(ĐN)- Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản hồi đáp Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai về những khó khăn, kiến nghị của người chăn nuôi.
(ĐN)- Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản hồi đáp Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai về những khó khăn, kiến nghị của người chăn nuôi.
Ảnh minh họa: Bình Nguyên |
Nội dung Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai mong được ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người chăn nuôi được giảm một phần lãi suất; tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các vùng chăn nuôi trọng điểm; thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 2-2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 84 ngàn tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 44 ngàn tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt gần 256 tỷ đồng cho 1.784 khách hàng.
Riêng trên địa bàn Đồng Nai đến cuối tháng 2-2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 1,5 ngàn tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 700 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 4,5 tỷ đồng cho hơn 60 khách hàng.
Về kiến nghị giảm lãi suất cho vay, trong tháng 3 và tháng 4-2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 2 lần thực hiện điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với một số lĩnh vực ưu tiên (trong đó có ngành chăn nuôi) từ 5,5% xuống 4,5%/năm. Đồng thời, giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-1%/năm, trần lãi suất gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,5% nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi.
Về kiến nghị gia hạn gói tín dụng ưu đãi cho ngành chăn nuôi, ngành chăn nuôi thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn - là một trong những lĩnh vực luôn được ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng.
Theo đó, có Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều cơ chế ưu đãi, trong đó có cơ chế cho vay liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, tập trung nguồn vốn để cho vay đối với lĩnh vực này.
Về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, đây là một trong những chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua. Do đó, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương; đồng thời đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, giải đáp các vấn đề phát sinh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tiếp cận khách hàng, đẩy mạnh triển khai chính sách. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng tại chi nhánh 63 tỉnh, thành phố. Đến nay, không có doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nào có thắc mắc, khiếu nại gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Đối với phản ánh về việc "khảo sát sơ bộ thực tế chưa thấy doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói hỗ trợ lãi vay", Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất mong Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cung cấp thông tin cụ thể về trường hợp khách hàng vay thuộc đối tượng, đủ điều kiện nhưng không được ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ sở xem xét, xử lý.
Bình Nguyên