Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa văn hóa trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển

Ly Na
08:00, 27/08/2024

Trải qua 79 năm xây dựng và phát triển, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, làm tròn sứ mệnh xung kích trên mặt trận văn hóa.

Phong trào tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng. Ảnh: L.Na

Lớp lớp thế hệ người làm công tác văn hóa ở Đồng Nai đã và đang chung sức xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, đưa văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện và bền vững.

Quan tâm đầu tư, phát triển văn hóa

Giám đốc Sở VHTTDL Lê Thị Ngọc Loan cho biết, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đồng Nai đã thành lập Ty Văn hóa thông tin và Ty Thể dục thể thao. Hai ty này đi vào hoạt động với mục tiêu vận động cán bộ, nhân dân xây dựng nền văn hóa mới, đưa thông tin và sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; vận động hưởng ứng phong trào khỏe để phụng sự Tổ quốc. Có thời điểm, 2 ty đã nhập lại, rồi tách ra thành 2 sở; đến năm 2008 trở thành Sở VHTTDL.

“Với việc tổ chức đa dạng, phong phú các hoạt động, phát huy sức mạnh của quần chúng trên lĩnh vực văn hóa, thông tin, văn nghệ, thể dục thể thao…, ngành VHTTDL đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân. Cũng từ các hoạt động của ngành đã kích thích và tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân sáng tạo thêm nhiều giá trị văn hóa mới” - bà Loan cho hay.

Không chỉ là trung tâm phát triển kinh tế mà nhiều năm qua Đồng Nai còn chú trọng đầu tư, phát triển văn hóa. Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững và Kế hoạch số 80-KH/UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết 12 đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, từng bước nâng mức đầu tư cho văn hóa đạt 3,5% tổng chi ngân sách; đến năm 2030 nâng mức chi tối thiểu cho văn hóa đạt 4%.

Cùng với huy động các nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, bến tàu gắn với khu, điểm du lịch và sản phẩm du lịch, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh được đầu tư, cải tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, với hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông và 71 di tích xếp hạng, Đồng Nai đã triển khai nhiều đề án, chương trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Trong đó, giai đoạn 2024-2028, sẽ có nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo với nguồn kinh phí hơn 331 tỷ đồng (vốn đầu tư công 146 tỷ đồng; nguồn sự nghiệp 84,5 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa 101 tỷ đồng).

Công tác xây dựng gia đình, tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống gia đình giai đoạn 2020-2025 được ngành văn hóa quan tâm, với mục tiêu từng bước ổn định, củng cố và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Đến nay, công tác gia đình đã có sự chuyển biến rõ nét, các cấp ủy Đảng và chính quyền, các sở, ban, ngành nhận thức được tầm quan trọng của công tác gia đình. Nhiều đề án, chương trình, kế hoạch hành động được ban hành và phát huy hiệu quả. Đời sống về tinh thần của người dân được quan tâm, có nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích thường xuyên được tổ chức.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong tuyên cáo của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bộ Thông tin - tuyên truyền (nay là Bộ VHTTDL) đã được thành lập. Từ đó đến nay, ngày 28-8 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành VHTTDL.

Góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân

Với quan điểm nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo ra các giá trị văn hóa nhưng đồng thời cũng là chủ thể hưởng thụ những giá trị văn hóa đó, trong tất cả các hoạt động của ngành VHTTDL tổ chức thời gian qua đều hướng đến người dân. Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến đời sống văn hóa của công nhân lao động và người dân vùng nông thôn. Các hoạt động văn hóa, thể thao bám sát thực tiễn, gần gũi, thiết thực và được nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình.

Cũng theo Giám đốc Sở VHTTDL Lê Thị Ngọc Loan, ngành VHTTDL đang tập trung chỉ đạo cho các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở xây dựng các chương trình để phục vụ riêng cho 2 đối tượng này. Những chương trình đó luôn gắn với thời gian, địa điểm, điều kiện sinh hoạt, phù hợp với đặc điểm tâm lý của công nhân, người dân ở cơ sở, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân.

Trưởng phòng Văn hóa, thông tin thành phố Biên Hòa Võ Thị Huỳnh Mai cho hay, trong năm 2024, địa phương triển khai nhiều hoạt động văn hóa phục vụ nhân dân. Tại các công viên: Biên Hùng, Nguyễn Văn Trị, Dương Tử Giang được đầu tư, đồng loạt tổ chức các chương trình nghệ thuật, hội thi, hội sách, sân chơi thể thao… với sự tham gia của đông đảo người dân. Thành phố đã có kế hoạch thực hiện Đề án Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai; thực hiện Festival Sách 2024; xây dựng không gian văn hóa ẩm thực Biên Hòa tại đường Phan Trung…

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, hiện ngành VHTTDL tại 11 huyện, thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, các hoạt động khoa học, xã hội; đồng thời, đề cao giá trị đạo đức truyền thống, kế thừa, phát huy tinh hoa văn hóa nhằm chung sức xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ly Na

Tin xem nhiều