Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Ly Na
08:27, 30/08/2024

Công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã và đang được các cấp, ngành, địa phương và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Các em học sinh trên địa bàn huyện Thống Nhất giao lưu, tìm hiểu về phòng, chống đuối nước và bạo lực học đường năm 2024. Ảnh: CTV

 

Đã có nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa được thực hiện như: tổ chức các sân chơi cho trẻ; phòng, chống tai nạn thương tích và bạo hành, xâm hại trẻ; xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ trẻ em...

Nhiều hoạt động thiết thực

Từ đầu tháng 6 đến nay, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai đã tổ chức một chuỗi các hoạt động phục vụ cho đối tượng thanh, thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý là Hội thi Giai điệu tuổi hồng tỉnh Đồng Nai năm 2024; Triển lãm Trẻ em - những mầm non tương lai của đất nước; Giao lưu Phòng, chống đuối nước với chủ đề: Hè an toàn ngập tràn niềm vui; Giao lưu Phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em tại các trường học; hướng dẫn nghiệp vụ hè kỹ năng giao tiếp, dẫn chương trình, các động tác múa cơ bản, tập hát các ca khúc sinh hoạt tập thể cho học sinh.

Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai Cao Thép chia sẻ: “Bên cạnh các hoạt động triển lãm, tập huấn, giao lưu, trung tâm đặc biệt chú trọng biểu diễn văn nghệ và chiếu phim lưu động phục vụ trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những hoạt động đã và đang phát huy hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em”.

Theo Phó chủ tịch UBND phường Bửu Long (thành phố Biên Hòa) Lê Thị Thu Hiền, xác định phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống xâm hại trẻ em là trách nhiệm chung, hàng năm, phường Bửu Long đã triển khai nhiều hoạt động cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thành lập và duy trì nhiều mô hình như: Gia đình nuôi dạy con ngoan, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc; tổ chức hoạt động giao lưu, các sân chơi cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn… Các hoạt động được nhân dân ở địa phương hưởng ứng tích cực.

Nhiều năm qua, Công an tỉnh phối hợp với Sở Lao động, thương binh và xã hội và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch về tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực, ngược đãi trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra sông, suối, ao hồ, hố nước công trình, hỗ trợ trẻ em bị tai nạn thương tích; tổ chức tập huấn hướng dẫn phổ cập bơi và phương pháp cứu hộ đuối nước nhằm giảm thiểu tỷ lệ đuối nước ở các địa phương.

Toàn tỉnh hiện có trên 90% các ấp, khu phố bố trí cộng tác viên làm công tác dân số kiêm gia đình và trẻ em theo đúng quy định. Ngoài ra, UBND các xã, phường, thị trấn đều có ban điều hành bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Tạo không gian vui chơi, sinh hoạt cho trẻ

Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em những năm qua đã ghi nhận nhiều chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, chăm sóc trẻ em là câu chuyện dài, còn nhiều thách thức, trong đó có vấn đề thiết chế văn hóa cho trẻ em còn thiếu... chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ. Một số nơi có không gian công cộng, nơi vui chơi miễn phí cho trẻ em chưa được đầu tư bài bản, thiếu trang thiết bị, thiếu nhân sự tổ chức sự kiện. Những nơi có khu vui chơi do tư nhân đầu tư thì vé vào cổng không “mềm” so với số đông gia đình và trẻ em.

Triển lãm Trẻ em - những mầm non tương lai của đất nước năm 2024 do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai thực hiện tại công viên Biên Hùng.

“Để tháo gỡ vấn đề, ngành văn hóa đã có nhiều văn bản hướng dẫn và đưa nội dung tổ chức các hoạt động phục vụ trẻ em vào đánh giá chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa tại cơ sở. Các em có thể tiếp cận các thiết chế tại nơi mình sinh sống để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp và an toàn” - bà Mộng Bình chia sẻ.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Mộng Bình, trong thời gian tới, ngành văn hóa tiếp tục chỉ đạo các thiết chế văn hóa, thể thao tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, tham gia các hoạt động phù hợp lứa tuổi, sở thích. Hệ thống thư viện tăng cường công tác bổ sung nguồn tài nguyên thông tin, đẩy mạnh luân chuyển tài liệu về cơ sở phục vụ người dân; củng cố cơ sở hạ tầng, mạng lưới thư viện; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức tổ chức các hoạt động, phù hợp với đối tượng ở từng địa phương. Ngoài ra, từng bước xã hội hóa các điểm vui chơi tư nhân để thu hút nhiều hơn số trẻ em được tham gia.

Bà Nguyễn Thị Mộng Bình nhấn mạnh: “Để làm được điều đó, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, còn cần đến sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng với những giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Những đầu việc là không ít. Bởi vậy, các địa phương bằng từng việc làm cụ thể, kịp thời và có sự phối hợp, quan tâm, bảo đảm đầy đủ cơ sở, địa điểm sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể dục thể thao cho trẻ em tại cộng đồng, mang lại niềm vui thiết thực cho trẻ, vun đắp nền tảng văn hóa cộng đồng bền vững”.

Ly Na

Tin xem nhiều