Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú là những danh hiệu cao quý mà người nghệ sĩ nào cũng muốn được công nhận.
Nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) là những danh hiệu cao quý mà người nghệ sĩ nào cũng muốn được công nhận. Bởi đó là sự ghi nhận của khán giả, công chúng và đơn vị có chức năng đối với sự đóng góp của nghệ sĩ đối với bộ môn nghệ thuật mà họ gắn bó, theo đuổi. Thế nhưng, việc xét và trao giải thưởng năm nào cũng xảy ra những chuyện lùm xùm liên quan đến câu chuyện xứng đáng và không xứng đáng.
Tất nhiên, để được công nhận danh hiệu NSND, NSƯT, các nghệ sĩ phải có đủ các điều kiện được quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 31-3-2021 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Trong đó, yêu cầu căn bản nhất vẫn là phải có đủ số huy chương vàng, bạc ở những hội thi, hội diễn chuyên nghiệp. Vì vậy, nghệ sĩ nào hay đi thi và có đủ giải thưởng thì đương nhiên sẽ được công nhận danh hiệu. Còn nghệ sĩ nào ít đi thi thì dù có nhiều đóng góp đến đâu vẫn không đủ điều kiện để vượt qua vòng kiểm duyệt.
Chính vì thế mà có không ít nghệ sĩ, dù tài năng và sự nổi tiếng khá lớn song danh hiệu lại không có, hoặc cùng lắm chỉ là NSƯT. Trong khi đó, có những nghệ sĩ ít được biết đến nhưng nhờ chăm chỉ đi thi nên không khó để được công nhận danh hiệu. Nghịch lý này tồn tại nhiều năm qua khiến không chỉ người trong cuộc mà ngay cả công chúng cũng cảm thấy vô lý, cần điều chỉnh lại.
Bởi với công chúng, khán giả, người nghệ sĩ thực sự là ưu tú khi để lại những dấu ấn đặc biệt ở từng vai diễn, tác phẩm… Tài năng và đạo đức nghề nghiệp của họ đủ minh chứng cho sự xứng đáng được tôn vinh chứ không nhất thiết phải từ những tấm huy chương nhiều khi được trao theo kiểu “vui vẻ cả làng”.
Từ những bất cập trong quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Bộ VH-TTDL đang tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhằm thay thế những nghị định được ban hành trước đó. Việc bổ sung một số đối tượng nhận danh hiệu NSND, NSƯT như "Tác giả kịch bản múa", "Nhạc sĩ phối khí", "Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh"… trong dự thảo nghị định này đã nhận được những ý kiến phản đối gay gắt vì cho rằng hoàn toàn không phù hợp. Dù mở rộng đối tượng xét danh hiệu sẽ có lợi hơn cho nhiều nghệ sĩ song nhiều người lo lắng sẽ biến “sân chơi” này thành nơi “xin - cho” danh hiệu một cách vô tội vạ.
Nhiều ý kiến khi góp ý cho dự thảo nghị định này cũng lưu ý đến tính đặc thù của từng lĩnh vực. Cụ thể như với nghệ sĩ sân khấu, ca sĩ…, việc có huy chương vàng dễ hơn nhiều lần so với diễn viên điện ảnh. Do đó, thay vì “đếm” huy chương để xét danh hiệu, nên tính toán đến mức độ đóng góp của diễn viên hay sức lan tỏa từ các vai diễn trong đời sống xã hội, nhất là sự ghi nhận của khán giả.
Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vẫn đang được tiếp tục lấy ý kiến hy vọng sẽ gỡ được điểm còn bất cập đồng thời bổ sung các quy định có lợi cho những nghệ sĩ chân chính, cống hiến hết mình cho nghệ thuật trong thời gian tới.
Minh Ngọc