Một buổi sáng sớm cuối tháng 11-2006, trong căn nhà ở phường Bửu Long (TP. Biên Hòa) nằm sát bờ sông Đồng Nai, tôi được nghe ông Tư Tiến (tên thật là Nguyễn Văn Bân) kể về kỷ niệm ở Chiến khu Đ, gắn với tuổi thơ cơ cực và một thời chống Mỹ hào hùng. Không ít lần tôi thấy giọng nói của ông như nghẹn lại tràn đầy xúc động, đôi mắt ngấn lệ khi nhắc đến bạn bè, đồng đội cùng thời ở Chiến khu Đ với mình nay không còn nữa...
Một buổi sáng sớm cuối tháng 11-2006, trong căn nhà ở phường Bửu Long (TP. Biên Hòa) nằm sát bờ sông Đồng Nai, tôi được nghe ông Tư Tiến (tên thật là Nguyễn Văn Bân) kể về kỷ niệm ở Chiến khu Đ, gắn với tuổi thơ cơ cực và một thời chống Mỹ hào hùng. Không ít lần tôi thấy giọng nói của ông như nghẹn lại tràn đầy xúc động, đôi mắt ngấn lệ khi nhắc đến bạn bè, đồng đội cùng thời ở Chiến khu Đ với mình nay không còn nữa...
* Chiến khu Đ là nhà
Ông Tư Tiến kể: "Gia đình tôi đã mấy đời sinh sống ở làng Mỹ Lộc. Tôi còn nhớ hồi đó gia đình ông Huỳnh Văn Nghệ ở đầu làng, còn nhà ông bà tôi ở giữa làng. Hồi ấy, Chiến khu Đ là rừng già âm u có nhiều tầng cây cổ thụ to đến nỗi cỡ vài người ôm không xuể. Hầu hết các gia đình sống trong vùng rừng già này đều là nông dân nghèo khó, phần đông thất học nhưng lại có nghĩa khí và giàu lòng yêu nước. Từ thời chống Pháp cho đến thời đánh Mỹ, người dân các làng thuộc vùng Chiến khu Đ đều bám đất, bám rừng theo cách mạng. Tôi sinh ra và lớn lên ở Chiến khu Đ và thoát ly tham gia cách mạng cũng tại khu rừng già này".
Là người con của rừng Chiến khu Đ nên hầu như con suối nào, con đường rừng nào Tư Tiến cũng thuộc như trong lòng bàn tay. Chiến khu Đ đã để lại trong ký ức ông rất nhiều kỷ niệm buồn vui, từ những năm tháng tuổi thơ cho đến khi cầm súng đánh Mỹ. Mới 6-7 tuổi, Tư Tiến đã được tin dữ là ông nội bị cọp 3 móng vồ cắn đứt mất tay phải và chết vì máu ra quá nhiều. Năm lên 10 tuổi, Tư Tiến đã phải chứng kiến một cảnh tượng bi thảm, đó là cha và 5 người bà con khác bị Tây bố bắn chết trong một cái chòi ở Giáp Lạc (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). 6 người chết được bó bằng cái đệm lúa rách được chôn liền kề. Tuổi thơ cơ cực, không học hành, bữa no bữa đói, lớn lên nhờ sự đùm bọc của người thân.
Nhưng cũng chính tại khu rừng Chiến khu Đ này, Tư Tiến lại có may mắn hơn so với nhiều người khác khi ông là một trong những nhân chứng lịch sử của Khu ủy miền Đông thời đánh Mỹ. Ông cho biết: "Năm 1959, tôi 17 tuổi chính thức thoát ly, làm giao liên. Giữa năm 1960, trong dịp đưa một cán bộ về Khu ủy miền Đông, lúc đó mới thành lập đóng tại Suối Linh, tôi được giữ lại công tác ở đội bảo vệ Văn phòng Khu ủy miền Đông. Và cuộc đời tôi gắn bó với Khu ủy miền Đông từ đó". Lúc đầu Tư Tiến chỉ làm bảo vệ vòng ngoài, sau khi được đi học khóa huấn luyện 6 tháng ở Ban An ninh miền Đông, ông được phân công làm cận vệ cho các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, có khi là đồng chí Nguyễn Văn Chí (Sáu Ép), Phó bí thư Khu ủy; có lúc là đồng chí Mai Chí Thọ (Tám Cao), Bí thư Khu ủy... Ông Tư Tiến kể: "Lúc đầu mới thành lập, Văn phòng Khu ủy miền Đông đóng ở khu vực Đá Dựng, gần giữa suối Linh chỉ có ít người thôi. Có lần mấy anh em trong văn phòng đang đánh bóng chuyền thì bị máy bay trinh sát phát hiện và báo cho máy bay đến thả bom nhưng rất may không ai bị thương. Sau đó, cơ quan lãnh đạo Khu ủy miền Đông mới di dời đến ngọn suối Linh và bắt đầu đào địa đạo chuẩn bị cho cuộc đánh Mỹ lâu dài, đó là năm 1961. Tôi là một trong những người đã trực tiếp tham gia đào địa đạo này".
