Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề giáo, nghiệp văn

10:11, 25/11/2016

Rất nhiều nhà văn ở Việt Nam đang hoặc từng đứng trên bục giảng. Nhân dư âm còn lại của ngày 20-11, chúng tôi ghi lại tâm sự nghề và nghiệp của nhà thơ Phạm Hồng Danh, nhà văn Di Li và nhà văn Nguyễn Một.

Rất nhiều nhà văn ở Việt Nam đang hoặc từng đứng trên bục giảng. Nhân dư âm còn lại của ngày 20-11, chúng tôi ghi lại tâm sự nghề và nghiệp của nhà thơ Phạm Hồng Danh, nhà văn Di Li và nhà văn Nguyễn Một.

Nhà thơ Phạm Hồng Danh: Nhà giáo là “người suốt đời tập nói”

Ba tôi muốn tôi thành thầy giáo. Tôi lẩn trốn bằng cách thi vào Khoa Toán Đại học khoa học tự nhiên. Nhưng sau khi ra trường, định mệnh đã chọn tôi làm nghề giáo. Nghề nào cũng có những hào quang và những khoảng lặng đầy bóng tối. Trước năm 1990, nghề giáo vẫn còn thanh cao lắm. Những năm gần đây, nghề giáo đã bị hoen ố vì những “con sâu” trong ngành.

Riêng tôi, tôi may mắn được dạy những học sinh có trí tuệ trên trung bình và đức hạnh cũng tương đối tốt. Do đó, tôi không cảm thấy chua chát vì phải nói những điều mà học sinh của mình không hiểu.

Giáo dục góp một phần quan trọng vào việc mang lại sự hưng thịnh của một quốc gia, nhưng ngành giáo dục còn nhiều lỗ hổng và nhiều “con sâu”. Tâm niệm của tôi là trước khi giáo dục một người trở thành có ích cho xã hội, thì trước hết hãy giáo dục cho họ ý thức đừng trở thành gánh nặng cho đồng loại. Nỗi buồn trong ngành giáo dục hiện nay là có nhiều nhà quản lý giáo dục lại là những rào cản và là những gánh nặng cho đồng nghiệp.

Tình cảm của tôi đối với học sinh và nghề giáo có lẽ được thể hiện phần nào qua bài thơ được viết năm 1985, nhà giáo là Người suốt đời tập nói: “Tôi hiểu gì sau bao năm cầm phấn/ Còn lại gì từ dòng chữ tôi ghi/ Gánh trên vai quê hương nhiều lận đận/ Từ nơi này tôi tiễn các em đi/ Chưa nói hết những điều trong ý nghĩ/ Để lòng mình bao ấm ức mang theo/ Ôm khát vọng cùng đi tìm chân lý/ Hạnh phúc tôi đôi mắt ấy trong veo/ Chưa hiểu hết bảng đen cùng phấn trắng/ Dẫu tuổi đời cứ chồng chất trên vai/ Tôi vẫn sống với niềm vui thầm lặng/ Rơi âm thầm như bụi phấn ban mai/ Trái tim tôi bao lần tự hỏi/ Nỗi niềm nào đành giấu kín thôi em/ Cứ như thể suốt đời tôi tập nói/ Trước học trò và phấn trắng bảng đen”.

Nhà văn Di Li: Dạy học hay viết văn đều tự học không ngừng

Nghề giáo trước hết là một môi trường đặc thù. Người làm việc cần  luyện cho mình tính kiên nhẫn, điềm đạm, khúc triết và thấu hiểu tâm lý vì mỗi học trò là một hoàn cảnh, một tiểu vũ trụ khác nhau. Người dạy học cũng đòi hỏi việc siêng năng tìm kiếm kiến thức mới, tự học không ngừng. Việc này thì cũng tùy thôi, nếu anh cứ chỉ sử dụng kiến thức của 4 năm đại học ra xài đi xài lại cho suốt cuộc đời giảng dạy thì những bài giảng của anh sẽ trở nên nghèo nàn và tẻ nhạt.

