Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội: Quy định có nhưng xử lý khó:
Bài 2: Ngược xuôi đòi quyền lợi

An Nhiên
08:16, 18/07/2024

Mấy năm qua, nhiều doanh nghiệp giải thể, giảm việc khiến không ít người lao động (NLĐ) gặp khó khăn trong cuộc sống khi mất việc, giảm hoặc không còn thu nhập. Song, vất vả hơn là tình trạng quyền lợi, chế độ trợ cấp, chính sách của NLĐ bị “treo” lại do doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhiều năm liền.

Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh), luật sư Vũ Ngọc Hà tư vấn pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho người lao động tại một khu nhà trọ thuộc phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Ảnh: C.T.V
Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh), luật sư Vũ Ngọc Hà tư vấn pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho người lao động tại một khu nhà trọ thuộc phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Ảnh: C.T.V

Quyền lợi có, nhưng chỉ để… ngó

Một trong những quyền lợi hợp pháp, chính đáng mà NLĐ được hưởng sau khi ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp là chế độ về BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài, thậm chí cố tình chây ì, khiến quyền lợi của NLĐ bị thiệt thòi.

Thực tế những năm qua, rất nhiều NLĐ đã phải vất vả, ngược xuôi đi đòi quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình. Bởi khi doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, NLĐ không được thanh toán các quyền lợi như: chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; nghỉ việc không chốt được sổ nên không được nhận trợ cấp thất nghiệp; thậm chí tới tuổi nghỉ hưu cũng không được giải quyết chế độ hưu trí…, khiến cuộc sống của nhiều người càng thêm bấp bênh.

Sau nhiều năm gắn bó với Công ty CP L-4 (ở xã Long An, huyện Long Thành), ông T.V.H. đã quyết định nghỉ việc vì càng làm càng chẳng thấy quyền lợi đâu. Tính tới ngày 30-6-2024, công ty này nợ BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ trong công ty tới 93 tháng với số tiền hơn 45,3 tỷ đồng.

Ông H. cho biết, đã sắp đến tuổi về hưu, ông muốn nghỉ sớm để hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cũng vừa đến tuổi hưu thì nghỉ. Tuy nhiên, do công ty nợ BHXH nên ông không được chốt sổ BHXH. Theo ông H., hiện nhiều NLĐ trong công ty cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài.

Thực tế, không ít chủ doanh nghiệp hàng tháng vẫn trừ tiền BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ nhưng không nộp về cơ quan BHXH. Điều này dẫn đến NLĐ không được hưởng các chế độ trợ cấp, ốm đau, thai sản.

Chị P.T.H. (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa), công nhân một công ty may mặc ở phường Trảng Dài, cho biết năm 2023, chị sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, khi chuẩn bị xuất viện thì nhân viên y tế yêu cầu chồng chị đóng viện phí với số tiền gần 10 triệu đồng. 

“Chồng tôi thắc mắc thì được nhân viên BHXH tại bệnh viện giải thích rằng BHYT của tôi đã hết giá trị sử dụng do doanh nghiệp nợ BHYT quá 30 ngày. Cụ thể, công ty tôi làm đang nợ tới 49 tháng BHXH, BHYT, BHTN. Ngoài không được Quỹ BHYT thanh toán viện phí, chế độ trợ cấp thai sản của tôi cũng không được hưởng. Đúng là thiệt đơn thiệt kép” - chị H. cho hay.

Còn chị N.T.M. (ngụ phường Trảng Dài) từng làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa) từ năm 2017. Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2021, chị M. xin nghỉ việc và liên hệ công ty để chốt sổ BHXH.

“Lãnh đạo công ty nói tôi tự đến BHXH tỉnh để làm. Khi đến BHXH tỉnh làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp thì được thông báo công ty nợ BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 8-2018. Quay về công ty để hỏi cho rõ thì họ bảo tôi chờ giải quyết. Sau đó, bộ phận nhân sự làm việc với tôi bị thay đổi người liên tục, những người sau không nắm thông tin gì. Đến nay, tôi nghỉ việc đã hơn 3 năm mà công ty vẫn chưa giải quyết cho tôi nên tôi không thể tiếp tục đóng BHXH ở công ty mới” - chị M. chia sẻ.

