Ngày 16-4, tại Thư viện tỉnh Hải Dương, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã có buổi nói chuyện về hình tượng người lính trong văn học, đặc biệt là hình tượng người lính trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngày 16-4, tại Thư viện tỉnh Hải Dương, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã có buổi nói chuyện về hình tượng người lính trong văn học, đặc biệt là hình tượng người lính trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 do Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp với tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 14 đến 18-4.
Tại buổi nói chuyện, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ với học sinh, cán bộ, chiến sĩ và bạn đọc ở tỉnh Hải Dương về xây dựng hình tượng người lính trong văn học. Trong thời gian còn là chiến sĩ nơi đảo Sinh Tồn - một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhà văn, nhà thơ đã được trải nghiệm, tìm hiểu và viết lên bài thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn đã đi vào trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam.
Nhà thơ, nhà văn cũng chia sẻ về cuộc sống của người lính trên đảo, về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Những ngày tháng còn nhiều khó khăn vất vả nhưng những chiến sĩ vẫn vững tay súng, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hình tượng người lính bộ đội Cụ Hồ đã hiện lên trong bài thơ với âm hưởng dạt dào, thương nhớ nhưng cũng rất chủ động, tự tin của một thanh niên phơi phới sức xuân và luôn có ý thức làm chủ cuộc đời. Hình tượng người lính đã được khắc sâu ở nhiều tác phẩm, như: Ghi ở đảo chìm, Chiều Cát Bà, Lính đảo hát tình ca trên đảo, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Thơ tình người lính biển... được nhiều người ưa thích, thuộc lòng, nhất là sau khi được phổ nhạc.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng hình tượng người lính trong thơ văn cho các em học sinh, đặc biệt với hình tượng người lính bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4, Bộ Thông tin - truyền thông cũng trưng bày nhiều tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa khẳng định chủ quyền 2 quần đảo này là của Việt Nam; tổ chức cuộc thi viết thơ, văn và vẽ tranh về biển, đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Tiến Vĩnh