Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn

03:12, 14/12/2017

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã đồng bộ triển khai thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tại một số địa phương, tỷ lệ phân loại đạt kết quả tương đối khả quan.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã đồng bộ triển khai thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tại một số địa phương, tỷ lệ phân loại đạt kết quả tương đối khả quan.

Ông Lê Ngọc Đông (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) tiến hành phân loại các loại chất thải rắn tại gia đình.
Ông Lê Ngọc Đông (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) tiến hành phân loại các loại chất thải rắn tại gia đình.

Tuy nhiên, nhìn chung người dân tại nhiều khu vực vẫn còn chưa thực sự quan tâm với chương trình phân loại rác tại nguồn.

* Người dân “mất lửa”

Theo thống kê của UBND TP.Biên Hòa, tính đến nay tại 4 phường (Trung Dũng, Thanh Bình, Hòa Bình, Quyết Thắng), triển khai thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỷ lệ hộ dân thực hiện chương trình đạt khoảng 76,6%. Khối lượng chất thải rắn vô cơ thu gom trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 8,7 tấn. Toàn bộ lượng chất thải này đã được Công ty cổ phần môi trường Sonadezi chôn lấp theo quy định.

Một số người dân đề nghị cơ quan chức năng cần bố trí nhiều hơn những thùng rác phân loại ở các nơi công cộng; thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, nâng cao ý thức phân loại rác cho người dân, nhất là đối với giới trẻ... Nếu được, chính quyền nên thường xuyên cấp các túi ny-lông phân loại rác cho người dân, duy trì tổ chức thu gom chất thải rắn theo lịch cố định, đảm bảo không để dồn ứ rác…

Cách đây 8 năm, người dân phường Quyết Thắng khá hào hứng khi nhận được 2 thùng rác và túi đựng rác miễn phí để sử dụng phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Thế nhưng, đến nay nhìn chung người dân không còn mặn mà với chương trình như trước.

“Khoảng 90% thùng rác được cấp trước đây cho người dân khu phố đã hư hỏng trong quá trình sử dụng. Người dân sau thời gian đầu thực hiện khá tích cực việc phân loại rác tại nguồn, nhưng dần dần lại quay về thói quen cũ. Đến nay chỉ còn khoảng 50% số hộ chủ động tiến hành phân loại rác tại nguồn” - ông Trần Hùng Phương (Phó trưởng KP.4, phường Quyết Thắng) cho biết.

Tương tự, ông Lê Ngọc Đông  (KP.1, phường Quyết Thắng) cho rằng thời gian đầu thí điểm người dân hưởng ứng khá tích cực, tuy nhiên càng về sau phong trào càng “đuối” dần. Một số người dân không còn mặn mà, nhất là khi túi đựng rác không còn được cấp miễn phí, các thùng rác dần hư hỏng.

Bên cạnh đó, tinh thần thực hiện của người dân còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng rác sau phân loại rồi cũng được gom chung vào một xe chở rác. Một số ý kiến bày tỏ mong muốn công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên hơn, chương trình cần được mở rộng đến nhiều địa phương.

“Phân loại rác tại nguồn là một hành động mang lại nhiều lợi ích, cần được tiến hành đồng bộ tại nhiều địa phương, nhưng đến nay hầu như chưa thấy phường Tam Hiệp đẩy mạnh việc này” - bà Nguyễn Thị Hồng (KP.6, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) nói.

* Tăng cường tuyên truyền

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường), khối lượng chất rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.613 tấn/ngày. Lượng chất thải này có thành phần phức tạp và hầu như chưa được phân loại tại nguồn gây khó khăn trong việc xử lý chất thải.

Việc quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt hiện nay đang được xem là một trong những vấn đề được quan tâm của tỉnh. Hiện nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai đề án tổng thể phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2016-2020, trong đó việc tuyên truyền được tăng cường, chú trọng.

Chẳng hạn, TP.Biên Hòa tổ chức tuyên truyền trên sóng phát thanh, tổ chức hội nghị tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho ban quản lý các chợ, các cơ sở kinh doanh ăn uống, chế biến suất ăn công nghiệp. Năm 2017, công tác tuyên truyền mở rộng đến các trường tiểu học của thành phố.

Tương tự, TX.Long Khánh và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, công tác tổ chức tuyên truyền cũng được tiến hành theo nhiều hình thức, nội dung, như: tuyên truyền bằng xe lưu động, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, phổ biến kiến thức phân loại rác tại nguồn ở các trường học...

Chi cục Bảo vệ môi trường cũng đã  biên soạn và phát hành hơn 1 ngàn cuốn tài liệu, biên soạn poster tuyên truyền với nội dung về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cấp cho 171 UBND các xã, phường trên địa bàn tỉnh, lắp đặt pano sắt hướng dẫn phân loại chất thải tại các phường thí điểm chương trình ở TP.Biên Hòa.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm: “Việc chú trọng, nâng cao hiệu quả tuyên truyền cần được lưu ý ở những ngõ, hẻm nhỏ để người dân nắm bắt thông tin. Bên cạnh đó, các xe rác cũng nên được phân loại thành 2 ngăn, bên ngoài ghi rõ phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, khâu thu gom rác cần được tiến hành triệt để, tránh để lại rác vụn, rơi vãi rác trong quá trình vận chuyển...”.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều