(ĐN) - Sở Y tế mới đây đã có văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh.
(ĐN) - Sở Y tế mới đây đã có văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh.
Học sinh rửa tay để phòng ngừa bệnh |
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh; khoanh vùng điều tra xử lý triệt để ổ dịch trong vòng 48 giờ khi phát hiện ca tản phát hoặc ổ dịch TCM; Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc chống, khống chế ổ dịch; thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch truyền nhiễm; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng, thường xuyên tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, chiến dịch vệ sinh môi trường, thực hiện tốt an toàn về sinh thực phẩm...
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, cần tổ chức tốt việc phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị, chuyển tuyến bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng lây nhiễm chép giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác…
* Thực hiện chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế Đồng Nai cũng vừa đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm y tế các huyện, thành phố; các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng; chủ động giám sát các ca bệnh, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong.
Bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm vaccine |
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật bị nhiễm mầm bệnh như: chăn, gối, đệm. Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày. Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.
Đựơc biết, kể từ ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên phát hiện tại Anh vào ngày 13-5-2022, tính đến ngày 5-6, theo trang theo dõi bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu Global Health, trên thế giới đã ghi nhận hơn 930 trường hợp mắc bệnh và 68 trường hợp nghi ngờ đang chờ xác minh.
H.Yến