Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lưu giữ văn hóa dân tộc Chơro

10:04, 26/04/2021

Không chỉ là tấm gương tiêu biểu trong công tác Dân vận, bà Thị Thành (67 tuổi, ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) còn được biết đến là người đánh cồng chiêng giỏi, lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của dân tộc Chơro.

Không chỉ là tấm gương tiêu biểu trong công tác Dân vận, bà Thị Thành (67 tuổi, ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) còn được biết đến là người đánh cồng chiêng giỏi, lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của dân tộc Chơro.

Bà Thị Thành chụp hình cùng sinh viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM trong buổi giao lưu cồng chiêng Chơro ở ấp Lác Chiếu (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh). Ảnh: L.Na
Bà Thị Thành chụp hình cùng sinh viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM trong buổi giao lưu cồng chiêng Chơro ở ấp Lác Chiếu (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh). Ảnh: L.Na

Nhiều năm nay, bà Thành tích cực tham gia hoạt động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương ngày càng phát triển.

* Tình yêu với cồng chiêng Chơro

Sinh ra và lớn lên tại ấp Lác Chiếu, bà Thị Thành cùng đồng bào Chơro nơi đây gắn bó với tiếng cồng, tiếng chiêng từ thuở mới lọt lòng. Chia sẻ với chúng tôi, bà Thành cho biết, từ khi còn rất nhỏ bà đã theo mẹ và các bô lão trong làng học đánh cồng chiêng. Đến năm 20 tuổi, bà có thể biểu diễn thành thạo lối đánh cồng chiêng và các bài múa dân gian tiêu biểu của người Chơro.

“Những năm 1960-1970, phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương phát triển rất mạnh. Chúng tôi đánh cồng chiêng rất sôi nổi. Đặc biệt, vào những dịp lễ cúng lúa mới, Tết, hay các đám cưới, lễ bỏ mả… tôi đi theo các thanh niên trong ấp biểu diễn cồng chiêng. Đêm về, chúng tôi đem chiêng ra lau chùi, ngồi bên bếp lửa cùng nhau nghe già làng kể ý nghĩa của từng loại cồng, chiêng. Cứ thế, tiếng cồng, tiếng chiêng thấm vào máu thịt của tôi lúc nào không biết” - bà Thành nói.

Sau hơn 40 năm hoạt động phong trào, bà Thị Thành chỉ mong mình có đủ sức khỏe để tiếp tục cống hiến, góp phần cùng địa phương lan tỏa giá trị văn hóa của người Chơro đến với cộng đồng. Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền bà Thành vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương, UBND tỉnh và của TP.Long Khánh.

Theo bà Thị Thành, trong những năm kháng chiến, để góp sức vào phong trào cách mạng, đồng bào Chơro ở Long Khánh đã sáng tạo, biến tấu tiếng cồng chiêng theo các điệu nhạc cách mạng ca ngợi người lính và công ơn Bác Hồ. Những điệu cồng chiêng ấy đến bây giờ vẫn được bà con lưu giữ, thi thoảng có thêm một bài biến tấu để âm hưởng của cồng chiêng phù hợp với đời sống mới hôm nay.

Bởi am hiểu về cồng chiêng của người Chơro nên bà Thị Thành được chính quyền địa phương tin tưởng, mời tham gia nhiều hoạt động biểu diễn ở trong  và ngoài tỉnh. Đồng thời, bà Thành còn tích cực tham gia truyền dạy cồng chiêng cho người trẻ trên địa bàn ấp Lác Chiếu.

“Tôi thích đi giao lưu cồng chiêng với các địa phương bạn. Ở đó, tôi học được nhiều kinh nghiệm sử dụng nhạc cụ của đồng bào các dân tộc. Khi về ấp Lác Chiếu, tôi cùng các thành viên trong đội cồng chiêng của ấp thường tổ chức các buổi luyện tập, hướng dẫn lại cho lớp trẻ. Hiện phần lớn bà con Chơro trong ấp đều biết đánh cồng chiêng. Ai nấy đã hiểu được giá trị của nhạc cụ dân tộc và cảm thấy rất hãnh diện khi đã góp chút công sức giữ gìn cồng chiêng” - bà Thành bộc bạch.

* Nhiệt huyết với công tác Dân vận…

Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Lác Chiếu, bà Thị Thành có hơn 40 năm tích cực trong công tác Dân vận, giúp đồng bào Chơro ở Long Khánh thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Với lợi thế sinh ra và lớn lên ở địa phương, là người có uy tín, hiểu rõ về cuộc sống của người dân nơi đây nên bà Thành bắt đầu công việc không mấy khó khăn. Tuy nhiên, do phần lớn người dân trong ấp là đồng bào dân tộc, nhận thức còn nhiều hạn chế nên bà phải mất nhiều thời gian đi tuyên truyền, thuyết phục.

Bà Thành cho biết: “Ngày mới giải phóng, đồng bào Chơro ở ấp Lác Chiếu sinh con rất đông, có gia đình sinh đến 7-8 con nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi chưa dứt.  Trước tình hình đó, tôi đã phối hợp với chính quyền rà soát lại số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, những cặp vợ chồng sinh con một bề và kiên trì đi vận động, thuyết phục những mong bà con dần thay đổi nhận thức”.

Với phương châm: “Cán bộ Hội thực hiện trước, hội viên phụ nữ làm theo sau”, bà Thành luôn gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động. Tiêu biểu như thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động phụ nữ địa phương tham gia vào tổ chức Hội phụ nữ để được hưởng các quyền lợi như: hỗ trợ vốn làm ăn, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế…

Nhờ đó, vài năm trở lại đây, ấp Lác Chiếu không còn tình trạng tảo hôn. Trên 85% gia đình không sinh con thứ 3. Đời sống của người dân, nhất là đồng bào Chơro đang dần được cải thiện. Chị Trần Thị Bé Hai, một điển hình trong thực hiện tốt chính sách dân số ở ấp Lác Chiếu bộc bạch: “Nghe Hội Phụ nữ ấp mà tiêu biểu là chị Thành đi tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, tôi cũng hiểu sinh con nhiều là khổ. Vợ chồng tôi có 3 con, sẽ không sinh thêm nữa để có điều kiện nuôi dạy con và phát triển kinh tế gia đình”.

Nói về bà Thị Thành, Chủ tịch  Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Long Khánh Phạm Văn Hoàng nhận xét: “Bà Thị Thành là gương điển hình trong đồng bào dân tộc ở Long Khánh. Bà Thành không những năng động, tích cực hoạt động phong trào, giúp đỡ người dân tăng gia sản xuất mà còn là người góp phần bảo tồn văn hóa của dân tộc Chơro. Nhờ đó, đồng bào dân tộc ở ấp Lác Chiếu ngày càng có cuộc sống ổn định”.

Ly Na

 

Tin xem nhiều