Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều di tích cách mạng tiêu biểu, ghi dấu ấn một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Đó không chỉ là vết tích những căn cứ, trận đánh mà còn là sự khắc ghi của lịch sử về tinh thần đấu tranh bất khuất của bao thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều di tích cách mạng tiêu biểu, ghi dấu ấn một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Đó không chỉ là vết tích những căn cứ, trận đánh mà còn là sự khắc ghi của lịch sử về tinh thần đấu tranh bất khuất của bao thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Học sinh tham quan Nhà trưng bày tại Địa đạo Nhơn Trạch. Ảnh: M.Ny |
Các di tích này đang được bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa để phục vụ hoạt động tham quan, du lịch và học tập truyền thống.
* Những căn cứ địa cách mạng
Di tích Địa đạo Nhơn Trạch là một trong những căn cứ địa cách mạng, nơi diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của nhân dân ta trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Chị Nguyễn Thị Thiết, cán bộ quản lý Di tích Danh thắng H.Nhơn Trạch cho biết, hệ thống đường địa đạo nằm dưới lòng đất ở độ sâu từ 5-7m; độ dày đất trên nóc từ 3-5m. Đường địa đạo được bố trí dạng zích-zắc, từ đường xương sống sẽ có nhiều ngách rẽ sang hai bên. Ở điểm chính giữa mỗi đoạn địa đạo có ngách lên mặt đất, có lỗ thông hơi hình phễu.
“Địa đạo Nhơn Trạch dài 200m dưới lòng đất hoàn toàn được đào bằng sức người, len lỏi sâu với từng ngóc ngách chỉ bằng các dụng cụ thô sơ. Từ căn cứ này, Huyện ủy Nhơn Trạch đã lãnh đạo và chỉ đạo các lực lượng cách mạng trong huyện kết hợp các hình thức đấu tranh làm nên nhiều chiến công “thần kỳ” được sử sách ghi nhận” - chị Thiết chia sẻ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.500 di tích phổ thông, 57 di tích xếp hạng. Trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh. |
Nhiều năm nay, H.Nhơn Trạch đã phối hợp với Bảo tàng Đồng Nai tiến hành trùng tu tôn tạo di tích với các hạng mục như: xây nhà truyền thống trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật; nạo vét đường địa đạo dưới lòng đất; phục hồi nơi làm việc của Huyện ủy… Vào các dịp lễ, tết trong năm, đông đảo người dân và du khách, nhất là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã về thăm dấu tích còn sót lại của căn cứ cách mạng, bày tỏ niềm xúc động, tri ân về những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nằm cách trung tâm H.Xuân Lộc khoảng 20km, Căn cứ Rừng Lá (hay còn gọi Căn cứ Giao Loan, Căn cứ 4) trước đây, thuộc tổng Bình Lâm Thượng, H.Long Khánh, tỉnh Biên Hòa. Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, ngày nay thuộc địa phận xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc). Trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Rừng Lá là địa bàn đóng quân của nhiều đơn vị vũ trang. Từ căn cứ này, quân dân Đồng Nai đã tổ chức nhiều trận đánh vang dội như: Bàu Cá, Bảo Chánh, Trảng Táo…
Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 là một trong những căn cứ địa cách mạng rất quan trọng ở khu vực miền Ðông Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khu căn cứ thành lập vào tháng 9-1965, đứng chân tại khu vực Bàu 17, rừng Cây Gáo, xã Bàu Hàm (nay là xã Thanh Bình, H.Trảng Bom), được thiết kế với các khu nhà làm việc, hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn. Ðây là khu vực tam giác có địa thế thuận lợi và hiểm trở giúp các lực lượng cách mạng đứng chân có thế tiến công và phòng thủ.
Trong suốt 10 năm hoạt động (1965-1975), bộ đội đứng chân ở căn cứ U1 bị bom pháo ác liệt nhưng vẫn vững vàng và kiên cường bám địa bàn để đánh địch. Mặc dù xa Trung ương Cục nhưng với sự đồng lòng, gắn bó và đoàn kết chặt chẽ trong khó khăn, quân và dân ta đã đánh thắng hàng trăm trận lớn nhỏ, góp phần cùng với nhân dân cả nước làm nên chiến thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.
* Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động tham quan tại căn cứ cách mạng tạm hoãn song mỗi khi nghĩ về những buổi thuyết minh cho du khách, chị Nguyễn Thị Thiết không khỏi bồi hồi. “Dịp 30-4 năm trước, du khách và học sinh, sinh viên về thăm địa đạo rất đông. Dù thuyết minh cả ngày mệt nhưng chúng tôi rất hạnh phúc. Ai nấy thích thú tìm hiểu. Dường như đó là cách để họ nhìn lại quá khứ, thêm tin yêu vào cuộc sống hôm nay” - chị Thiết nói.
Địa điểm Ba Ông Đá Chuồng Trâu - nơi thành lập Chi bộ Rừng Lá tại H.Xuân Lộc. Ảnh: M.Ny |
Từng đến di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 nhiều lần, em Trần Ngọc Thư, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Cao Bá Quát (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) bày tỏ: “Hằng năm, nhà trường tổ chức các hoạt động về nguồn, ngoại khóa tại Khu căn cứ U1. Qua đó, con cảm nhận được sự hy sinh gian khó của các chiến sĩ bộ đội ngày xưa. Con hiểu thêm về lịch sử rất nhiều. Đó chính là những tấm gương yêu nước sáng ngời để thế hệ chúng con học tập và noi theo”.
Nguyên Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Lê Trí Dũng cho biết, việc phát huy các giá trị căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh không chỉ mở hướng về nguồn, góp phần giáo dục truyền thống mà còn tạo điểm đến cho khách du lịch. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cũng như đáp ứng hoạt động tham quan của đông đảo thanh thiếu niên và nhân dân trong nước cũng như du khách nước ngoài.
Ly Na