Từ đầu năm đến nay, khắp các địa phương trong tỉnh đồng loạt tổ chức nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, gắn với quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người Đồng Nai.
Từ đầu năm đến nay, khắp các địa phương trong tỉnh đồng loạt tổ chức nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, gắn với quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người Đồng Nai.
Đồng bào Chơro, xã Xuân Thiện (H.Thống Nhất) biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội Sayangva năm 2023. Ảnh: CTV |
Việc tăng cường quản lý hoạt động tổ chức lễ hội không chỉ góp phần giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo ấn tượng tốt trong lòng người dân và du khách gần xa.
* Nhiều loại hình lễ hội được tổ chức
Theo thống kê của ngành Văn hóa, trung bình mỗi năm, Đồng Nai có hơn 300 lễ hội được tổ chức tại 11 huyện, thành phố. Có nhiều loại hình như: lễ hội Tết cổ truyền; lễ hội lịch sử - cách mạng; lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống... Đặc biệt, nhiều lễ hội truyền thống thường niên của đồng bào các dân tộc với quy mô cấp xã, phường, thị trấn diễn ra sôi nổi trong tháng 3 và tháng 4-2023. Trong đó phải kể đến lễ hội Sayangva và Sayangbri của đồng bào Chơro ở TP.Long Khánh, H.Thống Nhất; lễ cúng Yang Bơnơm (cúng thần núi) của đồng bào Mạ KP.Hiệp Nghĩa TT.Định Quán (H.Định Quán)…
Già làng Nguyễn Văn Long, tổ 19, ấp Hàng Gòn, xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) cho biết: “Năm nay, đồng bào Chơro tổ chức lễ hội Sayangbri (cúng thần rừng). Đây cũng là năm thứ 8 bà con tổ chức lễ hội trong không khí vui tươi, phấn khởi, không kể già trẻ, gái trai đều tích cực hưởng ứng. Không chỉ tái hiện nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Chơro mà qua lễ hội còn truyền dạy cho con cháu những lễ nghi của dân tộc mình, để bà con cùng giao lưu, giới thiệu văn hóa của đồng bào Chơro với các dân tộc khác”.
UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ VH-TTDL ghi danh Lễ hội chùa Ông cù lao Phố (Biên Hòa - Đồng Nai) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên cơ sở các tiêu chí và quy định lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TTDL xem xét, thẩm định, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với hồ sơ văn hóa phi vật thể Lễ hội chùa Ông cù lao Phố. |
Việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh gắn với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Phần lớn các di tích đình, chùa, lăng mộ, miếu thờ… có gắn với tổ chức lễ hội hàng năm, được các địa phương quan tâm, bảo tồn và duy trì. Nhiều địa phương như: Vĩnh Cửu, Long Khánh, Định Quán… đã và đang khai thác tiềm năng lễ hội gắn với du lịch văn hóa bằng cách đưa du khách đến với các lễ hội, điểm di tích gắn với lễ hội. Đây là việc làm thiết thực trong việc phát huy giá trị của các điểm di tích và lễ hội nhằm góp phần thu hút khách du lịch đến với Đồng Nai.
Chị Dương Hạnh Nguyên (ngụ tại TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) chia sẻ: “Nhiều năm tham gia lễ hội truyền thống tại các đình, miếu và tham gia lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Công viên văn hóa Hùng Vương, chúng tôi cảm thấy có sự đổi khác, ngày càng tốt hơn. Tại các khu vực có lễ hội được trang trí, sắp xếp gọn gàng, cảnh quan di tích được gìn giữ; công tác vệ sinh môi trường, bố trí trông giữ xe đảm bảo. Bà con đến với các lễ hội ngày càng đông hơn”.
* Gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho hay, nhằm đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động lễ hội, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Các lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức trên tinh thần vui tươi, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống trong lễ hội gắn với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Đồng Nai với du khách trong và ngoài tỉnh.
Đồng bào Chơro, P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội Sayangva năm 2023. Ảnh: My Ny |
Cùng với tổ chức các lễ hội, Đồng Nai vài năm trở lại đây đã đẩy mạnh kiểm kê văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống các dân tộc nhằm đánh giá thực trạng lễ hội tại các địa phương trong tỉnh. Cụ thể, năm 2022 Bảo tàng tỉnh đã kiểm kê hơn 60 lễ hội tại TP.Long Khánh (36 lễ hội truyền thống của các dân tộc: Kinh, Chơro, Hoa, Khmer…) và H.Xuân Lộc (có 28 lễ hội truyền thống được kiểm kê tại 12 xã, thị trấn).
Trong năm 2023, Bảo tàng tỉnh tiếp tục công tác kiểm kê lễ hội tại H.Định Quán (32 địa điểm tổ chức lễ hội tại 10 xã, thị trấn) và H.Tân Phú (14 địa điểm tổ chức lễ hội tại 7 xã, thị trấn). Qua đó, đề xuất những biện pháp khôi phục, bảo tồn và phát huy di sản, tránh tình trạng mai một hoặc biến tướng.
Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TTDL) đã có văn bản đề nghị sở VH-TTDL các tỉnh, thành phố báo cáo sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Cục yêu cầu các địa phương đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo; những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện nghị định. Bên cạnh đó, giới thiệu những mô hình quản lý, tổ chức lễ hội hiệu quả; đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương trong thời gian tới. Báo cáo gửi về cục trước ngày 20-4 để tổng hợp, báo cáo Bộ VH-TTDL.
Ly Na