Năm 2023, BHXH tỉnh đã gửi 39 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra (trong đó: 8 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN; 29 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN; 2 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 215 về tội gian lận BHYT. Tuy nhiên, chỉ có 3 hồ sơ đã được khởi tố theo Điều 214. Còn những vụ kiện cá nhân NLĐ, nhiều vụ được xử thắng kiện nhưng vẫn không thi hành án được khiến quyền lợi của NLĐ tiếp tục bị treo.

Thắng kiện, quyền lợi cũng vẫn bị treo…

Khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN ra tòa là bước đi cuối cùng mà NLĐ phải thực hiện để đòi lại quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình. Thế nhưng, ngay cả khi thắng kiện, quyền lợi của NLĐ vẫn chưa chắc được giải quyết.

Ông P.X.H. (ngụ phường Xuân Tân, thành phố Long Khánh) đã nghỉ việc tại Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam (đóng tại phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) gần 2 năm nhưng vẫn chưa được chốt sổ BHXH do công ty đang nợ 58 tháng BHXH với số tiền hơn 40 tỷ đồng (tính đến ngày 30-6-2024). Để đòi lại quyền lợi cho mình, năm 2023, ông H. và nhiều công nhân khác của công ty đã làm đơn khởi kiện chủ doanh nghiệp ra tòa. Tháng 2-2024, Tòa án nhân dân thành phố Long Khánh đã tuyên ông H. thắng kiện. Quyết định của tòa án cũng được chuyển qua cơ quan thi hành án thành phố, nhưng đến nay đã gần 5 tháng vẫn không thấy động tĩnh gì.

Theo ông H., trong thời gian nghỉ việc, ông không được nhận trợ cấp thất nghiệp, không có BHYT, không có bất kỳ quyền lợi nào theo quy định cũng chỉ vì công ty nợ BHXH. Cuối năm 2023, ông bị bệnh phải điều trị hết cả chục triệu đồng nhưng phải tự vay mượn để trả viện phí. Nay sức khỏe ổn định, ông tìm được việc mới cũng không được đóng BHXH tiếp nối vì công ty cũ không chốt sổ do đang nợ BHXH.

“Khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, NLĐ vất vả chạy đi chạy lại nhiều lần. Thế nhưng, ngay cả khi được tòa xử thắng kiện, quyền lợi của tôi vẫn bị treo lại thì cũng coi như… thua. Vậy bản án cũng như trách nhiệm thi hành án của các cơ quan thực thi pháp luật không có giá trị gì sao?” - ông H. thắc mắc.

Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh), luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết, pháp luật có quy định NLĐ được quyền khởi kiện doanh nghiệp ra tòa khi quyền lợi hợp pháp và chính đáng bị xâm phạm. Thế nhưng, thực tế việc khởi kiện doanh nghiệp ra tòa cũng như cơ quan tố tụng thụ lý đơn kiện của NLĐ lại không hề dễ dàng.

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, để khởi kiện được một doanh nghiệp phải qua nhiều khâu, thủ tục hành chính phức tạp và kéo dài, phải trải qua 3 lần hòa giải không thành, tòa án mới thụ lý đưa ra xét xử. Có khi một công ty cả ngàn NLĐ, mỗi người một đơn kiện thì tòa án cũng không thể thụ lý được.

Luật sư Vũ Ngọc Hà cho hay, thi hành án một vụ kiện thông thường đã khó khăn, kiện đòi nợ BHXH lại càng khó khăn gấp bội, bởi hầu hết những công ty nợ BHXH là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, tài sản đã cầm cố ngân hàng. Chưa kể, theo quy định, người được thi hành án phải tự đi xác minh tài sản của đơn vị nợ, nhưng NLĐ không thể có đủ quyền lực để buộc doanh nghiệp đưa giấy tờ chứng minh tài sản còn lại. Bởi thế, đã có rất nhiều vụ NLĐ khi tự làm đơn khởi kiện hoặc ủy quyền cho tổ chức Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp, tuy thắng kiện nhưng cuối cùng vẫn coi như thua khi gặp doanh nghiệp không còn khả năng tài chính hoặc đã phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn…

An Nhiên

Bài 3: Kỳ vọng vào Luật Bảo hiểm sửa đổi năm 2024

 

Tin xem nhiều