Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người 'giữ lửa' hát xẩm ở Biên Hòa

Ly Na
09:00, 21/09/2024

Một trong những loại hình nghệ thuật mà ít ai ở vùng đất phương Nam có dịp thưởng thức trực tiếp tại các sân khấu là nghệ thuật hát xẩm.

Cụ ông Trần Vĩnh Long cùng các thành viên trong Câu lạc bộ Dân ca truyền thống phường Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa) biểu diễn hát xẩm. Ảnh: L.Na

Tuy nhiên, nghệ thuật hát xẩm đã và đang được duy trì hơn 20 năm qua trên địa bàn phường Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa) bằng tình yêu, đam mê giữ lửa từ các nghệ sĩ không chuyên.

Đánh thức “xẩm”

Tại Nhà văn hóa khu phố 3, phường Long Bình Tân, các buổi tối và những ngày cuối tuần luôn rộn ràng. Đây là nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm văn nghệ, thể thao trong khu phố, trong đó có CLB dân ca truyền thống - CLB duy nhất trên địa bàn thành phố Biên Hòa lưu giữ loại hình nghệ thuật hát xẩm.

Người tâm huyết với nghệ thuật hát xẩm và truyền dạy loại hình nghệ thuật này ở vùng đất Biên Hòa là cụ ông Trần Vĩnh Long (82 tuổi). Cụ Long sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thái Bình. Vì yêu ca hát và đam mê nghệ thuật, năm 1990, cụ Long đã tìm kiếm những ai yêu thích nghệ thuật thành lập một nhóm, sau đó thành lập CLB dân ca truyền thống, truyền dạy các loại hình nghệ thuật: hát xẩm, chèo, hát chầu văn, quan họ… Từ gần 10 thành viên, CLB hiện đã có hơn 30 người, thường xuyên tổ chức tập luyện, tham gia giao lưu, biểu diễn trong và ngoài tỉnh.

Cụ Long cho biết, hát xẩm là môn nghệ thuật được các thành viên của CLB yêu thích, bởi rất dân dã, gắn liền với đời sống thường ngày của người lao động. Để phục vụ cho hát xẩm các làn điệu xẩm như: xẩm chợ, xẩm nhà trò, xẩm xoan, xẩm thập ân…, cụ Long đã tự trang bị bộ nhạc cụ, xây dựng những điệu xẩm để các thành viên trong CLB cùng sử dụng.

“Đặc điểm nổi bật của xẩm là gắn liền với hình ảnh của người dân nghèo khổ, người khiếm thị. Thời xưa, chúng tôi hát xẩm về cải cách ruộng đất, hát về cha mẹ; thời nay, xẩm được làm mới hơn, sáng tạo thêm nhiều làn điệu về xây dựng quê hương, xẩm về văn hóa giao thông... Khi lên sân khấu, chỉ cần một người vừa kéo đàn vừa hát, một người đánh trống và một người gõ nhịp là có thể biểu diễn” - cụ Long nói.

Cũng theo cụ Long, trước những năm 2000, cụ Long đã tích cực tham gia giảng dạy bộ môn Thẩm âm tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Nhiều thế hệ học trò của cụ ở Biên Hòa đã được truyền dạy hát xẩm, hát chèo, dân ca quan họ. Nhiều nghệ sĩ ra nghề, hoạt động sôi nổi, thành danh trên các sân khấu nghệ thuật cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên ở trong và ngoài tỉnh.

Cụ Long chia sẻ: “Bằng phương thức truyền khẩu, giảng dạy trực tiếp, các thành viên CLB Dân ca truyền thống phường Long Bình Tân có thể hát những điệu xẩm cổ đến những làn điệu mới. Mỗi lần biểu diễn là một lần hát xẩm được đưa đến gần hơn với công chúng, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật trong đời sống hiện đại”.

Cụ ông TRẦN VĨNH LONG, CLB Dân ca truyền thống phường Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa), cho biết: “Hát xẩm là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2022. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, hát xẩm còn là loại hình âm nhạc mang đậm tính nhân văn, giáo dục về đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp nhân dân”.

Gìn giữ và phát huy hát xẩm trong đời sống

Một trong những người vào vai nghệ nhân Hà Thị Cầu, hát xẩm trong CLB Dân ca truyền thống phường Long Bình Tân là bà Trần Thị Sáu (53 tuổi). Bà Sáu quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, vào Biên Hòa cuối năm 1994 và làm công nhân tại Công ty CP TKG Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2). Hơn 2 năm nay, bà Sáu được cụ Long hướng dẫn học đàn, hát xẩm, thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ của địa phương và thành phố Biên Hòa, đoạt các giải cao.

Bà Sáu cho hay, từ khi còn rất nhỏ, bà đã nghe hát xẩm. Vào Đồng Nai lập nghiệp, bà may mắn gặp được “thầy Long” truyền dạy, giúp bà nắm được các bài bản của xẩm, có thể tự tin biểu diễn. Mỗi lần đi diễn, bà thường ghi âm, ghi hình các tiết mục, đồng thời phát trực tuyến trên mạng xã hội, tương tác với bạn bè và người thân. Nhờ vậy, lượng khán giả biết đến hát xẩm ở Biên Hòa và hưởng ứng các buổi biểu diễn xẩm của CLB ngày càng nhiều hơn.

Theo bà Trương Thị Hồng, Chủ nhiệm CLB Dân ca truyền thống, từ năm 2022, cụ Long do tuổi cao đã bàn giao lại vai trò Chủ nhiệm CLB nhưng cụ vẫn rất tích cực tham gia mọi hoạt động. Trên các sân khấu, mỗi lần CLB mang hát xẩm đi biểu diễn, giao lưu là mỗi lần khán giả im phăng phắc lắng nghe, vỗ tay cổ vũ. Đó không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của những người con đất Bắc giữ lửa nghệ thuật ở phương Nam, mà còn là nguồn động lực to lớn để CLB tiếp tục gầy dựng phong trào và trao truyền giá trị văn hóa.

Nói về hát xẩm ở địa phương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Long Bình Tân Hồ Đình Hồng cho biết: “Nhiều năm qua, CLB Dân ca truyền thống ở khu phố 3 đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy và lan tỏa nghệ thuật hát xẩm ở Biên Hòa. Trong đó, CLB chú trọng việc truyền dạy hát xẩm cho những người đam mê nghệ thuật, nhất là người trẻ, tích cực tham gia các sân chơi, giao lưu văn nghệ… CLB đã sáng tạo, thổi vào xẩm hơi thở thời đại để xẩm gần gũi, dễ tiếp thu hơn”.

Ly Na

Tin xem nhiều