Để có được địa đạo suối Linh, anh em phải đào cật lực ròng rã trong vòng gần 3 năm trời. Đất vùng này có nhiều sỏi nên rất cứng. Mùa nắng mỗi lần bổ cuốc xuống mặt đất thấy nháng lửa. Mỗi ngày đào không được bao nhiêu. Mỗi sáng trước khi xuống hầm đào tiếp thì phải đổ nước sôi hoặc dùng cây lớn thụt xuống thụt lên cho thoáng khí. Làm như vậy mà vẫn có người vừa mới chui xuống hầm đã ngất xỉu. Chiến khu Đ nhiều gian khổ, ác liệt. Không chỉ thường xuyên phải đề cao cảnh giác phòng chống bọn thám báo, biệt kích địch mà còn phải chống chọi với cả việc thiếu thốn lương thực, thực phẩm, thuốc men. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ thuộc Khu ủy miền Đông đều phải trải qua nhiều lần đói ăn mờ cả mắt. Đi đào củ mài, củ chụp về luộc ăn thay gạo là chuyện bình thường. Vào mùa mưa, măng tre lồ ô ở rừng Chiến khu Đ mọc lên rất nhiều. Không có gạo, nhiều khi anh em phải luộc măng chấm muối ăn thay cơm nhưng khốn khổ khi bụng đói cồn cào thì ăn măng luộc vào phải ói ra mật xanh. Ông Tư Tiến nhớ lại: "Vào những ngày đói kém là tôi lại nai nịt súng đạn vào rừng sâu tìm thú bắn đem về cho đơn vị ăn. Tôi nổi tiếng là "sát thủ" của rừng Chiến khu Đ vì bắn khá giỏi và đã hạ nhiều con voi rừng cứu đói cho đơn vị".
* Người trung đội trưởng cận vệ kiên cường
Từ một cận vệ lãnh đạo Khu ủy miền Đông, đến năm 1967 Khu ủy giải thể để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, Tư Tiến đã là Trung đội trưởng đội bảo vệ cho Bộ chỉ huy tiền phương phía Đông Nam (T7), khi ấy đơn vị di chuyển về khu vực sông Cả, đồi Dâu (huyện Cẩm Mỹ), có khi bị địch truy lùng ráo riết phải rút về Gia Ui, Trảng Táo (Xuân Lộc) . Ông Tư Tiến bùi ngùi kể: "Những tháng năm đó thật là khốc liệt. Không chỉ đói ăn, thiếu thuốc mà luôn phải đối đầu với các nguy hiểm rình rập. Trên đầu nào là trực thăng quần và máy bay thả bom như rải thảm. Dưới mặt đất là pháo bầy cấp tập và bọn biệt kích săn lùng. Trung đội nhiều phen phải chiến đấu ác liệt để bảo vệ các đồng chí lãnh đạo. Anh em bị hy sinh, bị thương vì bom đạn và phục kích của địch cũng khá nhiều. Đau đớn nhất là vào khoảng tháng 10 năm 1969, trung đội cử 1 tiểu đội đi bảo vệ đồng chí Năm Kiệm (tức Nguyễn Văn Trị, Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa). Ban đêm cắt rừng băng lộ 3 từ Gia Ray về Trảng Táo không may đã lọt vào ổ phục kích của địch. Chúng gọi máy bay đến thả bom. Cả tiểu đội cùng đồng chí Năm Kiệm đều hy sinh. Nhận được hung tin này, tôi bần thần và buồn bã mấy ngày liền..."
Cuộc đời của chàng trai rừng Chiến khu Đ còn trải qua nhiều gian khổ, nguy hiểm, như lần trực tiếp bảo vệ đồng chí Hai Lực về Trung ương Cục, từ Đồng Nai phải cắt rừng đi ròng rã 6 tháng mới về tới Tây Ninh và qua tỉnh Kratie của Campuchia. Về tới đây, ông Tư Tiến được phân công cận vệ trực tiếp cho đồng chí Trần Nam Trung, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1972, bảo vệ đồng chí Trần Nam Trung về Chiến khu Đ, rồi lại quay trở về Trung ương Cục. Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, anh Tư Tiến thuộc biên chế Tiểu đoàn an ninh vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam, đơn vị trực tiếp bảo vệ đồng chí Phạm Hùng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau giải phóng, ông Tư Tiến được phong quân hàm Thượng úy và được điều về làm Phó phòng cảnh sát bảo vệ (Công an Đồng Nai) vào năm 1976. Đến năm 1982, ông chuyển ngành về làm hiệu trưởng Trường công nhân kỹ thuật GTVT Đồng Nai cho tới khi về hưu cách đây 5 năm.
Một cuộc đời gian khổ và oanh liệt đã qua đi. Trở về cuộc sống đời thường, ông Tư Tiến cảm thấy thật thảnh thơi, nhẹ nhàng. Rảnh rỗi mỗi sáng ông cùng bạn bè rủ nhau đi câu. Tưởng chừng như quá khứ đã bỏ lại sau lưng. Nhưng mỗi khi có ai đó hỏi về những năm tháng sống và chiến đấu ở Chiến khu Đ đều gây cho một sự bồi hồi xúc động. Ông nói "Chiến khu Đ là cuộc đời của tôi từ khi sinh ra cho tới trưởng thành. Tôi hãnh diện là người đã có mặt ở Khu ủy miền Đông ngay từ năm đầu mới thành lập tại Chiến khu Đ vào thời đánh Mỹ oanh liệt và hào hùng. Thế hệ những chiến sĩ bảo vệ Khu ủy miền Đông ngày ấy nay còn sống chỉ được dăm người. Chúng tôi rất tự hào là bất kỳ trong hoàn cảnh nào, dù có phải vượt qua thử thách ác liệt của bom đạn quân thù và dù có phải lấy thân mình hứng chịu bom đạn để bảo vệ các đồng chí lãnh đạo và chấp nhận hy sinh, chúng tôi vẫn sẵn sàng đón nhận để hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao".
Xuân Phú