Người giáo viên càng nhiều kiến thức thì bài giảng sẽ càng sinh động. Tất cả những điều này đều cần thiết và tương đồng với nghề viết. Nhờ làm nhà giáo, khi vừa đi dạy được vài năm tôi đã cho ra đời tác phẩm Ma học trò nằm trong chùm truyện được giải của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2006. Và sau này dạy môn PR ở đại học được 2 năm thì tôi viết được cuốn Tôi PR cho PR. Đây là cuốn sách chuyên ngành nhưng cũng bán chạy ngang tiểu thuyết Trại hoa đỏ. Tôi viết cuốn này chỉ trong 20 ngày. Nhìn chung, nhờ môi trường dạy học giúp tôi thêm nhiều trải nghiệm thực tế để sáng tác và viết sách.

Nhà văn Nguyễn Một: Nhân vật nhà giáo của tôi luôn… chính diện

Đến hôm nay tôi làm nhiều nghề, nhưng tôi luôn tự hào quãng thời gian dạy học giúp tôi tích lũy vốn sống vô giá của đời mình. Vốn sống đó không chỉ giúp tôi trong công việc khi làm báo và bây giờ là giám đốc truyền thông của một tập đoàn lớn. Không chỉ dùng cho nghề mà quãng thời gian đó đi vào nghiệp của tôi: nghiệp văn.

Học trò thời dạy Trường THCS Xuân Tân (TX.Long Khánh) của nhà văn Nguyễn Một về tặng hoa cho thầy nhân Ngày 20-11.
Học trò thời dạy Trường THCS Xuân Tân (TX.Long Khánh) của nhà văn Nguyễn Một về tặng hoa cho thầy nhân Ngày 20-11.

Nhớ ngày ra trường cái sinh lực tràn trề của tuổi hai mươi cùng với ánh mắt thơ ngây của những học sinh tiểu học dưới chân núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) giúp tôi vượt qua muôn vàn khốn khó của quãng thời gian mà mỗi giáo viên chỉ được 13kg bắp xay và vài đồng bạc còm. Chúng tôi dạy ở lớp, xách đèn bão đi dạy kèm miễn phí cho con em đồng bào dân tộc. Nhờ năng nổ, 3 năm sau tôi được điều về ngôi trường gần thị trấn với vùng đất trù phú cây trái ngút ngàn và được “lên chức” Tổng phụ trách Đội.

Tôi chơi với các em như bạn bè, nhảy múa, đốt lửa trại, trò chơi lớn, thầy trò lấm lem bùn đất, vui nổ trời. Lúc ấy gần 30 tuổi, tôi chưa nghĩ mình viết văn. Khi tổ chức câu chuyện dưới cờ cho các em phát thanh măng non, tôi chợt nghĩ sao mình không viết cho các em đọc? Những truyện ngắn thiếu nhi với bút danh tên con gái đầu - Dạ Thảo Linh ra đời. Sau đó tôi gửi in sách với hàng loạt cuốn viết cho thiếu nhi: Hoa dủ dẻ, Năm đứa trẻ xóm đồi, Long lanh giọt nắng mùa trái chín…

Tôi bước vào nghiệp văn từ nghề dạy học như vậy. Sau này hầu hết trong các truyện ngắn và tiểu thuyết viết cho người lớn của tôi, phần lớn có nhân vật thầy giáo. Họ được tôi lấy mẫu từ bạn bè tôi và một điều rất cực đoan trong tôi - họ luôn là nhân vật chính diện; và nếu có phản diện, thường là các quan chức ngành giáo dục.

Nghề giáo không chỉ giúp vốn sống cho văn học mà nhờ 15 năm dạy học, tôi còn có một tài sản hữu hình là những học trò của mình.

Hoàng Nhân (ghi)

Tin xem nhiều
Khám phá mbti là gì