Báo Đồng Nai điện tử
En

Đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của nhân dân

03:12, 26/12/2022

Sau 5 năm (2016-2021) triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, CNVH tại Đồng Nai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Sau 5 năm (2016-2021) triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, CNVH tại Đồng Nai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Đồng Nai có lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Trong ảnh: Một tiết mục biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Ảnh: L.NA
Đồng Nai có lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Trong ảnh: Một tiết mục biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Ảnh: L.NA

Không chỉ phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh của Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng mà còn đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng cao và đa dạng của nhân dân.

Nhiều kết quả nổi bật

Tại Đồng Nai, cùng với tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành CNVH trên địa bàn tỉnh đã có bước khởi sắc. Hàng hóa, dịch vụ nhiều chủng loại, đa dạng loại hình, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng văn hóa, thỏa mãn nhu cầu văn hóa ngày càng cao của nhân dân; có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần cao đẹp, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TTDL) TRẦN HOÀNG cho biết, tính đến năm 2018, 12 ngành CNVH ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP.

Trên lĩnh vực quảng cáo, Đồng Nai hiện có hơn 200 doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động, đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại. Thời gian qua, Sở VH-TTDL đã giải quyết hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của các tổ chức, cá nhân đều đảm bảo 100% hồ sơ giải quyết đúng theo quy định pháp luật. Trong đó, có khoảng 80% hồ sơ giải quyết trước thời hạn so với thời gian quy định. Từ năm 2017 đến nay, Sở đã tiếp nhận và giải quyết hơn 4 ngàn hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, đoàn người thực hiện quảng cáo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Hoạt động điện ảnh, hiện Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai có 5 đội chiếu phim lưu động, mỗi năm thực hiện hơn 2 ngàn buổi chiếu phim và tuyên truyền lưu động. Từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện hơn 11 ngàn buổi với số lượt người xem hơn 3 triệu người. Hoạt động điện ảnh ngoài công lập phát triển với việc Đồng Nai đã thực hiện xã hội hóa, cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các rạp chiếu phim 3D, 4D ở các trung tâm thương mại như: Lotte Cinema (siêu thị Lotte Mart Biên Hòa và Vincom Plaza Biên Hòa), CGV Biên Hòa (Co.opmart, Big C Đồng Nai), Beta Cineplex Biên Hòa (The Pegasus Plaza), Beta Long Khánh…

Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm ở Đồng Nai cũng đã có sự khởi sắc. Trong 5 năm, toàn tỉnh có hơn 100 cuộc triển lãm, hội thi nhiếp ảnh, mỹ thuật chủ yếu phục vụ các nhiệm vụ chính trị, chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, các sự kiện chính trị của tỉnh, phục vụ khoảng 50 ngàn lượt người xem. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật đã được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai chú trọng.

NSƯT Quế Anh, Giám đốc nhà hát cho biết, hàng năm nhà hát tổ chức hơn 300 buổi diễn với hàng chục chương trình sân khấu, nghệ thuật đặc sắc phục, vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ công tác văn hóa đối ngoại, phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Không chỉ nghiên cứu, sưu tầm, biểu diễn nghệ thuật dân gian, truyền thống, nhà hát còn kết hợp nghệ thuật đương đại nhằm tạo mới lạ về nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Tiếp tục đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực

Bên cạnh những thuận lợi, theo Sở VH-TTDL, Đồng Nai vẫn còn nhiều khó khăn, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, công tác tuyên truyền triển khai, thực hiện chiến lược của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố còn hạn chế, tuy có nhiều nỗ lực nhưng kết quả chưa cao; các tuyến, điểm du lịch trong tỉnh chưa thực sự thu hút du khách; chưa có những công trình văn hóa hiện đại mang tầm quốc gia, quốc tế; lĩnh vực điện ảnh chưa phát triển.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết, trong phát triển CNVH, điện ảnh chưa phải là thế mạnh của Đồng Nai bởi hệ thống trang thiết bị các rạp chiếu phim quốc doanh hiện nay chưa phát triển so với các rạp tư nhân. Tuy nhiên, Đồng Nai có lợi thế phát triển văn hóa ở một số lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, du lịch di sản kết hợp ứng dụng công nghệ số. Ngoài hệ thống di sản phong phú, Đồng Nai có nhà hát nghệ thuật, có Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai - nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành nghệ thuật biểu diễn.

Theo ThS Phùng Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có tạo đột phát trong việc phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật. Hiện nay, nhà trường đã và đang chú trọng công tác đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa nhằm góp phần phát triển các ngành CNVH trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Bên cạnh đó, trường còn đổi mới giáo trình, giáo án và phương pháp dạy và học; từng bước chuẩn hóa chương trình đào tạo, tích cực ứng dụng công nghệ vào dạy học. Đặc biệt, quan tâm tới các chuyên ngành âm nhạc truyền thống, có nhiều chính sách ưu đãi con em vùng đồng bào dân tộc nhằm thu hút người học đông hơn.

Ly Na

Tin xem nhiều