Hơn 30 năm nay, Lương Thị Hồng Yến (P.Xuân Trung, TP.Long Khánh) đã gắn bó với chiếc xe lăn vì biến chứng của căn bệnh sốt bại liệt thuở nhỏ.
Hơn 30 năm nay, Lương Thị Hồng Yến (P.Xuân Trung, TP.Long Khánh) đã gắn bó với chiếc xe lăn vì biến chứng của căn bệnh sốt bại liệt thuở nhỏ.
Chị Lương Thị Hồng Yến (giữa) ngụ P.Xuân Trung, TP.Long Khánh giới thiệu tác phẩm tranh truyền thần cho khách. Ảnh: Ly Na |
Từ một cô bé thích chạy nhảy, giờ đây mọi vận động của chị Yến đều cần sự giúp đỡ của gia đình. Tuy nhiên, với nỗ lực vươn lên, chị đã quyết tâm theo đuổi niềm đam mê mỹ thuật, trong đó chủ yếu là vẽ truyền thần.
1. Xuất thân trong một gia đình làm nông nghèo, do thể trạng yếu nên chị Yến chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ. Yêu thích vẽ từ nhỏ nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị không có điều kiện đến lớp như bạn bè cùng trang lứa để học năng khiếu. Chị bắt đầu học vẽ từ những nét đơn giản, không theo đường lối nào cho đến khi quen tay. Sau đó, chị mày mò tìm hiểu cách vẽ trên mạng, rồi chăm chỉ luyện tập cho thành thục sao cho bức tranh đẹp và trở nên có hồn hơn.
Chị Yến cho biết, thuở nhỏ, chị thường mò mẫm vẽ theo nhân vật trong truyện tranh. Lớn hơn một chút, chị vẽ chân dung về những người nổi tiếng là ca sĩ, diễn viên rồi đăng tải trên Zalo, Facebook. Nhận thấy tranh vẽ rất giống với các nhân vật, nhiều người đã đặt hàng cho chị qua mạng. Năm 2016, chị Yến chính thức nhận vẽ tranh truyền thần, chân dung cho khách. Khách đặt tranh truyền thần gửi bức ảnh cần vẽ qua và chị thực hiện. Khi hoàn thành, chị nhờ gia đình đi gửi chuyển phát nhanh cho họ.
“Cái khó của vẽ truyền thần là phải lột tả được thần thái của nhân vật, từ ánh mắt cho đến nụ cười phải thể hiện xúc cảm thông qua từng nét vẽ. Để có thêm kinh nghiệm dựng hình, chọn tỷ lệ… mỗi ngày tôi đều học hỏi từ cộng đồng mạng, lâu dần thay đổi phong cách vẽ. Từ vẽ chì chà mịn sang đánh nét cơ bản nhằm giúp những bức chân dung có hồn và sống động như thật” - chị Yến bộc bạch.
2. Sở hữu nụ cười tươi tắn, chị Yến mang đến cho người đối diện sự lạc quan, hồn nhiên. Điều đó cũng được chị thể hiện trong mỗi tác phẩm. Chị Yến vui vẻ kể về niềm đam mê: “Vẽ tranh mang lại cho tôi cuộc sống ý nghĩa hơn. Mỗi khi hoàn thành xong một tác phẩm, được khách hàng ưng ý, tôi luôn thấy tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Với nhiều người, bức tranh chân dung về bản thân mình có thể không có gì đặc biệt, nhưng đối với tôi, nó là cảm xúc, là niềm tin và hy vọng về ngày mai với cuộc sống tốt hơn”.
Một tác phẩm tranh truyền thần của chị Lương Thị Hồng Yến |
Hiện tại, chị Yến nhận vẽ truyền thần, tranh chân dung trên khổ giấy A2, A3, A4; mỗi tác phẩm có giá từ 300-600 ngàn đồng. Khoản tiền thu được hằng tháng giúp chị hỗ trợ thêm cho gia đình trang trải sinh hoạt phí. Chị Yến chia sẻ: “Zalo, Facebook chính là “mảnh đất” để tôi tự do thể hiện đam mê, đồng thời mang những tác phẩm đến với công chúng yêu thích tranh truyền thần. Mặc dù thu nhập từ vẽ tranh chỉ khoảng 3-5 triệu đồng mỗi tháng, nhưng qua phản hồi của cộng đồng, tôi biết những tác phẩm mình đã được nhiều người đón nhận và đang được lan tỏa”.
Mỗi tác phẩm truyền thần của chị Yến mang một nét rất riêng. Đó là nét riêng của người họa sĩ không chuyên đầy nghị lực, khát vọng và niềm đam mê với hội họa. Mỗi tác phẩm chị thực hiện từ 5-7 tiếng, có khi ngồi cả ngày chỉ để vẽ đôi mắt, khuôn miệng sao cho thật giống và toát lên được phong thái của nhân vật. Dẫu nhiều tác phẩm chưa đạt đến trình độ cao của nghệ thuật truyền thần nhưng người xem có thể cảm nhận được cảm xúc, tâm huyết của chị trong từng tác phẩm.
3. Nếu ai trót sinh ra mang trên mình một cơ thể không được lành lặn, ắt hẳn họ sẽ mặc cảm, tự ti. Thế nhưng, trái với suy nghĩ như thế, rất nhiều người khuyết tật hiện nay đã cố gắng nỗ lực hết mình để khẳng định giá trị của bản thân bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Những tác phẩm tranh truyền thần của chị Yến được vẽ bằng niềm đam mê của người nghệ sĩ chân chính. Chị không nghĩ mình là người khuyết tật, bởi với chị, sống mà tự ti, mặc cảm rất nhọc nhằn, nên cứ phải tự tin, cố gắng để làm những điều mà mình yêu thích.
Từ một cô bé khuyết tật tưởng rằng sẽ chỉ là gánh nặng của gia đình, tương lai vô định thì bây giờ, ở tuổi 33, chị Yến đã trở thành một người vẽ tranh truyền thần có vị trí riêng tại TP.Long Khánh. Con đường đến với nghệ thuật của chị tuy không hề bằng phẳng, nhưng ở thời điểm hiện tại, chị đã có những thành công bước đầu. Chị Yến cũng thường xuyên lên các trang mạng xã hội giao lưu với các họa sĩ, truyền kinh nghiệm cho những bạn trẻ đam mê hội họa.
Nói về những dự định sắp tới, chị Yến cho biết sẽ tiếp tục vẽ tự do để thỏa niềm yêu thích và sẽ thử sức thêm một số loại tranh khác, chẳng hạn như: sơn dầu, màu acrylic... Chị cũng mong muốn sẽ mở được một phòng tranh riêng của bản thân tại TP.Long Khánh. Để hiện thực hóa ước mơ, chị đã và đang nỗ lực, chăm chỉ tự học và vẽ tranh để tự lo cho bản thân; đồng thời kết nối với các CLB người khuyết tật ở địa phương và trong tỉnh nhằm chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và cả những ý tưởng trong tương lai…
Chị Lương Thị Hồng Lan, chị gái của chị Lương Thị Hồng Yến cho biết: “Từ nhỏ, Yến thường xuyên bị bệnh, gia đình phải đưa em đến bệnh viện để chữa trị. Yến có ước mơ là vẽ tranh, nhiều năm nay thấy em mày mò luyện vẽ, có khi vẽ đến quên ăn quên ngủ, gia đình cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, gia đình cũng rất vui mừng khi nét vẽ của em ngày càng tiến bộ, được nhiều người đặt vẽ và dành lời khen ngợi. Đó cũng là động lực để Yến vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”. |
Ly Na