây, vaccine phòng bệnh SXH sẽ về Việt Nam. Vaccine Qdenga ngừa SXH do Takeda sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ ngày 15-5. Đây là vaccine ngừa SXH đầu tiên được lưu hành tại Việt Nam.
Vaccine Qdenga có thể bảo vệ chống lại cả 4 type huyết thanh của virus dengue, gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vaccine được chỉ định để phòng ngừa bệnh SXH ở những người từ 4 tuổi trở lên, đặc biệt ở những khu vực có bệnh SXH lưu hành. Người tiêm vaccine không cần phải làm xét nghiệm trước đó để xác định tình trạng nhiễm hay không nhiễm với siêu vi Dengue.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin