Đã 3 năm nay, ngày 21-4 trở thành Ngày sách Việt Nam. Đây là ngày sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, như: triển lãm, giới thiệu, trưng bày, giảm giá sách… với hy vọng "giải cứu" văn hóa đọc trong thời đại số hóa với sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội đã và đang tấn công vào từng gia đình.
Đã 3 năm nay, ngày 21-4 trở thành Ngày sách Việt Nam. Đây là ngày sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, như: triển lãm, giới thiệu, trưng bày, giảm giá sách… với hy vọng “giải cứu” văn hóa đọc trong thời đại số hóa với sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội đã và đang tấn công vào từng gia đình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Intenet |
Có thể nói, chưa khi nào các ấn phẩm về sách lại đa dạng và phong phú như hiện nay. Người đọc có thể tìm mua nhiều bộ sách quý được in ấn lại, đẹp mắt, hiện đại. Những tác phẩm nổi tiếng trên thế giới cũng có mặt rất sớm khi được các nhà xuất bản, các doanh nghiệp mua bản quyền xuất bản tại Việt Nam.
Cũng chưa bao giờ việc mua sách lại trở nên dễ dàng như thế, bởi nếu không có thời gian tới các nhà sách, chỉ cần click chuột đặt hàng online, chỉ 24 giờ sau sách đã có mặt ở ngay trong nhà bạn.
Giá sách cũng không phải quá đắt đỏ nếu so với thu nhập ngày càng tăng của người dân, chưa kể là thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi dành cho bạn đọc. Thế nhưng người đọc sách vẫn đang ngày càng ít đi, thậm chí có người lo ngại sách sẽ khó tồn tại trong môi trường số hóa hiện nay?
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng văn hóa đọc đã đến hồi phải cứu vãn, trong đó có cả những nguyên nhân bên ngoài và nguyên nhân bên trong tác động đến nhu cầu văn hóa này.
Về nguyên nhân bên ngoài đã rõ, đó chính là về sự phát triển bùng nổ của internet cùng các thiết bị thông minh; quỹ thời gian của mỗi người ngày càng eo hẹp khiến cho việc tìm kiếm thông tin chủ yếu bằng lướt mạng; sự phát triển rầm rộ của các phương tiện nghe nhìn với đa dạng các chương trình giải trí…
Nguyên nhân bên trong, đó chính là tâm lý ngại đọc sách, sách không còn là người bạn gần gũi, thân thiết để có thể gối đầu giường mỗi ngày.
Ai cũng biết tác dụng của đọc sách đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn con người như thế nào. Thế nhưng không phải ai cũng giữ được thói quen đọc sách và thực sự xem sách như một người bạn. Vậy nên, việc nuôi dưỡng tình yêu sách, xây dựng được nền tảng văn hóa đọc từ môi trường gia đình, nhà trường và ngoài xã hội là rất quan trọng.
Và cũng rất cần thêm những không gian văn hóa đọc với nhiều cuộc giao lưu, trao đổi, bàn luận về sách để những người yêu sách có thể gặp gỡ, trò chuyện về tình yêu sách của mình. Sức hút từ những hoạt động này chắc chắn sẽ tạo nên sự lan tỏa.
Trong bối cảnh người đọc sách, yêu sách đang ngày một ít đi, thật xúc động và trân quý hình ảnh những học sinh ngồi bệt xuống sàn nhà trong siêu thị để đọc sách. Hay ở vùng miền núi xa xôi, sách trở thành người bạn tâm tình được người dân trân quý, giữ gìn, chuyền tay nhau. Hoặc những dòng người, đủ mọi thành phần, lứa tuổi không quản nắng mưa đến với hội sách, đường sách… Vẫn còn những tâm hồn yêu sách, cần sách và biết sắp xếp quỹ thời gian eo hẹp của mình để đọc sách.
Đã bao lâu rồi bạn không mua sách, đọc sách?
Minh Ngọc