Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Sayangva

Ly Na
09:00, 16/07/2024

Năm 2024, Đồng Nai xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh Lễ hội Sayangva (cúng thần lúa) của người Chơro vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng bào Chơro ở thành phố Long Khánh biểu diễn cồng chiêng trong Lễ hội Sayangva. Ảnh: Phương Hiền
Đồng bào Chơro ở thành phố Long Khánh biểu diễn cồng chiêng trong Lễ hội Sayangva. Ảnh: Phương Hiền

Việc này không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội mà qua đó nâng tầm giá trị, tăng sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với Đồng Nai.

Đồng bào Chơro gìn giữ bản sắc văn hóa

Sayangva là lễ hội truyền thống quan trọng và đặc sắc nhất của người Chơro ở Đồng Nai. Lễ hội thường được tổ chức vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm, với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã mang đến mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu cho năm mới được mạnh khỏe, ấm no. Hiện nay, lễ hội đang được cộng đồng ở một số địa phương trên địa bàn thành phố Long Khánh và các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Vĩnh Cửu, Long Thành, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc tổ chức thường niên.

Huyện Vĩnh Cửu hội tụ 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên những màu sắc văn hóa độc đáo, phong phú. Trong đó, đồng bào Chơro có hơn 210 hộ với gần 1 ngàn nhân khẩu sinh sống tập trung tại ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý. Cộng đồng người Chơro ở Lý Lịch đã trải qua nhiều biến động lớn gắn liền với những thăng trầm của lịch sử. Mặc dù cuộc sống của đồng bào đã có nhiều biến đổi nhất định trong những thập niên qua nhưng người Chơro ở Lý Lịch vẫn bảo lưu được nhiều yếu tố truyền thống trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, lối sống của cộng đồng.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Dung, những năm qua, địa phương chú trọng sưu tầm, bảo tồn lễ hội truyền thống của đồng bào Chơro. Định kỳ hàng năm tổ chức tốt Lễ hội Sayangva, sôi nổi cả phần lễ và phần hội, tạo nên phong trào sôi nổi trong vùng đồng bào dân tộc. Đặc biệt, địa phương đã lập thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư Dự án Bảo tồn ấp văn hóa truyền thống dân tộc Chơro xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) tạo nguồn lực phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

“Việc đầu tư bảo tồn ấp văn hóa Lý Lịch 1 có ý nghĩa tạo động lực mới trong xây dựng và phát triển nông thôn mới ở địa phương, phát triển hài hòa kinh tế và văn hóa, giúp cho người Chơro ở Lý Lịch 1 bảo tồn được bản sắc văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần bảo vệ môi trường” - bà Dung cho hay.

Theo người uy tín Đào Văn Minh (ngụ xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ), người Chơro ở địa phương trước đây gặp nhiều khó khăn nên bà con phải lo kiếm cái ăn, cái mặc trước khi nghĩ đến văn hóa truyền thống. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống của đồng bào đang dần đi lên. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chơro được phục hồi và từng bước phát huy như: duy trì sinh hoạt đội cồng chiêng; trao tặng bộ cồng chiêng mới để bà con tập luyện, hướng dẫn cho những người trẻ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Không chỉ tổ chức trong khuôn khổ của đồng bào Chơro, Lễ hội Sayangva tại các xã: Bàu Trâm, Bảo Quang (thành phố Long Khánh); Xuân Phú (huyện Xuân Lộc); Túc Trưng (huyện Định Quán)… còn kết nối với các trường đại học, cao đẳng trong và tỉnh, thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Một số địa phương kết nối, đưa hoạt động biểu diễn cồng chiêng, múa dân gian vào phục vụ du khách khi đến tham quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Bà THỊ NHẠN (ngụ ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh) chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi lễ hội được tổ chức hàng năm tại địa phương. Ngoài việc chuẩn bị đồ lễ, chúng tôi còn tham gia các chương trình văn nghệ, thể thao trong lễ hội. Bà con vui mừng và tự hào khi gìn giữ, lan tỏa được lễ hội truyền thống của cha ông”.

Cần thiết xây dựng hồ sơ đề nghị

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, thạc sĩ Trần Quang Toại cho biết, xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh Lễ hội Sayangva của người Chơro ở Đồng Nai vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất cần thiết. Việc xây dựng hồ sơ là cơ sở giúp cho cộng đồng dân tộc Chơro bảo tồn và thực hành lễ hội truyền thống của dân tộc.

“Đồng Nai có đông đồng bào Chơro sinh sống. Cùng với tổ chức Lễ hội Sayangva trong vùng đồng bào Chơro, tôi cho rằng, Đồng Nai nên tổ chức Lễ hội Sayangva “mẫu” ở các trường dân tộc nội trú. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm, di sản văn hóa phi vật thể với nghề làm rượu cần và những bài thuốc dân gian của người Chơro. Đây là những di sản quý, cần được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau” - ông Toại nói.

Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt cho hay, Đồng Nai lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chậm hơn so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Với việc lập hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh Lễ hội Sayangva, cần thống nhất tên gọi của lễ hội; làm rõ hơn nghi lễ rước thần lúa cũng như bổ sung các hình ảnh để phim tư liệu được hoàn chỉnh hơn.

Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch về Lễ hội Sayangva vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh cần xác định sau khi được công nhận lễ hội sẽ được bảo tồn và phát huy như thế nào, bởi đích đến cuối cùng là nhân dân, là cộng đồng. Nhân dân là đối tượng thụ hưởng các giá trị của di sản văn hóa.

Ly Na

Tin xem nhiều