Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở không chỉ góp phần quan trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ, bảo tồn bản sắc các dân tộc mà còn hình thành nếp sống văn minh, sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động tại khu dân cư.
Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở không chỉ góp phần quan trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ, bảo tồn bản sắc các dân tộc mà còn hình thành nếp sống văn minh, sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động tại khu dân cư.
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân trao giấy chứng nhận hoàn thành tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở năm 2022. Ảnh: L.Na |
Để có được kết quả trên là sự vào cuộc tích cực của chính quyền, đoàn thể, các xã, phường, thị trấn, trong đó có vai trò của cán bộ văn hóa tại cơ sở.
* Đi đầu trong các hoạt động phong trào
Có thâm niên hơn 10 năm hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, anh Phan Duy Hòa (công chức văn hóa xã Phú Ngọc, H.Định Quán) cho biết, khối lượng công việc của cán bộ văn hóa xã rất lớn. Cùng với tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, tổ chức hoạt động lễ hội, văn nghệ, thể thao, các hội thi, hội diễn tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở…, cán bộ văn hóa còn tích cực cùng với địa phương huy động nguồn xã hội hóa, kêu gọi người dân tham gia.
Bởi am hiểu và đam mê về nghệ thuật, anh Hòa có lợi thế trong việc xây dựng các kịch bản, dàn dựng chương trình nghệ thuật quần chúng, hướng dẫn được phong trào. Đặc biệt, anh nhiệt tình, sôi nổi trong tổ chức các sân chơi thể dục, thể thao... Nhờ vậy, đã khơi dậy và phát huy được sức sáng tạo văn hóa của nhân dân theo hướng tích cực, tiến bộ.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh TÔN THỊ THANH TÌNH cho biết: “Hằng năm, trung tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa với nhiều nội dung như: tuyên truyền lưu động, cổ động trực quan, xây dựng chương trình văn nghệ, kịch bản, dẫn chương trình… Không chỉ giúp cán bộ văn hóa cơ sở nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ mà còn phát huy tốt vai trò của mình, trở thành hạt nhân, nòng cốt trong việc vận động, hướng dẫn nhân dân". |
Anh Hòa chia sẻ: “Ở nhiều ấp trên địa bàn xã Phú Ngọc, khi tổ chức các hội thi văn nghệ, thể thao bà con đã cùng chung tay. Từ mua sắm trang phục, loa đài hay chuẩn bị tiền để tổ chức các giải thưởng. Hằng năm, tỷ lệ xây dựng ấp, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, thực hiện phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại của xã luôn đạt ở mức cao. Người dân có ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”.
Theo chị Trương Uyên, cán bộ phụ trách thư viện H.Long Thành, từ khi các đơn vị sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao huyện thì tổ thư viện chỉ có 2 cán bộ. Vừa xử lý nghiệp vụ, vừa phục vụ tại chỗ, phục vụ lưu động, luân chuyển sách về các xã, thị trấn, các ấp, khu phố. Mặc dù hoạt động thư viện đã được địa phương tạo điều kiện để phát huy và lan tỏa văn hóa đọc, song với số lượng cán bộ phụ trách còn ít nên các hoạt động chưa thực sự sôi nổi. Riêng ở các xã không có người phụ trách công tác thư viện mà hoạt động này do cán bộ văn hóa - xã hội kiêm nhiệm.
Anh Phạm Thúc Nguyên, công chức văn hóa xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) cho hay, trên địa bàn xã số lượng đồng bào các dân tộc sinh sống đông; nếu không am hiểu địa bàn, đời sống, phong tục, tập quán của bà con thì anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc. Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, anh có điều kiện để phát huy năng lực. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức và tích cực hưởng ứng các phong trào văn hóa, thể thao tại địa phương. Đã có hàng chục mô hình câu lạc bộ ra đời, hoạt động sôi nổi.
* Tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng
Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân, hiện nay hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có thiết chế văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động của các địa phương diễn ra không đồng đều. Có nơi hoạt động mạnh, do phát huy được vai trò của cán bộ văn hóa cơ sở, huy động được nguồn xã hội hóa, nhân dân cùng góp sức và do địa phương nơi đó quan tâm nên phong trào sôi nổi và có hiệu quả nhất định. Một số địa phương chưa duy trì được các hoạt động nên phong trào chưa đạt yêu cầu đề ra.
“Theo thống kê năm 2017, lực lượng làm công tác văn hóa cơ sở theo đúng chuyên ngành quản lý văn hóa, thể thao rất thấp, chiếm khoảng 2%. Lực lượng làm công tác văn hóa sau khi được đào tạo bài bản, lại được bổ sung vào nhiều vị trí khác nhau. Do đó, việc đào tạo cán bộ văn hóa cơ sở luôn “bị động” do có sự biến động về công tác cán bộ. Chúng tôi kỳ vọng các địa phương, cùng với ngành VH-TTDL bố trí con người cho phù hợp. Một khi con người phù hợp thì công tác văn hóa sẽ phát triển hơn” - ông Ân nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Ân, để tiếp tục phát huy vai trò của cán bộ văn hóa cơ sở, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Song song đó, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn để cán bộ văn hóa cơ sở tham gia. Từ những đợt tập huấn này, cán bộ văn hóa cấp xã, phường, thị trấn sẽ được bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ để cùng với hệ thống thiết chế văn hóa tổ chức tốt các hoạt động, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Ly Na