Tháng 8 vừa qua, một nhóm nghệ sĩ tên tuổi gồm: Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy, Thoại Mỹ, Phượng Loan, Phượng Hằng, Hữu Quốc… đã cùng nhau tổ chức đêm diễn Toàn nữ ban tại rạp Công Nhân (TP.Hồ Chí Minh). Đêm diễn không chỉ phục vụ khán giả mà để phần nào giúp họ thỏa nỗi nhớ nghề!
Tháng 8 vừa qua, một nhóm nghệ sĩ tên tuổi gồm: Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy, Thoại Mỹ, Phượng Loan, Phượng Hằng, Hữu Quốc… đã cùng nhau tổ chức đêm diễn Toàn nữ ban tại rạp Công Nhân (TP.Hồ Chí Minh). Đêm diễn không chỉ phục vụ khán giả mà để phần nào giúp họ thỏa nỗi nhớ nghề!
Ảnh minh họa. |
1. Từ “nhớ nghề” có lẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Thì họ vẫn đang xuất hiện, vẫn được công chúng nhìn ngắm trên các phương tiện truyền thông, vẫn đang hoạt động nghề nghiệp kia mà?
Nhưng với những người nghệ sĩ này xuất hiện chưa hẳn là được làm nghề trọn vẹn. Nghệ sĩ Phượng Loan tâm tư: “Ở TP.Hồ Chí Minh chỉ còn Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Còn rất nhiều anh em nghệ sĩ sống chết mấy chục năm trong nghề mà không có điều kiện tham gia đoàn hát nào. Tụi tui bây giờ cũng có sô, nhưng chủ yếu chỉ là ca salon, hoặc diễn trích đoạn đơn giản. Làm nghề đúng nghĩa là phải được khóc cười cùng nhân vật, thể hiện một nhân vật trọn vẹn trong một vở tuồng. Vì vậy, anh em chúng tôi cùng hợp sức làm chương trình để mình được ca, được diễn cho thỏa nỗi nhớ nghề”.
Vì muốn được làm nghề đúng nghĩa nên ê-kíp đã xây dựng một chương trình tưởng quen mà lạ. Nghĩa là có thể diễn trích đoạn cũ nhưng diễn viên không đóng vai sở trường mà có sự hoán đổi để thử thách, tự… làm khó mình và tạo cảm giác mới lạ, thích thú cho khán giả. Trong những buổi tập, toàn nghệ sĩ tên tuổi nhưng ai nấy đều ôm cuốn tuồng để... học! Phượng Loan cười “đau khổ”: “Lớn tuổi rồi nên hồi tối thức khuya để học mà sáng nay sao quên tuốt. Ngày nào tập tuồng, mấy bà đều dòm nhau hỏi: Thuộc tuồng chưa? (cười). Cũng căng lắm nhưng vui vì mình được sống trong không khí làm nghề như ngày xưa!”.
Có lẽ vì ai cũng có sự hết lòng như thế, lo lắng cho nghề như thế nên trước đêm diễn nghệ sĩ Phương Hồng Thủy phải nhập viện vì huyết áp tăng cao đến nỗi bác sĩ buộc chị phải nhập viện không thể xuất hiện trong đêm diễn mà chị và các bạn nghề vất vả tập luyện trước đó. Phương Hồng Thủy đã khiến ê-kíp một phen hú hồn, nhưng sự cố đó khiến người ta xúc động với tấm lòng, sự trăn trở, yêu thương nghề của những nghệ sĩ dù tên tuổi của họ đã được định hình.
2. Còn nhớ hơn chục năm trước, người ta cho rằng “thủ phủ cải lương” của thành phố là rạp Hưng Đạo. Khi rạp được đập xây mới, rất nhiều nghệ sĩ cải lương háo hức chờ đợi để được làm nghề trong một nhà hát khang trang, hiện đại. Nhiều nhóm hát xã hội hóa năng động còn tính toán sẽ làm chương trình định kỳ ra sao tại nhà hát.
Thế nhưng khi nhà hát (Trung tâm nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang) hoàn thành đã vấp phải sự phản ứng của người làm nghề vì cho rằng nhà hát không đáp ứng tốt nhất nhu cầu biểu diễn, sáng tạo của nghệ sĩ. Sàn diễn nhỏ hẹp, số lượng ghế ít, hệ thống âm thanh, ánh sáng trục trặc, sân khấu thể nghiệm không đạt yêu cầu…
Nghệ sĩ Kim Tử Long được xem là người năng động trong việc tổ chức các suất hát xã hội hóa, tuy nhiên khi làm sô diễn ở rạp mới anh đã bức xúc: “Số ghế trong rạp giờ chỉ sử dụng được tầng dưới, còn tầng trên lầu do bị vướng lan can nên không thể bán vé được. Vậy là được chưa tới 250 ghế, vé bán trung bình 300 ngàn đồng/vé, tiền thuê rạp 15 triệu đồng/suất, chưa kể tiền tập, chạy chương trình. Ngoài tiền rạp, tôi còn phải chi tiền diễn viên, cảnh trí, màn hình LED, hậu đài... Vậy tiền bán vé sao đủ thu bù chi? Nhà nước đang có chủ trương ủng hộ xã hội hóa trong biểu diễn cải lương, mà giá rạp cao vầy ai làm nổi!”.
Nghệ sĩ phiền lòng nhưng ban giám đốc cũng có những ưu tư của họ. Bởi ở rạp mới, khi mở cửa vận hành là chi phí điện nước đều đội lên rất nhiều so với rạp cũ.
Và vậy là bài toán vẫn còn nhiều khúc mắc, đòi hỏi các nhà quản lý phải giải quyết ổn thỏa nếu không muốn hoạt động biểu diễn cải lương đã khó ngày càng khó hơn. Và khát khao sàn diễn của nghệ sĩ không biết khi nào sẽ thỏa…
Trí Trọng