Giám đốc Công ty Gốm Trường Thạnh (TP.Biên Hòa) Lê Hữu Mai đã dành 5 năm để xây dựng quy trình chuẩn cho sản xuất gốm Biên Hòa. Ông hy vọng có thể giới thiệu quy trình sản xuất gốm này đến với cộng đồng, thông qua đó quảng bá thương hiệu gốm Biên Hòa.
Học sinh tham gia trải nghiệm vẽ gốm tại gian hàng của Công ty Gốm Trường Thạnh trong Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai. Ảnh: H.Yến |
Đặc biệt, ông Mai mong muốn đem “lò sản xuất gốm di động” này đến tận các trường học để học sinh được trải nghiệm, tìm hiểu về làng nghề gốm truyền thống của Biên Hòa - Đồng Nai.
* Xây dựng quy trình chuẩn về sản xuất gốm thủ công
Trước khi quay trở về với công việc sản xuất gốm Biên Hòa, ông Lê Hữu Mai đã là một chuyên gia về quy trình sản xuất cho doanh nghiệp nước ngoài với mức lương hàng trăm triệu đồng/tháng. Với kinh nghiệm này, ông Mai quyết tâm xây dựng một quy trình sản xuất gốm để nâng cao chất lượng gốm Biên Hòa. Sau 5 năm nghiên cứu, thử nghiệm, ông Mai đã xây dựng được quy trình ưng ý và sẵn sàng cho việc đẩy mạnh quảng bá gốm Biên Hòa.
Theo ông Mai, gốm Biên Hòa nổi tiếng từ xưa và đã được định danh quốc tế, nhưng hiện vẫn chưa có các dòng sản phẩm gốm có thương hiệu. Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất gốm thủ công chưa có quy trình sản xuất chuẩn. Điều này dẫn đến thực tế là các nghệ nhân, nhân công sản xuất gốm theo kinh nghiệm, cảm giác riêng nên sẽ không cho ra những sản phẩm có chất lượng đồng đều.
“Để tạo ra những sản phẩm chất lượng cần phải có quy trình và tuân thủ quy trình trong quá trình sản xuất. Khi đó, người nghệ nhân phải biết được từng khâu trong sản xuất và nhất định không được bỏ qua các khâu này” - ông Mai giải thích.
Để có được quy trình sản xuất gốm thủ công Biên Hòa chuẩn xác, chất lượng, cần phải có nhiều ý kiến đóng góp của các nghệ nhân. Ông Mai cho biết: “Các nghệ nhân cùng chia sẻ với nhau. Người thì giỏi khâu này, có người giỏi khâu khác. Khi mọi người chia sẻ với nhau như vậy sẽ có một quy trình của các nghệ nhân. Lúc đó, chúng ta sẽ có những dòng sản phẩm chất lượng của gốm Biên Hòa”.
Trong chương trình giáo dục địa phương (bậc THCS) có nội dung về nghề sản xuất gốm Biên Hòa. Việc cho học sinh tham gia workshop, xem triển lãm và các hình thức ngoại khóa khác về gốm Biên Hòa là cách làm hiệu quả nhằm giới thiệu gốm Biên Hòa đến thế hệ trẻ.
* Ước mong đưa “lò gốm di động” đến trường học
Ngoài xây dựng được quy trình sản xuất gốm thủ công Biên Hòa, ông Mai còn đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất gốm, trong đó có các lò nung mi-ni và bàn xoay gốm, nghiên cứu màu phù hợp, chuẩn bị đất làm gốm phù hợp cho workshop. Với đầy đủ thiết bị cho việc sản xuất gốm, đội ngũ nghệ nhân, nhân sự phục vụ sản xuất gốm, Công ty Gốm Trường Thạnh có thể đưa các “lò sản xuất gốm di động” đến các hội chợ, triển lãm… để giới thiệu quy trình sản xuất gốm thủ công Biên Hòa; đồng thời, tạo cơ hội cho người dân được trải nghiệm làm gốm.
Ông Mai cho hay, sau Tuần lễ Văn hóa kỷ niệm 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai, Công ty Gốm Trường Thạnh sẽ tổ chức triển lãm, trải nghiệm làm gốm tại H.Bến Lức (tỉnh Long An).
“Trong tương lai, chúng tôi sẽ đưa những workshop về gốm như thế này đến khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Điều này nhằm quảng bá thương hiệu gốm Biên Hòa để công chúng biết và tìm đến với gốm Biên Hòa. Xa hơn nữa, chúng tôi sẽ đưa workshop về gốm Biên Hòa đến Australia. Điều này không chỉ nhằm giới thiệu về gốm Biên Hòa đến thế giới mà còn giúp cho nghệ nhân làm gốm thấy được giá trị của mình, từ đó tiếp thêm động lực để họ truyền nghề lại cho lớp trẻ. Như vậy, gốm Biên Hòa sẽ được gìn giữ và phát triển” - ông Mai chia sẻ thêm.
Mong muốn của ông Mai là có thể đưa những “lò gốm di động” này đến tận các trường học để tổ chức workshop cho học sinh tham gia. Bởi nếu tổ chức cho học sinh đến lò gốm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do điều kiện di chuyển, các lò gốm khó đảm bảo các yêu cầu về không gian, an toàn… cho trẻ.
Để chuẩn bị cho việc này, Công ty Gốm Trường Thạnh đang xây dựng kênh YouTube, trong đó có nhiều clip hướng dẫn làm gốm, vẽ gốm… Các clip này cung cấp kiến thức nền về nghề gốm cho giới trẻ. Đối với các trường muốn tổ chức workshop, học sinh sẽ đăng ký để công ty chuẩn bị. Ông Mai cho biết, công ty có thể tổ chức workshop với quy mô 500 người tham gia. Sau khi trẻ làm gốm, công ty sẽ đưa gốm về để phủ lớp men bên ngoài trước khi nung nhằm tạo ra sản phẩm bền, đẹp. Những sản phẩm này sau đó sẽ được trả về tận tay các bé.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin