Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật.
Một tiết mục văn nghệ chủ đề về Bác Hồ do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn, phục vụ các tầng lớp nhân dân. Ảnh: Ly Na |
Tại Đồng Nai, đã có hàng trăm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật (VHNT) về hình tượng Bác Hồ ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Tất cả tác phẩm ấy ra đời đều xuất phát từ tấm lòng, tình cảm kính yêu của văn nghệ sĩ đối với Người.
* Sáng tác về Bác bằng tình cảm sâu đậm
Đối với nhạc sĩ Lệ Hằng, Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, hình tượng Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng để chị viết nên những ca khúc bằng tất cả tâm huyết và lòng kính yêu Bác. Đến nay, chị đã có 4 nhạc phẩm viết về Bác được dàn dựng, ghi hình, phổ biến rộng rãi và 2 bài hát đang trong quá trình hoàn thiện. Đặc biệt, 2 nhạc phẩm về Bác là Sáng mãi tên Người và Tiếp bước theo Người của chị tham gia các cuộc thi của trung ương, địa phương đã đoạt các giải cao.
Nhạc sĩ Lệ Hằng chia sẻ: “Tôi nhớ, có một lần trong đêm muộn, tôi ngồi xem trên Đài Truyền hình Việt Nam phóng sự tài liệu về Bác, đó là lúc trời đang mưa. Hình ảnh Bác rất gần gũi, chân thực khiến tôi cảm thấy Bác như là người cha kính yêu của mình. Từ cảm xúc đó, tôi kết hợp giai điệu, ca từ cho ra đời nhạc phẩm Sáng mãi tên Người”.
Tác giả Hạnh Vân (Ban Văn học, Hội VHNT Đồng Nai) cho biết, chị rất thích tìm đọc các tác phẩm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những mẩu chuyện nho nhỏ về Bác đã giúp chị hiểu và cảm phục hơn về tài năng, đức độ và sự hy sinh cao cả của Người. Tuy nhiên, với chị, việc tìm những tứ thơ hay và không trùng lắp không phải là điều dễ dàng. Dù vậy, khi tình cảm tự nhiên lắng đọng, tình cảm ấy sẽ bật ra thành những câu thơ bay bổng mà chân thành, thân thương gần gũi.
Những sáng tác về đề tài Bác Hồ của văn nghệ sĩ Đồng Nai đã và đang góp phần bồi đắp, xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Đó vừa là ý thức, trách nhiệm công dân, vừa là tình cảm, lòng thành kính và sự tri ân của mỗi văn nghệ sĩ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Biên soạn nhiều cuốn sách như: Từ điển Danh ngôn Hồ Chí Minh; Từ điển Hồ Chí Minh sử dụng thành ngữ trong các bài báo; Sổ tay bút danh Hồ Chí Minh; Trong tình thương của Bác…, với tác giả Hà Lam Danh (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) đó là đam mê. Những đức tính cao đẹp của Bác luôn là động lực, thổi bùng ngọn lửa cảm hứng để ông lên ý tưởng, nghiên cứu và hoàn thiện tác phẩm. Từ đó, lan tỏa cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cộng đồng.
Trên lĩnh vực mỹ thuật, hình tượng Bác Hồ cũng được các họa sĩ Đồng Nai sáng tác bằng tình cảm sâu đậm. Trong “gia tài” sáng tác của mình, họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng (Ban Mỹ thuật, Hội VHNT Đồng Nai) có gần 100 tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ yếu là tượng, tranh chân dung Bác qua các thời kỳ lịch sử.
Họa sĩ Phạm Thanh Sinh (Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai) đã vẽ hàng trăm tranh cổ động, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị. Phần lớn tranh cổ động của anh đều có hình ảnh về Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Nhiều tranh cổ động khi tham gia các cuộc thi do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) tổ chức đã đoạt các giải cao. Đó là những tài sản vô giá được vẽ bằng tâm huyết của người nghệ sĩ trẻ này.
* Lan tỏa học tập và làm theo Bác
Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà cho hay, nhiều năm qua, hội phát động hội viên sáng tác về đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đã có hàng trăm công trình, tác phẩm trên các lĩnh vực: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, múa, nhiếp ảnh… được văn nghệ sĩ tìm tòi, khám phá về chất liệu, kỹ thuật, bút pháp và tính biểu đạt nghệ thuật, có giá trị thẩm mỹ, chân thực, có sức truyền cảm đối với công chúng.
Hàng năm, Hội VHNT Đồng Nai đều đặn tổ chức chương trình nghệ thuật chủ đề Bác Hồ - một tình yêu bao la nhằm giới thiệu những sáng tác mới của văn nghệ sĩ tỉnh nhà, quảng bá đến công chúng. Đặc biệt, trong năm 2024, hội đã tổ chức nhiều đêm công diễn các vở kịch, trích đoạn sân khấu hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đến xem, thưởng thức nghệ thuật.
“Từ hiệu ứng tốt qua các đêm diễn chủ đề về Bác Hồ, trong thời gian tới, hội tiếp tục phát động sáng tác và tổ chức các đợt công diễn mới. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà Thường trực Tỉnh ủy giao cho hội thực hiện sân khấu hóa Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với hoạt động Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh” - Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà nói.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin