Báo Đồng Nai điện tử
En

Khoảng trống trong hài kịch

11:12, 23/12/2016

Trước đây, hài kịch trên sân khấu truyền hình của miền Bắc khá sôi nổi với chương trình Gặp nhau cuối tuần phát trên kênh truyền hình quốc gia VTV3.

1. Từ cái chết của hài kịch miền Bắc…

Trước đây, hài kịch trên sân khấu truyền hình của miền Bắc khá sôi nổi với chương trình Gặp nhau cuối tuần phát trên kênh truyền hình quốc gia VTV3. Chương trình quy tụ những danh hài nổi tiếng khắp cả nước, như: Phạm Bằng, Giang Còi, Quang Tèo, Công Lý, Quang Thắng, Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung… Ngoài ra, còn xen kẽ thêm vào các chương trình định kỳ, như: Gala cười, Gặp nhau cuối năm thu hút một lượng lớn người xem và hâm mộ trên sóng truyền hình cả nước suốt những năm tháng phát sóng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Khi được hỏi vì sao lại yêu thích chương trình Gặp nhau cuối tuần, rất nhiều độc giả đều đồng quan điểm rằng cách gây cười ở đây rất sâu sắc, những vấn đề đem ra cười rất mang tính thời sự, châm biếm. Đó là cái được, cái hay thật sự của hài kịch miền Bắc.

Nhưng rồi Gặp nhau cuối tuần cuối cùng cũng dừng phát sóng hẳn, Gặp nhau cuối năm thì mỗi năm phát đúng một lần vào đêm giao thừa. Hài kịch miền Bắc không tìm thấy đất diễn để đến với công chúng cả trên truyền hình lẫn các sân khấu. Vì đâu nên nỗi? Vì đâu mà người xem dù tiếc nuối nhưng giờ đây họ rất ít tìm đến kiểu hài kịch châm biếm của những nghệ sĩ hài tâm huyết từng một thời nức danh mang đến cho họ những tràng cười sâu cay không ngớt? 

Câu trả lời trước hết không phải vì chính sách của nhà đài, nhà sản xuất mà phải là từ những người trực tiếp tham gia vào kịch bản hài, diễn xuất… Vì có lẽ họ không nắm được hết nhu cầu thật sự của khán giả đối với một chương trình hài kịch. Hài kịch trên sân khấu hay truyền hình với số đông công chúng là để mang tiếng cười và tiếng cười ấy phải có tính giải trí, một tính giải trí cao độ.

Hài kịch không chỉ có châm biếm, đả kích mới mang lại tiếng cười, mà theo đúng nghĩa phải bao gồm: tính trào phúng, tính châm biếm, đả kích, tạo được kịch tính cao trào để đẩy cái hài tột đỉnh sang cái bi. Có như thế mới dẫn dắt và lôi cuốn người xem một cách mãnh liệt. Nhưng đa số những nghệ sĩ hài đất Bắc chỉ chú trọng khai thác khía cạnh châm biếm mà bỏ quên đi những đặc tính cũng giữ vai trò cốt yếu kia. Thành ra họ dần dần đánh mất khán giả của chính mình, dẫn tới tình trạng “im hơi lặng tiếng“ của hài kịch miền Bắc như hiện nay.

2....đến cái nhảm của hài kịch miền Nam

Trái ngược với tình trạng “cơm hẩm canh thiu” của hài kịch miền Bắc, hiện nay ở miền Nam những gameshow truyền hình về hài kịch đua nhau xuất hiện “như nấm sau mưa”. Chỉ riêng trong năm 2016, có khoảng 40 chương trình hài phủ các sóng truyền hình, như: HTV, THVL… Trong đó, có thể kể đến những chương trình hút khách, như: Hội ngộ danh hài, Cười xuyên Việt, Thách thức danh hài, Làng hài mở hội, Đấu trường tiếu lâm, Tiếu lâm tứ trụ....

Đông đảo về số lượng và phong phú về thể loại, hình thức đã làm cho hài kịch miền Nam chiếm lĩnh những khung giờ vàng của truyền hình. Cùng với đó kéo theo sự xuất hiện càng lúc càng đông đảo của đội ngũ diễn viên hài. Đa tầng lớp, đa lứa tuổi là đặc điểm có thể dùng để mô tả hiện trạng đội ngũ diễn viên hài cả chuyên và không chuyên của làng hài kịch miền Nam.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói thì hài kịch miền Nam đang rơi vào vòng xoáy của cái nhảm. Nhảm ở đây được hiểu trước hết là ở sự dễ dãi của việc tạo ra tiếng cười tức thì, nhưng sau đó tiếng cười ấy trôi tuột đi đâu mất khi vở diễn khép lại. Những thứ như ấn tượng, dư âm, dấu ấn… của vở hài kịch mang lại cho khán giả hầu như không có.

Các vở hài kịch được dựng lên pha một chút bi nửa vời, cười nửa vời rồi lại đâu vào đấy, quên cũng được mà nhớ cũng chẳng mang lại một ý nghĩa nào thật sự rõ ràng. Đó là tình trạng dễ thấy của các chương trình hài kịch hiện nay.

Cái được đồng thời cũng chính là cái mất của hài kịch miền Nam hiện nay là người ta quá chú trọng vào tính giải trí mà phớt lờ đi những tính chất khác cũng thiết yếu và vốn cần phải có của hài kịch.

Chính vì nắm bắt và chú trọng đáp ứng nhu cầu của khán giả mà hài kịch miền Nam rơi vào sự nửa vời của việc tạo ra tiếng cười. Sự nửa vời này được lặp đi lặp lại trong những mô típ thể hiện kéo đến cái nhảm như hiện nay. Nếu lạm dụng hài kịch để phục vụ sự thuần giải trí như hài kịch miền Nam thì trước sau gì cũng dẫn tới việc dần dần những chương trình này đánh mất khán giả của chính mình và làm cho người ta nhầm nghĩ về chức năng đầy đủ vốn có của kịch hài...

Lê Trọng Nhã Anh

 

 

Tin xem nhiều